Dân Việt

Từ vụ nam sinh Hà Nội bị đánh, bạn dửng dưng quay clip cổ vũ: Giới trẻ vô cảm hay thiếu kỹ năng sống?

Tào Nga 17/09/2024 06:59 GMT+7
Khi chứng kiến bạn mình bị đánh hoặc có hành vi bạo hành, thay vì can ngăn thì một số học sinh lại có hành động cổ vũ hoặc dửng dưng không quan tâm. Nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về tình trạng này.

Bạn bè đánh nhau, học sinh thờ ơ, cổ vũ

Mới đây, một clip nam sinh ở Hà Nội bị bạn đánh dã man ngay trong lớp học khiến nhiều người xem vô cùng bức xúc, phẫn nộ. Đây cũng không phải là clip đầu tiên về tình trạng bạo lực học đường, đồng thời cũng không phải là clip duy nhất liên quan đến lối sống, ứng xử của học trò và rất đáng suy ngẫm. 

Ngoài sự khủng khiếp của những hành động tra tấn bạn, thái độ của học sinh trong lớp khi bạn mình bị đánh tàn bạo càng đáng sợ. Nam sinh hung hăng liên tiếp đấm, đá, tát vào mặt, vào người một nam sinh khác đang ngồi chịu trận. Trong khi có một bạn can ngăn thì hầu hết số còn lại ngồi ngoài thờ ơ, không phản ứng hoặc thậm chí là cổ vũ cho hành động bạo lực này thay vì xông vào can thiệp hay đi gọi giáo viên.

Phải chăng giới trẻ ngày nay đang có lối sống thờ ơ, vô cảm hay chưa được trang bị kỹ năng nhận diện và xử lý tình huống khi các em sẽ lựa chọn cách mà mình cho là dễ nhất cho mình: Không quan tâm không phải việc của mình; không can dự, sợ hãi, sợ dính líu phiền phức và việc hùa theo cổ vũ vì đã quen nghe xem những cảnh tương tự.

Đây cũng là câu hỏi và băn khoăn của nhiều người.

Từ vụ nam sinh Hà Nội bị đánh, bạn dửng dưng quay clip cổ vũ: Giới trẻ vô cảm hay thiếu kỹ năng sống?- Ảnh 1.
Từ vụ nam sinh Hà Nội bị đánh, bạn dửng dưng quay clip cổ vũ: Giới trẻ vô cảm hay thiếu kỹ năng sống?- Ảnh 2.
Từ vụ nam sinh Hà Nội bị đánh, bạn dửng dưng quay clip cổ vũ: Giới trẻ vô cảm hay thiếu kỹ năng sống?- Ảnh 3.
Từ vụ nam sinh Hà Nội bị đánh, bạn dửng dưng quay clip cổ vũ: Giới trẻ vô cảm hay thiếu kỹ năng sống?- Ảnh 4.

Vụ nam sinh Hà Nội bị đánh khiến nhiều người bức xúc vì một số bạn thờ ơ, đứng ngoài cổ vũ. Ảnh cắt từ clip

Các em cần được giáo dục văn hóa học đường, kỹ năng sống 

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho biết: "Học sinh chành chọe, đấm đá nhau thì đời nào cũng có nhưng hiện nay chúng ta phải lên án hành vi bạo lực trở nên nguy hiểm, không những vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó là sự vô cảm là những em không bảo vệ bạn mà còn a dua, đứng xem cổ vũ hai bên đánh nhau, quay phim, chụp ảnh. Điều này không những mất an toàn trong trường học mà học sinh không nhận thức đúng về đạo đức, xã hội, pháp luật. Chúng ta phải thấy được hết những hậu quả để có những quyết tâm ngăn chặn".

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng bạo lực học đường phải giải quyết thấu đáo, thường xuyên, đẩy mạnh thành chương trình giáo dục thường xuyên trong trường. Việc nhắc nhở các em phải nói đi nói lại bởi nhiều lúc nói xong các em lại quên đi mà hành động theo bản năng, không theo pháp luật.

