Biên đạo múa Hải Trường sinh ra ở Quảng Trị - mảnh đất anh hùng, lừng lẫy với bao chiến công. Lúc còn trong bụng mẹ, bố mẹ của Hải Trường đã xa cách nhau. Bố đi xuất khẩu lao động rồi biền biệt tháng năm, mẹ làm nhiều công việc nặng nhọc để kiếm tiền nuôi con. Cuộc sống ở Quảng Trị quá khó khăn và nhọc nhằn nên mẹ con Hải Trường lại dắt díu nhau vào Bình Thuận tha phương cầu thực.
Trong gia đình Hải Trường không có ai theo nghệ thuật nhưng chàng trai trẻ này lại bén duyên với múa.
"Nghiệp múa đến với tôi rất tình cờ. Năm cấp 3, tôi làm Bí thư Đoàn trường, mỗi khi trường tổ chức văn nghệ chào mừng sự kiện gì đó tôi thường đóng vai trò leader. Năm lớp 11, tôi xem trên tivi thấy trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội về các địa phương tuyển sinh nên đã mạnh dạn đăng ký dự tuyển. Tôi lọt qua vòng sơ tuyển, được ra Hà Nội dự thi. Nhưng khi ra Hà Nội tôi lại không đỗ Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Khi ra Hà Nội tôi mới biết đến Học viện Múa Việt Nam (trước đó là Cao đẳng Múa Việt Nam) và đã đăng ký thi tuyển nhưng không đỗ. Ra thi lần thứ 2 tôi mới đỗ vào Học viện Múa Việt Nam.
Tôi vào học múa thuộc dạng già nhất trong lớp, vì học múa phải học từ bé mới có độ dẻo dai, linh hoạt trong tập luyện các động tác. Học xong 4 năm hệ Trung cấp, tôi vẫn chưa định hình được mình sẽ làm gì với nghề này. Tốt nghiệp hệ Trung cấp ngành Diễn viên múa, tôi lại nộp đơn học ngành Biên đạo múa. Tôi đã tìm thấy chính tôi, tìm thấy con đường của mình khi theo học ngành này. Tốt nghiệp ngành Biên đạo múa, tôi được trường giữ lại giảng dạy luôn", Hải Trường tâm sự.
Theo Biên đạo Hải Trường, để chắp cánh tài năng, nuôi dưỡng cho ước mơ cho anh, mẹ anh – một bà mẹ đơn thân đã phải làm phụ hồ, một công việc rất nặng nhọc và vất vả đối với phụ nữ. Trong khi đó, Hải Trường lại rất "hư hỏng" khi nghiện game, thường xuyên trốn tiết.
Nghĩ lại những tháng ngày đó, trong lòng Biên đạo múa sinh năm 1990 luôn dấy lên những nỗi ân hận. Vì nỗi niềm này mà ngay khi vừa tốt nghiệp ngành Biên đạo múa, kiếm được những đồng tiền đầu tiên… Hải Trường đã mời mẹ ra sống cùng mình tại Hà Nội. Anh không để mẹ phải làm việc vất vả như trước mà tự mình kiếm tiền để chăm lo cuộc sống cho hai mẹ con. Bây giờ, mẹ con ở gần nhau, mẹ trở thành người đồng hành, hậu phương để anh thỏa sức sáng tạo và thăng hoa cùng các tác phẩm múa.
Gắn bó với nghề múa trong 12 năm qua, Hải Trường được biết đến với nhiều sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng, các tác phẩm phản ánh về mối quan hệ giữa con người với con người, không gian tâm linh, phong tục tập quán dân gian, sắc màu văn hóa các vùng miền…
"Lớn lên ở mảnh đất Quảng Trị - "Vùng đất lửa", nơi trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, hơn ai hết, những câu chuyện về cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc như ngấm vào cảm xúc, trí tưởng tượng của tôi. Bởi vậy, dù là người trẻ dàn dựng các tác phẩm nhưng tôi thích tìm hiểu sâu hơn và mong muốn thể hiện về đề tài chiến tranh cách mạng", biên đạo Hải Trường chia sẻ.
Mới đây nhất, tại Liên hoan Múa quốc tế 2024 diễn ra ở Thừa Thiên Huế, tác phẩm thơ múa "Nàng Mây" của Biên đạo múa Hải Trường đã xuất sắc giành giải Vàng chung cuộc. Tại Liên hoan này, chỉ có 5 giải Vàng được trao cho các tác phẩm và cá nhân xuất sắc. Bản thân biên đạo Hải Trường cũng đoạt giải Biên đạo xuất sắc và diễn viên chính của vở múa là Lương Thị Hà Nhi cũng đoạt giải Diễn viên xuất sắc.
Với vở kịch thơ "Nàng Mây", Hải Trường đã sử dụng chất liệu múa dân gian dân tộc kết hợp với múa đương đại để kể những câu chuyện về đời sống văn hóa của người Việt, lan tỏa vẻ đẹp của làng nghề truyền thống và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ mây tre đan.
