Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Đỗ Minh Hoàng - Thành viên HĐQT Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) cho biết, sau 3 ngày (từ 7/9 đến nay), Bảo hiểm Agribank đã thành lập 15 đoàn công tác "lan tỏa" tới 14 tỉnh thành chịu sự "càn quét" của bão Yagi, trong đó tập trung vào các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình,...
Qua thống kê sơ bộ, đến 10/9, Bảo hiểm Agribank đã nhận được thông tin về 241 vụ tổn thất từ các doanh nghiệp, chưa tính đến tổn thất từ khách hàng cá nhân. Trong đó, 122 tài sản và 62 khách hàng doanh nghiệp vay vốn bị tổn thất, 57 xe ô tô bị thiệt hại (con số này chưa bao gồm những thiệt hại của khách hàng cá nhân tham gia bảo an tín dụng).
"Ước số tiền thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng là vốn mà Agribank đã cấp tín dụng cho nền kinh tế. Đây thuộc trách nhiệm chi trả của chúng tôi", Thành viên HĐQT Bảo hiểm Agribank nhấn mạnh.
Về phương án bồi thường, ông Hoàng nêu rõ: Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, có 3 phương thức bồi thường bao gồm: Thay mới tài sản – sửa chữa tài sản – bồi thường bằng tiền mặt.
Ban lãnh đạo Bảo hiểm Agribank đánh giá rằng, hạn chế của 2 phương thức bồi thường (thay mới và sửa chữa tài sản) đó là, các doanh nghiệp bảo hiểm không thể chi trả bồi thường ngay cho khách hàng, thay vào đó phải chờ chứng từ sửa chữa/thay thế.
"Do đó, việc chi trả bồi thường có thể kéo dài 5 – 6 tháng sau khi tổn thất xảy ra. Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và chỉ đạo của Agribank là Bảo hiểm Agribank phải linh hoạt, chủ động vận dụng các phương án để kịp thời chi trả bồi thường ngay cho khách hàng, để các khách hàng có nguồn lực tài chính khắc phục tổn thất và nhanh chóng đưa tài sản vào vận hành sản xuất, kinh doanh. Như vậy, 2 phương thức bồi thường (thay mới và sửa chữa tài sản), không còn đảm bảo tính kịp thời", ông Hoàng nói.
Do đó, ban lãnh đạo Bảo hiểm Agribank chỉ đạo các đơn vị tại địa phương phải vận dụng phương thức thứ 3, đó là trả tiền bồi thường, trên cơ sở biên bản giám định thiệt hại sơ bộ do các giám định viên của Bảo hiểm Agribank, các đoàn công tác và khách hàng cùng lập.
Ông Đỗ Minh Hoàng cho biết, phương án này có ưu điểm đó là khách hàng có ngay khoản tiền mặt để khắc phục mà không phải tái vay ngân hàng để lấy tiền sửa chữa hay thay thế tài sản. Thay vào đó, khách hàng có thể ngay lập tức dùng nguồn tiền vay khôi phục sản xuất, kinh doanh và đời sống hàng ngày.
Chúng tôi yêu cầu cán bộ địa bàn phải chủ động liên hệ với từng khách hàng mua bảo hiểm để nắm bắt thông tin tổn thất.
Đặc biệt, Công ty đã chỉ đạo các đơn vị phải chủ động, linh hoạt thu thập hồ sơ thiệt hại, linh hoạt sử dụng phương án bồi thường thiệt hại, cần thiết không cần chờ chứng từ khắc phục thiệt hại mà trả tiền bồi thường ngay cho khách hàng.
Ông Đỗ Minh Hoàng, Thành viên HĐQT Bảo hiểm Agribank
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong công tác bồi thường và kịp thời chi trả bồi thường cho khách hàng, Thành viên HĐQT Bảo hiểm Agribank đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm toán nhà nước chia sẻ với doanh nghiệp và người dân bị thiệt hại do bão; Đặc biệt, chia sẻ với doanh nghiệp bảo hiểm đối với việc linh hoạt các thủ tục tạm ứng/bồi thường thiệt hại một cách nhanh nhất theo chỉ thị của Chính phủ, Bộ Tài chính để giúp doanh nghiệp và người dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, sinh hoạt hàng ngày.
Đối với khách hàng (doanh nghiệp và cá nhân), một thực tế đáng lưu tâm đó là, mới chỉ có gần 20% khách hàng vay vốn tại Agribank mua bảo hiểm, nhưng chỉ tham gia với 16% dư nợ, có nghĩa là cứ 100 đồng ngân hàng cho vay ra, chỉ 16 đồng được bảo hiểm. Như vậy, còn phần lớn doanh nghiệp và người dân chưa coi hợp đồng bảo hiểm là thực sự cần thiết để chia sẻ rủi ro khi có thiên tai thảm họa xảy ra.
"Qua các sự cố thiên tai vừa qua, doanh nghiệp và người dân cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo hiểm, coi việc mua bảo hiểm là một trong những biện pháp quản trị và đề phòng rủi ro trước thiên tai, dịch bệnh không thể lường trước", ông Hoàng bày tỏ.
Liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp, ông Hoàng tiết lộ: Bảo hiểm nông nghiệp hiện đang là thách thức rất lớn đối với Chính phủ, cũng như thị trường bảo hiểm Việt Nam. Cho đến nay, các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp ở thị trường Việt Nam chưa nhiều và chưa đi vào thực tiễn cuộc sống.
Tại Bảo hiểm Agribank, hiện nay đã có các sản phẩm như bảo hiểm cây lúa, bảo hiểm cây cà phê, cây cao su, bảo hiểm cây ăn quả. Đặc biệt, Bảo hiểm Agribank hiện đang phối hợp với Agribank triển khai các đề án trọng tâm quốc gia như Đề án 1 triệu ha lúa, Đề án 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn,... Bảo hiểm Agribank cũng đã tìm kiếm nhà tái bảo hiểm cho các đề án này.
"Hiện nay, thị trường tái bảo hiểm quốc tế mới đồng ý cho triển khai gắn với Đề án 1 triệu ha lúa tại 8 vùng ĐBSCL. Đến nay, có 200 ha/1 triệu ha được triển khai theo chuỗi liên kết, dự kiến đến năm 2025 là 4.500 ha theo mục tiêu của Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn đặt ra. Khi đề án triển khai theo chương trình trọng điểm quốc gia, chắc chắn bảo hiểm cây lúa sẽ đi vào thực tế cuộc sống với sự quyết liệt của Agribank và Bảo hiểm Agribank", Thành viên HĐQT Đỗ Minh Hoàng nhấn mạnh.