Dân Việt

Cảm động hình ảnh nông dân Thái Nguyên nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc nhau sau bão lũ

Trần Quang 17/09/2024 06:00 GMT+7
Chứng kiến hình ảnh người dân tại các thôn, xóm ở tỉnh Thái Nguyên nhường từng bơ gạo, bó rau, quần áo... giúp nhau vượt qua những ngày khó khăn sau bão lũ lịch sử, chúng tôi cảm thấy rất xúc động và càng yêu quê hương, đất nước mình hơn.
Cảm động hình ảnh nông dân Thái Nguyên nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc nhau sau bão lũ lịch sử - Ảnh 1.

Nhiều ruộng lúa đang vào chắc hạt tại các xóm ở xã Phủ Lý, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) bị nước lũ cuốn trôi, gãy gập hư hỏng nặng. Ảnh: TQ

"Lá rách ít đùm lá rách nhiều"

Những ngày sau siêu bão lich sử, theo chân đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vào các bản làng vùng sâu ở huyện Phú Lương (Thái Nguyên), vừa tận mắt chứng kiến, vừa nghe các câu chuyện về những thiệt hại, mất mát, đau thương ở đây chúng tôi đều thấy vô cùng xót xa.

Nằm tận sâu trong cùng của xóm Na Dau, xã Phủ Lý, chúng tôi phải dừng xe ở ngoài đường xã để đi bộ gần một km đường ruộng lầy lội bùn đất. Vào đến nơi, ai cũng bẩn vùi quần áo nhưng mọi người vẫn rất vui vì các thành viên trong gia đình anh Hoàng Văn Quang đều bình an, khỏe mạnh, dù căn nhà và các tài sản của anh đã đã bị nước lũ cuốn trôi, tàn phá tan hoang.

Gia đình anh Hoàng Văn Quang vừa chuyển đến chân đồi ở thôn Na Dau để xây dựng nhà ở mới và lập trang trại chăn nuôi trùn quế, gà, vịt, trống lúa và cây ăn quả với bao nhiêu kỳ vọng, gửi gắm, mong tương lai sẽ vượt lên thoát nghèo. Nhưng nào ngờ, sau trận lũ dữ xảy ra vào đêm 9/9, mọi tài sản, dự định của gia đình Quang đều đã trôi theo nước lũ.

"Nghe đài báo có bão to, chúng tôi đã chủ động dọn dẹp, kê cao đồ và chằng buộc, gia cố nhà, trang trại và dựng lều trên đỉnh đồi để di dời khi lũ về. Nhưng đêm đến, lũ về lớn chưa từng có, vợ chồng tôi chỉ kịp cõng bố hơn 80 tuổi và con nhỏ chay lên đồi còn lại mất hết", anh Quang vừa kể, đưa ánh mắt thất thần nhìn về phía dòng lũ vừa đi qua.

Cảm động hình ảnh nông dân Thái Nguyên nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc nhau sau bão lũ lịch sử - Ảnh 2.

Người dân ở xã Phủ Lý, huyện Phú Lương đến giúp gia đình anh Hoàng Văn Quang sửa đường ống dẫn nước sạch. Ảnh: TQ

Khi được các thành viên trong đoàn công tác động viên, chia sẻ, anh Quang và các thành viên trong gia đình đã cảm thấy thoải mái, lạc quan hơn. "Tài sản trôi hết nhưng cũng may mọi người vẫn bình an, còn người con của các bác ạ!", anh Quang nói thêm.

Nói với các thành viên trong đoàn công tác, anh Quang cho biết, hiện gia đình anh vẫn thuộc diện hộ nghèo và còn nợ ngân hàng 100 triệu đồng (anh mới vay đầu tư vào trang trại), đến giờ tài sản của gia đình đều mất hết nhưng được sự quan tâm của chínhh quyền địa phương, của bà con hàng xóm và cộng đồng đã giúp gia đình anh vơi bớt khó khăn, thiếu thốn hơn.

"Từ khi xảy ra lũ quét đến nay, bà con ở khắp các xóm lân cận đều tìm đến san sẻ từng bơ gạo, bó rau, cân thịt và hỗ trợ chúng tôi dọn dẹp nhà cửa, ruộng vườn nên vợ chồng tôi cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc", anh Quang bộc bạch.

Chị Đoàn Thị Bích Thảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phủ Lý, huyện Phú Lương cho biết, gia đình anh Hoàng Văn Quang là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề nhất ở Phủ Lý sau trận mưa lũ lịch sử nên chúng tôi đã kêu gọi, huy động các hội viên, nông dân tại các xóm đến hỗ trợ, động viên, chia sẻ với gia đình anh.

"Sau mưa lũ lịch sử, các hộ dân trong xã đều bị ảnh hưởng, thiệt hại nhưng mọi người đều rất đoàn kết, đùm bọc nhau. Các hộ bị nhẹ hơn đều đến hỗ trợ các hộ bị thiệ thại nhiều hơn, "lá rách ít đùm lá rách nhiều", trong lúc chờ hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, xã hội", chị Thảo nói và cho biết, từ ngày địa phương xảy ra lũ quét, chị và các cán bộ, lãnh đạo địa phương vừa cố gắng chỉ đạo khắc phục hậu quả của thiên tai vừa kêu gọi, đưa các đoàn thiện nguyện vào thăm hỏi, trao quà, động viên các hộ dân bị thiệt hại nặng tại các xóm.

Cảm động hình ảnh nông dân Thái Nguyên nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc nhau sau bão lũ lịch sử - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Quý, hội viên nông dân ở xóm Vải, xã Cao Ngạn, TP.Thái Nguyên tìm lại các bộ quần áo vừa bị lũ cuốn trôi. Ảnh: TQ

Một người cố gắng làm việc bằng hai, bằng ba để hỗ trợ người dân vượt khó

Mấy ngày đầu sau lũ quét, việc di chuyển, đi lại vào các hộ dân rất khó khăn, đa phần mọi người phải đi bộ, lội bùn, chống gậy mới vào được tận nơi. Có hôm vào cơ sở chị Thảo và một số cán bộ đi cùng không may bị trượt chân ngã bẩn hết quần áo, bị thương chảy máu nhưng mọi người vẫn cố lết vào nhà dân để động viên bà con.

"So với các xã vùng đồng bằng, các thôn, xóm, xã vùng núi có địa hình đồi dốc rất phức tạp, nhất là trong thời điểm vừa xảy ra lũ quét sẽ rất nguy hiểm nhưng những lúc hoạn nạn càng cần phải chia sẻ nên chúng tôi càng cố gắng nhiều hơn. Một người làm bằng hai, bằng ba, làm ngày không hết thì làm đêm, mong hỗ trợ được hết, không để ai phải chịu đói, rét, thiếu thốn sau thiên tai", chị Thảo cho hay.

Cùng trong hoàn cảnh bị thiệt hại nặng sau trận lũ với bà con các xã của huyện Phú Lương, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quý, hội viên nông dân ở xóm Vải, xã Cao Ngạn, TP.Thái Nguyên hiện giờ gần như "trắng tay".

Cảm động hình ảnh nông dân Thái Nguyên nhường cơm, sẻ áo, đùm bọc nhau sau bão lũ lịch sử - Ảnh 4.

Các hộ gia đình ở xóm Vải, xã Cao Ngạn, TP.Thái Nguyên tất bật dọn, rửa nhà cửa sau trận mưa lũ lịch sử. Ảnh: TQ

Hôm đoàn công tác đến, lối vào xóm, ngõ nhà ông Quý vẫn ngập bùn lầy, có chỗ phải lội bùn sâu đến bắp chân. Trong nhà các thành viên trong gia đình ông đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, vật dụng chăn nuôi. Đón đoàn trong bộ quần áo mới được hàng xóm cho, ông Quý vẫn cười tươi: "Sau lũ, gia đình không còn gì, đến quần áo, bữa cơm... đều nhờ bà con lối xóm và cộng đồng chia sẻ nhưng chúng tôi vẫn thấy vui vì mọi người đều đoàn kết, đồng lòng".

Dù trong nhà không còn gì, mọi đồ dùng từ tivi, tủ lạnh đến giường, tủ, quần áo... đều bị nước lũ cuốn trôi, gây hư hỏng hết nhưng khi được các thành viên trong đoàn công tác trao quà và tiền, vợ chồng ông Quý vẫn có ý từ chối khéo: "Tôi rất cảm ơn tấm lòng kịp thời của các cấp từ trung ương đến địa phương và cộng đồng nhưng ngoài kia, tại các địa phương vẫn còn nhiều gia đình khó khăn hơn, có hộ còn mất người trong lũ cần hỗ trợ nhiều hơn".

Ông Quý cho biết thêm, từ khi gia đình ông và các hộ ở trong xóm bị bão lũ tàn phá đến nay mọi người đều đã trở về nhà, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, ruộng vườn, chuồng trại để chuẩn bị quay trở lại để tái sản xuất, ổn định cuộc sống.

"Các nhà trong xóm đều bị thiệt hại nặng nhưng đến nay mọi người đều được các cấp chính quyền và cộng đồng hỗ trợ rất nhiều, kịp thời nên chúng tôi không lo đói, rét, thiếu thốn. Vấn đề đặt ra lúc này là sinh kế lâu dài,  bà con rất mong được nhà nước hỗ trợ, các ngân hàng hỗ trợ khoanh, giãn nợ và cho vay vốn ưu đãi thêm để có cơ hội đầu tư tiếp vào chăn nuôi, trồng trọt để tiếp tục làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình", ông Quý kiến nghị.