Không còn các khu phân lũ, chậm lũ, việc điều tiết lũ để bảo vệ Thủ đô Hà Nội thực hiện như thế nào?
Không còn các khu phân lũ, chậm lũ, việc điều tiết lũ để bảo vệ Thủ đô Hà Nội thực hiện như thế nào?
K.Nguyên
Thứ ba, ngày 10/09/2024 12:33 PM (GMT+7)
Hiện nay, nước lũ trên sông Hồng qua Hà Nội đang lên cao, nguy cơ ngập lụt cho nhiều khu vực. Vấn đề nhiều người quan tâm là, việc phân lũ, chậm lũ hệ thống sông Hồng khi xảy ra lũ lớn nhằm bảo vệ an toàn cho Thủ đô như thế nào?
Trước năm 2011, việc phân lũ, chậm lũ hệ thống sông Hồng khi xảy ra lũ lớn được thực hiện theo Nghị định số 62/1999/NĐ-CP ngày 31/7/1999 của Chính phủ ban hành Quy chế về phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng để bảo vệ an toàn cho thủ đô Hà Nội.
Theo đó, trong thời kỳ lũ, hồ Hoà Bình, hồ Thác Bà phải bảo đảm vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du.
Báo động khẩn cấp về lũ lụt: Khi mực nước tại Hà Nội ở mức 13,10 m mà Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn dự báo lũ còn tiếp tục lên nhanh thì Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công bố lệnh báo động khẩn cấp về lũ lụt.
Phân lũ vào sông Đáy: Khi hồ Hoà Bình, hồ Thác Bà đã sử dụng hết khả năng cắt lũ mà mực nước sông Hồng tại Hà Nội vẫn tiếp tục lên nhanh, đe doạ đến an toàn của Thủ đô Hà Nội thì phải phân lũ vào sông Đáy.
Đề chủ động đối phó với lũ lớn, bất trắc về lũ có thể xảy ra, theo Nghị định 66, quyết định sử dụng các vùng chậm lũ sau đây: Vùng Tam Thanh (tỉnh Phú Thọ); vùng Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc; vùng Lương Phú, Quảng Oai (Ba vì, tỉnh Hà Tây).
Đến năm 2011, Chính phủ có Nghị định số 4/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 về thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng.
Theo Nghị định này, Chính phủ bãi bỏ việc sử dụng các khu chậm lũ Tam Thanh thuộc tỉnh Phú Thọ, Lập Thạch thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Lương Phú – Quảng Oai, Ba Vì thuộc Thành phố Hà Nội và hệ thống phân lũ sông Đáy (được quy định tại Quy chế về phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng để bảo vệ an toàn cho Thủ đô Hà Nội ban hành theo Nghị định số 62/1999/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1999) kể từ khi công trình thủy điện Sơn La chính thức tham gia cắt lũ cho hạ du.
Để điều tiết lũ cho hạ du, trong đó có Hà Nội, Chính phủ quy định sử dụng công trình thủy điện Sơn La, phối hợp với các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà tham gia điều tiết liên hồ cắt lũ cho hạ du.
Vận hành điều tiết liên hồ, đảm bảo lưu lượng lũ trên sông Hồng tại trạm Thủy văn Sơn Tây nhỏ hơn hoặc bằng 28.000m3/s; tại trạm thủy văn Hà Nội nhỏ hơn hoặc bằng 20.000m3/s và mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội không vượt quá 13,40 m. Trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều hoặc dự báo xuất hiện trận lũ lớn hơn lũ 500 năm xuất hiện một lần, nhưng nhỏ hơn lũ thiết kế công trình hồ Sơn La (lũ 10.000 năm xuất hiện một lần) được sử dụng một phần dung tích chống lũ cho công trình để cắt giảm lũ cho hạ du nhưng phải đảm bảo an toàn công trình.
Củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông Hồng – sông Thái Bình, đê bảo vệ khu vực Tam Thanh, Lập Thạch, Lương Phú – Quảng Oai, Ba Vì đạt tiêu chuẩn thiết kế theo quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều.
Còn theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng ban hành kèm Quyết định 740/QĐ-TTg ngày 17/62019 của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm, các hồ Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu, Bản Chát và Huội Quảng trên lưu vực sông Hồng phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên như sau:
Trong mùa lũ: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện, không được để mực nước các hồ chứa vượt cao trình mực nước lớn nhất thiết kế với mọi trận lũ nhỏ hơn hoặc bằng lũ thiết kế tần suất 0,01% đối với các hồ Hòa Bình và Thác Bà; mực nước lớn nhất kiểm tra PMF đối với hồ Lai Châu, Sơn La và lũ kiểm tra tần suất 0,02% đối với các hồ Tuyên Quang, Bản Chát và Huội Quảng;
Đảm bảo an toàn chống lũ cho hạ du: Đảm bảo an toàn cho đồng bằng Bắc Bộ với các trận lũ tại Sơn Tây có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 300 năm, giữ mực nước sông Hồng tại Hà Nội không vượt quá cao trình 13,1m;
Đảm bảo an toàn cho thủ đô Hà Nội với các trận lũ tại Sơn Tây có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 500 năm, giữ mực nước sông Hông tại Hà Nội không vượt quá cao trình 13,4m;
Để giảm thiểu nguy cơ gây thiệt hại đến công trình đầu mối, công trình đê điều, kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông thủy, sạt lở bờ sông và ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân ở hạ du, quy định việc vận hành xả lũ các hồ như sau:
Hồ Hòa Bình đóng, mở lần lượt 6 cửa xả đáy đầu tiên, mỗi cửa cách nhau 6 giờ, các cửa tiếp theo có thể đóng, mở nhanh hơn.
Hồ Tuyên Quang đóng, mở lần lượt 4 cửa xả đáy đầu tiên, mỗi cửa cách nhau 6 giờ, các cửa tiếp theo có thể đóng, mở nhanh hơn.
Đối với thời kỳ xả hiệu chỉnh vào cuối mùa lũ, cho phép thời gian đóng, mở cửa xả đáy cuối cùng nhanh hơn, tùy theo lưu lượng nước đến hồ.
Khi xả lũ khẩn cấp đảm bảo an toàn công trình, được phép đóng, mở cấp tốc các cửa xả, thời gian đóng mở các cửa xả thực hiện theo quy định thao tác của thiết bị trong quy trình vận hành đơn hồ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.