Ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT) chia sẻ như thế tại buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành chăn nuôi, thức ăn, thủy sản và chế biến thịt Vietstock 2024, ngày 11/9.
Theo Cục Chăn nuôi, trong đợt bão số 3 Yagi, thiệt hại trong ngành chăn nuôi khá khiêm tốn so với những ngành khác trong nông nghiệp như lúa, thủy sản...
Tuy nhiên, sau bão lũ, dịch bệnh có thể bùng phát bất kỳ lúc nào nếu không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, nhất là ở khu vực chăn nuôi nông hộ. Nếu điều đó xảy ra sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung.
Ngoài nỗi lo an toàn dịch bệnh, ông Phạm Kim Đăng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ngành chăn nuôi Việt Nam có nét đặc thù và vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ chiếm tỷ lệ lớn. Hệ thống phân phối rộng khắp từ siêu thị đến đường quê, ngõ hẻm, và qua rất nhiều khâu trung gian.
Thêm vào đó là các vấn đề biến đổi khí hậu, biến động thị trường; đặc biệt quản lý môi trường chăn nuôi đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cần phải giải quyết.
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết, ngành chăn nuôi vẫn đối diện nhiều khó khăn, từ con giống, kiểm soát dịch bệnh đến quản lý môi trường chăn nuôi.
"Ngành chăn nuôi cần tổ chức lại để có chất lượng và giá thành tốt hơn. Vì giá thành chăn cao sẽ khiến thịt nhập khẩu tràn vào, nông dân càng khó cạnh tranh", ông Công nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Đạt - Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, điều quan trọng trước tiên là phải có quỹ đất dành riêng.
"Việc tổ chức lại khâu sản xuất rất cần thu hút các doanh nghiệp đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ và có sự liên kết với các hộ chăn nuôi", ông Đạt chia sẻ.
Thực hiện chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã ban hành 5 đề án phát triển, theo hướng công nghiệp, làm chủ được khoa học công nghệ áp dụng vào trong sản xuất.
Bộ NNPTNT cũng đã ban hành 3 kế hoạch: Phát triển công nghiệp giống vật nuôi; Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; Phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030.
Đặc biệt, đầu tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã thông qua Nghị định số 106 Quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả ngành chăn nuôi. Đây là căn cứ pháp lý tạo điều kiện để ngành phát triển.
Chia sẻ tại buổi giới thiệu Triển lãm Vietstock 2024, ông Phạm Kim Đăng cho biết, nguồn tư liệu bổ sung rất lớn cho sản xuất chăn nuôi là 8 nội dung về đất dành cho chăn nuôi đã được đưa vào Luật Đất đai 2024.
Có thể nói, ngành chăn nuôi đã có một thể chế khá hoàn thiện, tương đồng, hội nhập khu vực và quốc tế. "Đây chính là thời điểm vàng để ngành chăn nuôi chuyển đổi ngành theo hướng phát triển bền vững hơn", ông Đăng nói.
Cục Chăn nuôi sẽ tiếp nhận thêm các thông tin, giải pháp, tìm ra cách thức phù hợp với điều kiện hiện tại từ các chuyên gia, doanh nghiệp, khách hàng trong nước và quốc tế.
"Triển lãm chuyên ngành chăn nuôi, thức ăn, thủy sản và chế biến thịt Vietstock 2024 là dịp để ngành chăn nuôi cùng tìm hiểu, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm đưa ngành phát triển theo những xu hướng hiệu quả, góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi", ông Phạm Kim Đăng chia sẻ.
Vietstock 2024 diễn ra từ ngày 9-11/10 tại SECC quận 7 (TP.HCM), với các thảo luận quốc tế về giống vật nuôi; thức ăn chăn nuôi; công nghệ, môi trường và giảm phát thải trong chăn nuôi.
Tại Vietstock 2024, Cục Chăn nuôi và Hội đồng đánh giá cũng sẽ trao giải thưởng Vietstock Awards 2024 vinh danh các doanh nghiệp và tổ chức tiêu biểu, có nhiều đóng góp tích cực cho ngành chăn nuôi trong nước.