"Giáo dục trong nhà trường rất quan trọng, phải là từ mầm non, tiểu học. Các em cần được giáo dục văn hóa học đường, kỹ năng sống để biết yêu thương, tôn trọng, tha thứ và có kỹ năng hòa giải, đàm phán, ra quyết định đúng đắn để làm", TS Tùng Lâm cho hay.

TS Tùng Lâm nhấn mạnh việc xử phạt những bạn đứng quay clip là đúng vì không tham gia can thiệp mà còn đứng cổ vũ. Nếu các em quay để làm bằng chứng cho nhà trường, giáo viên thì được chấp nhận nhưng không phải để lan truyền lên mạng.

Trước câu hỏi có phải giới trẻ ngày nay vô cảm hơn, TS Tùng Lâm nêu quan điểm: "Không nên nói như thế. Đấy là hiện tượng vô cảm, sống trên nỗi đau người khác nhưng cũng đừng vội kết luận giới trẻ vô cảm. Các em có quan niệm khác đó là không muốn can thiệp vào việc của người khác. Đó là mặt yếu của học sinh hiện nay vì vậy, các em cần được giáo dục đúng".

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu, top 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do Forbes Việt Nam bình chọn cho hay: "Không phải do các em vô cảm mà quan điểm của học sinh hiện nay là bình thường hóa mọi sự vật, hiện tượng xung quanh".

Lý giải về điều này, bà Quyên cho biết: "Não của các em có quá nhiều thông tin để bận tâm và sẽ khó kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của mình. Rồi thông tin trên mạng xã hội dễ tiếp cận nên không có sự sàng lọc. Các em thiếu cả giáo dục gia đình, bố mẹ không có phương pháp dạy con mà xưa được dạy thế nào thì giờ dạy lại như vậy. 

Trẻ em ngày nay có nhiều thách thức, trở ngại, ô nhiễm thông tin, áp lực theo số đông, áp lực tài chính của bố mẹ… Đó là cả hệ sinh thái rộng lớn chứ không chỉ riêng giáo dục. Và đó là lý do để khiến nhiều em thờ ơ, không bận tâm đến những việc xung quanh".

Để hạn chế điều này, theo bà Quyên cần phải có tuần lễ giáo dục các em ngay từ đầu năm học để thống nhất những điều nên làm và không nên làm. Bố mẹ, nhà trường thảo luận, thống nhất hành vi cho các em chứ không phải con vi phạm bố mẹ lên viết kiểm điểm hay các em muốn mình an toàn, bình yên thì mặc kệ mọi việc xung quanh. Đứa trẻ không làm điều xấu là chưa đủ mà phải can thiệp tùy theo năng lực. 

Hình phạt là giải quyết phần ngọn, dạy cho trẻ tư duy giải quyết vấn đề. Bố mẹ đừng nghĩ rằng "ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con".

ThS. Nguyễn Thị Ngọc Bích, khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết, những vấn đề của học trò như bạo lực học đường, vô cảm với bạo lực... thường xuất phát từ những áp lực, với độ tuổi học trò thường là những căng thẳng trong học tập. Hơn nữa, có thể ngoài đời các em bị bắt nạt nên các em có khuynh hướng lây lan cảm xúc, trở thành người đi bắt nạt người khác ở một môi trường khác.

TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính quốc gia phân viện TP.HCM cảnh báo tình trạng con trẻ đang là nạn nhân từ giáo dục, môi trường sống, các tác động xã hội.

Cha mẹ hiện nay rất bận rộn, mức độ hiểu con cực kỳ lỏng lẻo, không chia sẻ được với con cái. Nhiều em thiếu tình thương trầm trọng ngay trong gia đình. Khi đến trường suốt ngày học hành, thi cử, kiểm tra triền miên. Các em dường như không còn tìm thấy sự thư giãn, vui vẻ, vui chơi, gắn kết trong gia đình, nhà trường...

Việc cười đùa trên nỗi đau đồng loại, của bạn bè dường như đang bị bình thường hóa, phổ thông hóa, thể hiện rõ ngay trong môi trường giáo dục. Đây là lời cảnh tỉnh đối với giáo dục gia đình và cả nhà trường - nơi con trẻ đang dần bị bỏ rơi giữa guồng quay tiền bạc, cuộc chạy đua thi cử, điểm số, thành tích...