Dân Việt

Trăm tấn tôm, nghìn tấn hàu “bốc hơi” sau bão Yagi, ông trùm thuỷ sản vẫn quyết giữ chân lao động, khôi phục sản xuất

Đông Bắc 12/09/2024 06:25 GMT+7
Gần 100 tấn tôm thẻ chân trắng và hàng nghìn tấn hàu cửa sông đã bốc hơi sau cơn siêu bão Yagi (cơn bão số 3) không làm ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Tân An mất tinh thần. Ông vẫn quyết tâm giữ chân lao động để khôi phục sản xuất.

Mất trắng hàng trăm tỷ đồng sau siêu bão

Vài ngày sau khi siêu bão Yagi (cơn bão số 3) càn quét qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi tìm được đường tới thăm cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của Công ty CP thuỷ sản Tân An (TX.Quảng Yên). Đang cùng công nhân dọn dẹp nhà xưởng và lợp lại mái khu nhà điều hành, ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty đón chúng tôi với nụ cười chua chát.

Ông Dũng kể, nghe tin đài báo bão rất lớn và khả năng sẽ đổ bộ vào Quảng Ninh, tôi đã cho anh em công nhân chằng, chống nhà xưởng thu dọn đồ đạc vào kho. Ngoài bè nuôi hàu tôi cũng yêu cầu anh em công nhân gia cố chắc chắn nhất có thể rồi phải rút hết vào bờ tránh bão.

Trăm tấn tôm, nghìn tấn hàu “bốc hơi” sau bão Yagi, ông trùm thuỷ sản vẫn quyết giữ chân lao động, khôi phục sản xuất - Ảnh 1.

Khu nhà ương giống cấp 1 bị siêu bão phá nát.

"Mặc dù thiệt hại gần 100 tỷ đồng nhưng may mắn nhất là không có anh em công nhân nào bị thương hay mất tích do bão anh ạ. Giờ cái lo lớn nhất là làm sao giữ chân công nhân rồi khôi phục lại sản xuất. Các bè hàu trên biển thì trôi mất 100% do bão, còn tôm thì chết chủ yếu là do mất điện không chạy được máy sục khí và bơm nước", gạt những giọt mồ hôi trên trán ông Dũng nói.

Đưa chúng tôi đi nắm bắt tình hình thiệt hại tại các ao nuôi tôm sau bão, ông Ngô Hùng Dũng chỉ tay về phía khu nhà khung bị bão phá nát bảo, đây là nhà ương giống cấp 1.

"Công ty đang áp dụng kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 3 giai đoạn. Hệ thống nuôi được thiết kế gồm 3 ao (ao ương giai đoạn 1, ao ương giai đoạn 2 và ao nuôi thương phẩm). Ngoài ra, còn có 1 ao chứa và hệ thống xử lý nước" ông Dũng nói.

Trăm tấn tôm, nghìn tấn hàu “bốc hơi” sau bão Yagi, ông trùm thuỷ sản vẫn quyết giữ chân lao động, khôi phục sản xuất - Ảnh 2.

Bể ương giống, lưới, phao… đổ ngổn ngang cạnh các khu ao nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ông Dũng cũng cho biết, hiện tất cả các nhà ương giống cấp 1 đều đã bị phá nát hết, năm nay công ty đầu tư 10 triệu con giống dự kiến thu hoạch trên 100 tấn tôm thương phẩm. Từ đầu năm đến nay công ty mới thu hoạch được 10 tấn giá trị khoảng 17 tỷ đồng.

Ngoài ra, gia đình ông Dũng cũng đầu tư nuôi 60 bè nuôi hàu cửa sông với diện tích 1.600m2/bè; dự kiến cho thu hoạch khoảng 70 tấn hầu/bè. Với 60 bè nuôi thì vụ nuôi hàu năm nay, doanh thu từ hàu dự kiến sẽ đạt khoảng 100 tỷ đồng. Thế nhưng cơn bão kinh hoàng đã cướp đi toàn bộ hy vọng, số tôm chết do kích thước còn nhỏ nên ông Dũng phải chỉ đạo công nhân kéo lên làm mồi cho cá rô phi hoặc chôn lấp xuống đất.

