Tối 16/9 (tức 14/8 âm lịch), trong không khí vắng lặng do mất điện, bên ngoài nước lũ vẫn dâng cao, nhiều người dân thôn Đồng Dâu và thôn Đừn, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội nghe thấy tiếng gọi của các đoàn viên trong tiếng nhạc: "Các cô, các bác cho các em ra đón Trung thu và nhận quà ạ".
Tết Trung thu đặc biệt của những trẻ nhỏ nơi "rốn lũ" xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội tối 16/9. Clip: NVCC
Trong phút chốc, những con đường trong thôn rộn ràng và sáng rực ánh đèn pin. Lũ trẻ lần đầu đón Trăng rằm mùa lụt cười hớn hở, xin bố mẹ đưa ra tận thuyền để chung vui.
Sống gần nửa đời người, lần đầu tiên anh Nguyễn Huy Tuấn (44 tuổi) mới cảm nhận Tết Trung thu đặc biệt như vậy. Đây cũng là năm đầu tiên nhiều thôn ở xã Tốt Động ngập lịch sử. Do ảnh hưởng của bão số 3, có nơi ngập sâu tới hơn 2m, nhiều khu vực bị mất điện.
"Lúc đó, các bạn đoàn viên chỉ mang theo một chiếc loa kéo nhỏ phát đủ nghe nhưng do cả thôn mất điện nên chúng tôi đều nghe rất rõ. Các con xin bố mẹ đi ra ngoài cửa ngóng chờ. Chúng tôi rất bất ngờ thấy đoàn viên đẩy thuyền chất đầy quà, đèn Trung thu vào tận từng nhà.
Món quà nhỏ gồm vài cái kẹo và đèn lồng, giá trị về vật chất không đáng bao nhiêu nhưng giá trị tinh thần thì vô cùng lớn. Các bạn đi đến đâu loa kéo bật bài hát về Trung thu khiến các con tôi và các cháu nhỏ háo hức đến đó. Bao ký ức về Tết Trung thu trong lòng những phụ huynh như tôi lại ùa về. Đây có lẽ là Tết Trung thu đặc biệt, ý nghĩa nơi rốn lũ của Thủ đô", anh Tuấn chia sẻ.
Theo anh Tuấn, không chỉ tặng quà Trung thu, những ngày qua các đoàn viên thanh niên với sức trẻ, nhiệt huyết của mình đã đến từng thôn xóm, từng nhà phát quà của các nhà tài trợ. Nếu không có đoàn viên Đoàn thanh niên thì nơi ngập sâu như nhà anh, lũ trẻ sẽ khó có quà.
"Các nhu yếu phẩm cứu trợ như nước sạch, đồ ăn rất nặng nên các bạn phải đẩy thuyền, trong khi đó nước lũ dâng cao ngang ngực, ngang cổ, chúng tôi ai nấy thấy cảnh đó đều cảm thấy xúc động. Món quà nhỏ nhưng khích lệ tinh thần người dân rất nhiều", anh Tuấn bày tỏ.
Anh Đỗ Viết Lưỡng (22 tuổi) là đoàn viên Chi đoàn thanh niên thôn Đừn cho biết, ý tưởng làm Trung thu cho các cháu được nảy ra từ chiều 16/9. Vào thời điểm này, nước lũ tại xã Tốt Động khá cao và rút rất chậm, mọi người vẫn phải di chuyển bằng thuyền.
"Chúng tôi nghĩ, năm nay lụt như thế này, các em nhỏ sẽ không có Trung thu nên quyết tâm làm. Mọi người bàn nhau đặt đèn lắp pin trên mạng, rồi mua bánh kẹo, chuẩn bị thuyền. Công đoạn chuẩn bị chỉ trong vài tiếng buổi chiều là hoàn tất", anh Lưỡng kể.
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Trịnh Bá Thơm, Phó Bí thư Đoàn xã Tốt Động cho hay: "Tết Trung thu năm nay được thực hiện trên tinh thần an toàn, tiết kiệm, không phô trương".
"Xã Tốt Động có 6 thôn ảnh hưởng ngập, ngày 16/9 chúng tôi đã phối hợp với Đoàn thanh niên thôn tổ chức đi phát kẹo, phát quà, đèn lồng cho các em nhỏ ở nơi bị ngập. Chúng tôi đã trao 400 suất quà cho trẻ nhỏ, hôm nay còn 150 suất quà cho một thôn nữa sẽ được trao đến tận tay các em.
Trời tối, mất điện hoàn toàn, đoàn viên soi mang đèn pin gửi từng món quà khiến các em nhỏ hào hứng, phấn khởi. Các đoàn viên mặc áo Đoàn truyền thống, lội nước bì bõm, người ướt sũng nhưng ai nấy đều vui vẻ", anh Thơm chia sẻ.
Theo anh Thơm, vài ngày qua, Ban chấp hành Đoàn xã kết hợp Ban Phòng chống thiên tai xã đã đắp đê, di dời một số bà con nơi ngập sâu lên trụ sở UBND xã, trường mầm non, đồng thời hàng ngày phát cơm, nước, nhu yếu phẩm, có ngày phát hơn 1.000 suất cơm cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi kết hợp với Mặt trận Tổ quốc xã, hơn 20 đoàn viên thanh niên vận chuyển đồ tiếp tế như bánh kẹo, đường sữa, mì tôm, nước sạch… cấp cho từng hộ gia đình. Mọi việc đều có bóng dáng màu áo xanh của đoàn viên", anh Thơm nói thêm.
Ông Phùng Xuân Toàn, Chủ tịch UBND xã Tốt Động cho hay, năm nay do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều địa bàn bị ngập sâu nên các hoạt động được tổ chức ngắn gọn, xã cũng đã trao các suất quà cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật...
Nhân dịp Tết Trung thu 2024, ngày 13/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam ở trong và ngoài nước, các cháu người nước ngoài ở Việt Nam.
Trong thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm viết: "Tết Trung thu, Tết của thiếu nhi, vào ngày Rằm tháng 8 âm lịch, các cháu được quây quần bên gia đình, ông bà, cha mẹ, cùng vui chơi, rước đèn, múa lân, phá cỗ dưới ánh trăng rằm hoặc nghe ông bà, cha mẹ kể "chuyện cổ tích về Trung thu". Và mỗi Tết Trung thu sẽ là những ký ức trẻ thơ của mỗi con người chúng ta sau này.
Bác rất mong muốn mỗi Trung thu các cháu lại có được một cái tết vui vẻ hơn, đầy đủ hơn, ý nghĩa hơn cả về vật chất và tinh thần bởi sự chăm lo của gia đình, nhà trường, xã hội cho các cháu.
Bác mong các cháu luôn ngoan ngoãn, mạnh khỏe, học giỏi, siêng năng, sống tình nghĩa, hoài bão; thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng; luôn là trò giỏi, con ngoan; phấn đấu để trở thành niềm tự hào của gia đình, dòng họ và dân tộc.
Trung thu năm nay không được trọn vẹn bởi thiên tai đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với nhiều gia đình, thôn xóm, bản làng, phường xã. Nhiều cháu thiếu nhi không may bị cướp đi sinh mạng, nhiều cháu mất người thân, mất nhà cửa, sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bác xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân, gia quyến các cháu là nạn nhân của bão lũ và hy vọng tất cả chúng ta hãy dũng cảm vượt qua đau thương, mất mát này.
Với các cháu ở những vùng bão, lũ, Bác dặn các cháu luôn chú ý an toàn khi học tập, vui chơi. Hãy tránh xa những nơi nguy hiểm, không chơi đùa gần sông, suối, ao hồ, luôn nhớ lời cha mẹ, thầy cô giáo để tự bảo vệ bản thân và bạn bè".