Sầu riêng sắm vai "ngôi sao", xuất khẩu rau quả Việt Nam thiết lập kỷ lục mới

Bình Minh Thứ hai, ngày 02/09/2024 06:03 AM (GMT+7)
7 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch ấn tượng, trên 3,8 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ. Theo các chuyên gia, xuất khẩu “bùng nổ” cho thấy chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Bình luận 0

Xuất khẩu rau quả "bùng nổ"

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 3,8 tỷ USD tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường dẫn đầu, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu với 2,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản

Đánh giá về xuất khẩu trái cây trong 7 tháng đầu năm, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thành công của xuất khẩu rau quả trong nửa đầu năm nay có nguyên nhân xa và nguyên nhân gần. Nguyên nhân xa là đầu năm 2024 xảy ra những căng thẳng địa chính trị mới. Trong đó, khủng hoảng ở Biển Đỏ đã làm tắc nghẽn dòng chảy vận chuyển container từ Đông sang Tây và ngược lại. Để đảm bảo an toàn, các tàu hàng từ Đông sang Tây và ngược lại đã buộc phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, qua đó làm tăng thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng cước vận chuyển lên gấp 3, 4 lần so với năm 2023.

Thời gian vận chuyển bị kéo dài thêm từ 15 đến hơn 20 ngày, thậm chí còn dài hơn nữa do tình trạng thiếu container, đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu rau quả từ các nước châu Mỹ, châu Âu và Trung Đông sang châu Á, trong đó có Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.

img

7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 3,8 tỷ USD tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kênh đào Panama bị thiếu nước cũng khiến cho hàng hóa nói chung, hàng rau quả nói riêng từ nhiều nước Nam Mỹ phải đi vòng xuống cực Nam châu Mỹ để đi sang châu Á, dẫn tới làm tăng đáng kể chi phí, thời gian vận chuyển.

Do thời gian vận chuyển kéo dài, chi phí tăng cao, những thị trường châu Á có nhu cầu lớn về tiêu thụ rau quả đã quay sang tăng cường nhập khẩu rau quả từ các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

Nguyên nhân gần là tiếp nối thành công trong năm 2023, xuất khẩu sầu riêng tiếp tục tăng trưởng rất mạnh trong nửa đầu năm nay và chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Sầu riêng ở Việt Nam đang càng ngày càng phát triển về diện tích, sản lượng, chất lượng. Đồng thời, trong năm nay, số lượng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp nhiều gấp khoảng 2 lần so với năm 2023. Những yếu tố này làm cho kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh, kéo theo kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung tăng trưởng tốt.

Ngoài sầu riêng, năm nay cũng ghi nhận một loại trái cây tăng trưởng rất tốt so với năm 2023 là chuối, nhất là tại thị trường Trung Quốc. Chuối Việt Nam hiện đang chiếm hơn 40% thị phần tại Trung Quốc, và là nguồn cung lớn nhất cho thị trường này. Sở dĩ xuất khẩu chuối Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh là do cây chuối ở Philippines đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh héo rũ vi khuẩn, khiến cho sản lượng chuối của Philippines giảm mạnh.

Cũng như Trung Quốc, Hàn Quốc gặp khó khăn trong việc nhập khẩu rau quả từ châu Mỹ, châu Âu …nên đẩy mạnh nhập khẩu từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, việc xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc tăng trưởng mạnh còn nhờ chất lượng rau quả Việt Nam đang ngày càng được cải thiện, nâng cao. Chính nhờ chất lượng ngày càng tốt hơn và đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà rau quả Việt Nam mới tận dụng được cơ hội thị trường, tăng cường thâm nhập vào các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

"Sầu riêng đông lạnh và dừa tươi đều là những mặt hàng đang có nhu cầu lớn ở thị trường Trung Quốc. Nếu dừa tươi và sầu riêng đông lạnh được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, thì trong những năm đầu tiên, mỗi năm, 2 mặt hàng này có thể đem về thêm cho xuất khẩu rau quả Việt Nam khoảng 500 triệu USD", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Thiết lập kỷ lục mới

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Mười cho biết, năm 2024, xuất khẩu trái cây của công ty có nhiều cơ hội tăng trưởng do cả yếu tố sản xuất và mở rộng thị trường. Mỹ và châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của Vina T&T. Ngoài ra, công ty còn xuất khẩu sang Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Hiện tại Vina T&T đã đưa được trái sầu riêng cấp đông vào thị trường Mỹ; xuất khẩu vải thiều sang Thái Lan. "Một trong những thuận lợi của công ty là nguồn nguyên liệu ổn định nhờ người dân đã có tư duy về sản xuất trái cây trái vụ, cho nên có những loại sản phẩm công ty có thể xuất khẩu quanh năm", ông Mười nói.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho hay, ngoài các loại rau quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện hai bên đã nhất trí sớm hoàn tất cả thủ tục để ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch quả dừa tươi trong thời gian tới, sẽ mở ra triển vọng xuất khẩu cho trái dừa của Việt Nam.

Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư dừa Bến Tre nói Trung Quốc là thị trường vô cùng tiềm năng vì mỗi năm sử dụng tới 2,6 tỷ trái dừa tươi và 1,5 tỷ trái dừa phục vụ chế biến. Với lợi thế về khoảng cách địa lý, thời gian vận chuyển ngắn với chi phí thấp nên sản phẩm sẽ cạnh tranh được với các quốc gia khác. Nếu dừa tươi của Việt Nam mở cửa được tại thị trường này, xuất khẩu dừa sẽ có bước đột phá.

Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên khẳng định, với kết quả đã đạt được và khả năng xuất khẩu trong những tháng còn lại, xuất khẩu rau quả trong cả năm nay có thể chạm mốc 7 tỷ USD. Kể cả nếu không chạm được mốc này thì xuất khẩu rau quả năm nay chắc chắn sẽ vượt kỷ lục 5,6 tỷ USD của năm 2023 và thiết lập một kỷ lục mới cho ngành rau quả Việt Nam.

"Chúng ta có những cơ sở để tin vào điều này", ông Nguyên nói, và cho biết, với mặt hàng xuất khẩu số 1 là sầu riêng, hiện vẫn còn cả vùng Tây Nguyên với diện tích và sản lượng lớn, mới chỉ bắt đầu thu hoạch kể từ tháng 7, tháng 8 và kéo dài đến gần cuối năm. Ngoài ra, sầu riêng trái vụ ở ĐBSCL sẽ cho thu hoạch trong những tháng cuối năm. Sản lượng sầu riêng còn lớn như vậy là cơ sở quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu loại trái cây này trong những tháng cuối năm.

Ngoài sầu riêng, nhiều loại trái cây khác cũng có triển vọng xuất khẩu tốt trong những tháng cuối năm như thanh long, xoài, chuối…

"Người tiêu dùng ở các nước Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc lại rất thích trái cây nhiệt đới vì có mùi thơm rất hấp dẫn như sầu riêng, xoài… Đây chính là cơ hội để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang các thị trường này", ông Nguyên thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem