Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chia sẻ với Dân Việt, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, "Chiếc đèn ông sao" được ông viết bài này vào dịp Trung thu năm 1956 ở Khu học xá Trung ương (Nam Ninh – Trung Quốc). Lúc này, tuy hòa bình đã lập lại trên miền Bắc, nhưng một số trường Sư phạm và Phổ thông của ta vẫn còn tạm trú ở nước bạn, phải đến năm 1958 mới chuyển hoàn toàn về nước. Số thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc đã được đưa sang học ở đây khá nhiều và nhu cầu ca hát của các em nhỏ lại được tăng lên.
"Tết Trung thu năm 1956 là Tết Trung thu thứ hai trong hòa bình mà cũng là một năm mang cho mọi người bao hy vọng, bởi lẽ theo Hiệp định Genève thì sau 2 năm sẽ tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Tình cảm luôn luôn hướng về quê hương của các học sinh chúng ta, nhất là các em thiếu nhi miền Nam, tuy sống trên đất bạn nhưng vẫn là một niềm khát khao cháy bỏng. Trung thu năm đó được tổ chức khá rôm rả và vui mắt, nhất là sự xuất hiện hàng loạt chiếc đèn ông sao làm bằng tre nứa đủ các cỡ, có cán dài để chuẩn bị cho cuộc rước đèn vào đúng đêm rằm. Tôi sáng tác bài hát này dựa trên cảm hứng từ hình ảnh những chiếc đèn ông sao đó".
Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, bài hát "Chiếc đèn ông sao" là một ca khúc ngắn, tiết tấu dựa chủ yếu vào nhịp trống múa sư tử (múa lân). Bài hát đã nhanh chóng được phổ biến trong toàn khu. Ngay khi sáng tác xong, nhạc sĩ đã gửi bài hát này về Đài Tiếng nói Việt Nam, tuy chỉ gửi trước có một tuần, nhưng thật cảm động khi thấy bài hát đã được vang lên trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đúng vào đêm rằm Trung thu với với tiếng đàn măng-đô-lin tươi tắn và giọng hát trong sáng của Anh Tuấn và tốp ca (Anh Tuấn là Tuấn Kỳ - ca sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam, sau này là Biên tập viên của Đài Truyền hình TP.HCM).
"Chiếc đèn ông sao, sao năm cán tươi màu/ Cán đây rất dài cán cao quá đầu/ Tay cầm đèn sao em hát vang vang/ Đèn sao tươi màu của đêm rằm Trung thu" là 4 câu mở đầu của bài hát. Nhưng các em thiếu nhi miền Nam hồi đó rất thích hai câu: "Em cầm đèn sao em hát vang vang/ Đây ánh hòa bình đuổi xua loài xâm lăng". Bài hát sau khi được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhanh chóng được nhiều em thiếu nhi yêu thích. Tôi cứ tự hỏi, phải chăng tiết tấu múa lân đã gây ấn tượng về một ngày hội vui và tạo nên sức sống cho bài ca mỗi khi đón Tết Trung thu.
Đầu năm năm 1958, tức 2 năm sau khi ra đời, Nhà xuất bản Bắc Kinh (Trung Quốc) đã chọn dịch bài "Chiếc đèn ông sao" in trong tập "Ca khúc thế giới" có phần đệm piano. Tại Việt Nam, bài hát cũng đã được đưa vào tuyển tập 50 bài hát dành cho thiếu nhi của thế kỷ 20 và một phần trích đoạn điệp khúc trong sách giáo khoa Âm nhạc lớp 8", nhạc sĩ Phạm Tuyên nói thêm.
Bài hát Trung thu của Việt Nam được đưa vào sách giáo khoa Đức
Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể rằng, năm 1976, khi ông sang Cộng hòa Dân chủ Đức để nghiên cứu về âm nhạc trên sóng phát thanh, điều làm ông ngạc nhiên và cảm động là thấy các bạn ở Đài phát thanh Cộng hòa Dân chủ Đức cho biết có một số bài hát của ông được phát trên Đài của bạn, trong đó có bài "Chiếc đèn ông sao" được trình diễn với một tốp ca nhỏ với một dàn nhạc.
Biết tin tác giả của bài hát đang ở Berlin, Tiến sĩ âm nhạc Hans-Sanulig chỉ huy và dàn dựng bài hát này đã từ Leipzig lên gặp ông và còn tặng ông một tập bài hát thiếu nhi bằng tiếng Đức, trong đó có bài "Chiếc đèn ông sao" (tên bài hát in trong sách là Von Der Sternenlaterne – Vietnamesishes Liede) có minh họa các em thiếu nhi đội nón múa dưới trăng bên những cây cau và mái nhà tranh.
"Khi tôi hỏi ai đã dịch lời bài hát này ra tiếng Đức thì Tiến sĩ Hans Sanudig trả lời là: "Đó chỉ là phỏng theo ý mà các bạn Việt Nam đang theo học ở Đức đã giới thiệu". Nhưng ông nói thêm: "Kể ra thì bản thân âm nhạc đã nói lên được nhiều ý rồi. Với tiết tấu này của đoạn "Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh" rất giống với giai điệu của các lễ hội Carnaval (Lễ hội hoá trang) ở Đức nên ông quyết định phổ lời Đức cho trẻ em Đức hát và vẫn giữ nguyên câu "Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh", dù không hiểu rõ nội dung bài hát. Sau đó, Tiến sĩ Hans đã phổ nhạc và lời Đức để "Chiếc đèn ông sao" vào một quyển tuyển tập âm nhạc sách giáo khoa tiếng Đức", nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại.
"Chiếc đèn ông sao" là một bài hát quen thuộc đối với rất nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam. Đây là ca khúc được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác vào năm 1956. (Nguồn: YouTube Release - Topic)
Trước đó, vì rất tâm đắc với bài hát này nên năm 1967, nhạc sĩ Phạm Tuyên từng nhờ nhạc sĩ Dân Huyền mang máy ghi âm sang nhà để thu cho hai con gái hát ca khúc này.
Chia sẻ với Dân Việt, chị Phạm Hồng Tuyến – con gái út của nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng tâm sự: "Bài hát "Chiếc đèn ông sao" trong ký ức tuổi thơ tôi luôn là những đêm trăng sáng chúng tôi chạy chơi dưới sân ở khu tập thể Khương Thượng. Ở đó có một khối bê tông giữa nhà A5 và A6, bọn trẻ con hay trèo lên đó, coi như sân khấu để nhảy múa hát ca. Chúng tôi làm đám rước với đèn ông sao, đèn ông sư, đèn con thỏ…
Thời ấy mọi thứ còn khó khăn nên các loại đèn mua được cũng vất vả, không có nhiều, chúng tôi còn chế thêm đèn đốt làm bằng hạt bưởi khô được bóc vỏ cứng ra, lấy que tre xiên lại, mùi tinh dầu thơm thơm, đượm cả một thời quá khứ. Và tất nhiên bài hát "Chiếc đèn ông sao" với điệp khúc "tùng rinh rinh…" theo đám rước của tụi trẻ con đi quanh khu tập thể. Nghĩ lại thấy ngày ấy vui và hồn nhiên quá…".
Kể từ năm 1956 khi được phát rộng rãi trên sóng phát thanh, bài hát "Chiếc đèn ông sao" đã được tái bản nhiều lần và được hát vang cứ mỗi lần đón Tết Trung thu, trở thành một bài ca truyền thống của thiếu nhi cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.