"Để diễn tả được cái đẹp của "nàng mây" (sợi mây) tới khán giả thông qua ngôn ngữ múa là một quá trình dài. Để có chất liệu thực tế làm cảm hứng sáng tạo, tôi đã đi tới nhiều làng nghề mây tre đan tại Hà Nội, Huế… cũng như các vùng khai thác nguyên liệu; trực tiếp cảm nhận người dân vất vả, băng rừng lội suối khai thác mây, sau đó lại dụng công chế biến để tạo những thanh mây mềm để đan. Từ thực tế tìm hiểu nghề mây tre đan, tôi đã lên khung kịch bản cho tác phẩm thơ múa này".
"Nàng Mây" không những được Hội đồng Ban giám khảo đánh giá cao mà còn được khán giả đón nhận nhiệt tình. Vì thế mà sau khi vở diễn kết thúc, nhiều khán giả đã tới gặp đoàn múa với mong muốn được tặng đạo cụ là những sợi dây mây để làm kỷ niệm…
Trước đó, Hải Trường cũng đoạt giải A cuộc thi Tác phẩm múa các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2016 với tác phẩm "Lễ bỏ mả". Đây là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự thành công của Biên đạo gốc Quảng Trị khi thời điểm đó anh vẫn đang là sinh viên năm thứ 3. Bắt tay vào dàn dựng tác phẩm "Lễ bỏ mả", Hải Trường lấy chất liệu chính là phong tục bỏ mả của người dân tộc Bru, Vân Kiều – Quảng Trị. Anh muốn đưa bản sắc quê hương vào tác phẩm đầu tay để thể hiện niềm tự hào về quê hương.
Tiếp đó, năm 2017, Hải Trường lại đoạt Giải C giải thưởng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam với tác phẩm "Một ngày trên bản". Năm 2019, anh lại đoạt giải Nhất với tác phẩm "Cuội già" ở cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa do Bộ VHTTDL tổ chức. Năm 2020, tác phẩm "Côn Đảo ngày trở" về của Hải Trường lại giành giải B tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Những khó khăn khi theo đuổi đam mê
Hải Trường bộc bạch, khi dàn dựng các tác phẩm, anh thường dành thời gian tìm kiếm nguồn tư liệu, thông tin về các sự kiện, nhân vật lịch sử thời kỳ đó. Đồng thời, anh cũng tập trung tìm hiểu về bối cảnh của thời kỳ gian khó, cũng như sự hy sinh, mất mát của lớp lớp cha anh… để có thể chuyển tải chân thực, đầy cảm xúc vào tác phẩm của mình.
Mỗi tác phẩm được dựng lên với anh còn là sự công phu chọn diễn viên phù hợp với nhân vật, xâu chuỗi bố cục câu chuyện, tình tiết, ngôn ngữ, chất liệu, âm nhạc… tạo nên tổng hòa các yếu tố, nhằm làm cho khán giả, đặc biệt là những thế hệ sống trong những năm tháng chiến tranh có thể cảm nhận được không khí của thời kỳ đó qua ngôn ngữ múa.
Theo Hải Trường, có những vở diễn, anh và ê-kíp của mình đã mất gần cả tháng tập luyện, dựng lên rồi lại bỏ, rồi dựng lại... Có những khi cả nhóm phải tập đến 2 giờ sáng, vì kỹ thuật khó, chẳng hạn bài "Côn Đảo ngày trở về" có kỹ thuật rất "nặng" và đôi khi cần cả sự liều lĩnh của diễn viên. Tuy nhiên, các nghệ sĩ đã vượt qua được những khổ luyện để có những phút giây thực sự thăng hoa…
Với một người trẻ mong muốn theo đuổi, sống trọn với nghề múa, đôi khi Biên đạo Hải Trường cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thử thách: "Những năm trước, là một sinh viên mới ra trường đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền, việc sáng tác múa rất khó khăn. Ngoài bỏ công sức tìm hiểu để dựng tác phẩm, biên đạo cần có chi phí cho âm nhạc, đạo cụ, phục trang, thuê diễn viên... rất lớn. Từ việc làm tốt công việc của một biên đạo, luôn sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của đơn vị tổ chức nghệ thuật, thị hiếu của khán giả, tôi có kinh phí để nuôi đam mê, tập trung sáng tạo và khai thác, dàn dựng tác phẩm múa chuyên nghiệp".
Ngoài tham gia dàn dựng tác phẩm cho các đoàn, chương trình nghệ thuật, Hải Trường vẫn là gương mặt quen thuộc trong các cuộc thi, hội diễn của nghệ thuật múa. Anh cho biết: "Đó là hai con đường song song với nhau. Nếu cứ đắm chìm vào việc đi kiếm tiền thì sáng tác sẽ mai một. Bởi vậy cần sự cân bằng".
Nói về "bí quyết" để có các tác phẩm thu hút công chúng và thành công về nghệ thuật, Hải Trường cho rằng: "Cuộc sống có phát triển đến đâu đi chăng nữa, trong mỗi tác phẩm phải truyền tải được tinh thần, cảm xúc, vẻ đẹp dung dị của cuộc sống, của mối quan hệ giữa con người với con người, của không gian văn hóa…".