Từ anh công nhân đến chủ doanh nghiệp đầu đàn về thuỷ sản Quảng Ninh

Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ sản Tân An nhớ lại: "Những năm 2000 tôi là thuyền trưởng đi thu mua nguyên liệu tại Khánh Hoà, Nha Trang, Cà Mau… (mua tôm he biển và mực) về cho Công ty Xuất nhập khẩu Thuỷ sản 2 Quảng Ninh chế biến. Công việc này giúp tôi tích luỹ được nhiều kinh nghiệm do tiếp xúc nhiều với người chăn nuôi, các mô hình nuôi tôm. Nhận thấy mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tư chi phí thấp, ao nuôi đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, cứ 4.000m2 cho thu hoạch được 10 tấn tôm thương phẩm, sau khi đi học hỏi nhiều nơi, nhiều mô hình cộng với kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với thuỷ sản, tôi mạnh dạn xin bàn với ban lãnh đạo công ty về hướng và phương pháp nuôi tôm thẻ chân trắng và được đồng ý. Công ty đưa vào nuôi thử nghiệm 8 triệu con giống trên diện tích 8ha, Công ty giao chỉ tiêu thu hoạch sản lượng phải đạt 3 tấn/ha, đến khi tôm thu hoạch cho sản lượng lên tới 6 tấn/ha. Sản lượng tiếp tục tăng cao từ 150 tấn/vụ, lên đến 750 tấn/vụ", ông Dũng kể.

Công việc làm ăn của Công ty thuận lợi cho đến năm 2012, do tác động của biến đổi khí hậu nên việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn hơn, môi trường nước bị ô nhiễm khiến cho phương pháp nuôi tôm truyền thống của công ty không còn phù hợp.

Trăm tấn tôm, nghìn tấn hàu “bốc hơi” sau bão Yagi, ông trùm thuỷ sản vẫn quyết giữ chân lao động, khôi phục sản xuất - Ảnh 3.

Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản Tân An (TX.Quảng Yên, Quảng Ninh) bên khu ao nuôi tôm thẻ chân trắng bị bão Yagi tàn phá.

Đầu năm 2017, ông Dũng vào Cà Mau tiếp cận với mô hình nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn, học hỏi cách họ làm và kinh nghiệm của mô hình. "Sau khi tiếp cận và trở về địa phương tôi đã tìm hướng đi riêng cho công ty, người ta nuôi 2 giai đoạn thì tôi mạnh dạn nuôi 3 giai đoạn theo cách của mình".

Từ năm 2019 Công ty Cổ phần Thủy sản Tân An tiếp tục đầu tư, mở rộng ao nuôi lên 5ha. Mỗi năm công ty nuôi 50 triệu con tôm, cung cấp cho thị trường chủ yếu tại Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh, cho doanh thu khoảng 500 tỷ đồng/năm.

Đầu năm 2013, gia đình ông Dũng còn đầu tư thử nghiệm mô hình nuôi hàu cửa sông với 5 bè tương đương 8.000m2. Sau thời gian nuôi thử nghiệm, đến tháng 5/2014 mô hình đã cho khai thác thử nghiệm đầu tiên được 100 tấn, doanh thu đạt 1,6 tỷ đồng.

Trăm tấn tôm, nghìn tấn hàu “bốc hơi” sau bão Yagi, ông trùm thuỷ sản vẫn quyết giữ chân lao động, khôi phục sản xuất - Ảnh 4.

Sau bão khu nuôi của Công ty Tân An chỉ còn là một cánh đồng tan hoang.

Sau thời gian nuôi ông Dũng nhận thấy con hàu tăng trưởng tốt mang lại hiệu quả kinh tế cao; đến nay công ty đã đầu tư nuôi 60 bè; với diện tích 1.600m2/bè; thu hoạch khoảng 70 tấn hàu/bè. Như vậy, với 60 bè nuôi thì mỗi năm thu nhập của gia đình có thể đạt gần 100 tỷ đồng. Việc tiêu thụ của con hàu cũng rất thuận lợi; chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tiễn chúng tôi trong cơn mưa lất phất sau bão Yagi, ông Ngô Trung Dũng tâm sự, hôm qua đại diện ngân hàng đã xuống để nắm bắt tình hình thiệt hại. Lãnh đạo địa phương cũng rất quan tâm thường xuyên hỏi thăm tạo điều kiện khắc phục hậu quả mưa bão. Hiện, công ty đang có 60 công nhân với mức lương khoảng 10 triệu đồng/người, công ty lo ăn ở toàn bộ. Hiện tại, tôi rất mong nhà nước tạo điều kiện để giãn thời hạn trả lãi ngân hàng với nợ cũ và giúp doanh nghiệp tiếp cận các gói vay lãi suất ưu đãi để chúng tôi có thể khôi phục sản xuất.