Một số chủ hộ nuôi cá lồng ở xã Thái Tân đang cố kéo bè lồng cá vào gần chân đê để tránh dòng chảy xiết mong cứu được số cá trong lồng. Gương mặt ai cũng lo lắng, buồn. Cả cơ nghiệp của người dân đều trông vào lồng cá.
Ông Hứa Phong Lưu, 55 tuổi, chủ hộ nuôi cá lồng ở Thái Tân đứng trên đê nhìn dãy lồng cá 40 lồng đang nằm cạnh bên dòng chảy xiết trên sông buồn rầu, thất thần. Ông Lưu cho biết, ông nuôi cá lồng được 7 – 8 năm, trước nuôi ở chỗ khác, mới chuyển về đây nuôi được hơn năm.
Theo ông Lưu, nước lên cao, dòng chảy xiết hơn bình thường, tuy không đứt lồng, bục lồng nhưng do dòng chảy xiết, khiến cá trong lồng phải vật lộn với dòng chảy nên đuối sức, hết nhớt nên dẫn đến cá chết.
Với 40 lồng cá, hiện số cá trong lồng của ông Lưu ước khoảng từ 170 – 180 tấn, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Ông Lưu cũng chưa nghĩ ra cách vớt vát thiệt hại và kế hoạch tái đầu từ sản xuất. "Nhiều khả năng phải bỏ lồng không nuôi cá nữa. Tất cả vốn liếng, vốn vay ngân hàng đều nằm dưới sông hết", ông Lưu thất thần.
Theo thông tin từ UBND huyện Nam Sách, trên địa bàn huyện có một số sự cố về đê điều, thuỷ lợi như: Sự cố vào lúc 10 giờ 50 phút, tại K10 + 430 – K10 + 450 đê tả Thái Bình, phía đông xã An Sơn sạt mái cơ đê (chiều dài 18m, rộng 3,3m, sâu 0,3m). UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng, cơ quan chuyên môn tập trung xử lý, đến nay đã ổn định.
Bên cạnh đó lực lượng chức năng cũng đã xử lý an toàn hố xói ở xã Minh Tân. Thiết lập các trạm barie tại các điểm đầu xã để hạn chế các loại phương tiện không được phép lưu thông trên đê trong thời gian chống lũ.
Mặt khác, UBND huyện cũng chỉ đạo di dời cơ bản xong 159 người dân và tài sản tại 62 hộ thuộc diện di dời tại 2 thôn Mỹ Xá, xã Minh Tân và thôn Lấu Khê, xã Hiệp Cát, trong đó có 105 người thuộc 32 hộ ở thôn Lấu Khê, xã Hiệp Cát; 54 người thuộc 30 hộ thôn Mỹ Xá, xã Minh Tân, nhằm giảm thiệt hại thấp nhất cho người dân. Đồng thời cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩn cho các hộ dân không thuộc diện di dời.