CLip: Ông Trần Quốc Bảo, tỷ phú trồng lúa, trồng cao su ở xã Hòa Thạnh (huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh), được bình chọn là một trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024.
Ông Bảo kể, ngày đầu khởi nghiệp, mẹ cho ông 3 chỉ vàng. Năm 1995, gia đình ông về ấp Cây Ổi, xã Hòa Thạnh (huyện Châu Thành) mua đất để lập nghiệp.
Xã Hoà Thạnh nằm sát biên giới Campuchia, ở phía Tây huyện Châu Thành. Người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Với bản chất cần cù, thích ruộng vườn, ông đầu tư trồng điều, mì, và các loại hoa màu để mưu sinh.
Hết trồng điều lại chuyển sang trồng mía, bao nhiêu tiền lời tích cóp được, ông dành vào mua đất. Cứ ai ở gần, có bán đất, ông lại gom mua, từ 1ha, 2ha rồi lên 4ha.
Nhiều người thấy ông mua đất thì nghi ngại vì bấy giờ, xã Hòa Thạnh chỉ là một vùng đất bạc màu và còn hoang sơ, phần lớn là đất gò và rừng chồi.
Ông Bảo quan niệm, muốn làm nông nghiệp thì phải có nhiều đất. "Nghĩ mình còn trẻ, còn sức lao động nên tôi cứ mua rồi ra sức làm lụng để nuôi con ăn học", ông Bảo kể lại.
Từ năm 2009, người dân được Hội Nông dân xã và chính quyền địa phương vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông Bảo nhận thấy xã Hòa Thạnh nằm giáp sông Vàm Cỏ Đông, có lợi thế về nguồn nước, thích hợp để trồng lúa và chăm sóc cây cao su. Ông tập trung vào phát triển 2 loại cây này.
Nhờ mủ cao su được giá, hoa màu và cây lương thực trúng mùa, nhiều năm như thế, ông tích cóp dần để mở rộng thêm đất canh tác. Tính đến nay, ông đã sở hữu 7ha đất trồng lúa và 12ha cao su.
Diện tích lớn là một lợi thế nhưng nông dân cũng cần kiến thức để canh tác hiệu quả. Ông Bảo kể, có những năm ông trồng lúa cũng thất bát. Ông lại phải mày mò cập nhật thông tin, tìm hiểu kiến thức và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Ông bắt đầu thực mô hình liên kết sản xuất với bà con xung quanh để tăng hiệu quả canh tác. Trên vườn cao su, nhờ diện tích lớn, liền khoảnh, ông dễ dàng áp dụng cơ giới hóa. Toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch được đưa vào chế biến tại các nhà máy trong tỉnh.
"Trên tổng diện tích 19ha đất trồng lúa và chăm sóc cao su, sau khi trừ chi phí, tôi thu lời 4,7 tỷ đồng/năm. Từ năm 2019 đến nay, lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước", ông Bảo cho biết.
Theo ông Bảo, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương rất thích hợp để trồng trọt. Tuy nhiên, thời tiết nhiều thất thường, giá vật tư lại tăng cao. Để làm nông nghiệp hiệu quả, ông phải chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật và thông tin thị trường, rồi tìm hướng đi phù hợp.
Trong quá trình sản xuất, ông thường xuyên tìm hiểu các kỹ thuật, công nghệ mới qua internet, báo đài; nhất là kiến thức từ các khóa tập huấn, hội thảo do Hội Nông dân, và ngành nông nghiệp địa phương tổ chức. Từ kinh nghiệm và các mô hình sáng tạo trong nông nghiệp, ông lựa chọn áp dụng các giải pháp phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Ông Trần Thanh Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thạnh cho biết, sở hữu nguồn nước dồi dào, cùng hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, cây lúa là một trong những cây trồng chủ lực tại địa phương.
Thời gian qua, nhiều nông dân ứng dụng cơ giới hóa để sản xuất các giống lúa chất lượng cao. Người dân áp dụng đầy đủ các biện pháp "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", tăng cường bón các loại phân hữu cơ.
Đồng thời, mô hình liên kết các nhà từng bước khắc phục tình trạng nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc vào thương lái. Đó là cơ hội để cơ giới hóa nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết nâng cao giá trị nông sản.
Trong quá trình phát triển sản xuất, ông Trần Quốc Bảo là hội viên tiêu biểu của Chi Hội Nông dân nghề nghiệp ấp Cây Ổi (xã Hòa Thạnh).
"Nhờ nỗ lực nghiên cứu học hỏi, áp dụng kỹ thuật vào quy trình sản xuất theo hướng kết nối thị trường, quá trình trồng lúa nước và chăm sóc cây cao su hàng năm của ông Bảo luôn đạt hiệu quả, cho năng suất cao", ông Long nói.
Từ thành công của mình, ông Bảo thường xuyên trao đổi những kinh nghiệm sản xuất cho nhiều nông dân tại địa phương. Ông Bảo cũng phát triển dịch vụ kinh doanh nông sản, tạo việc làm cho 25 lao động, thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng.
Không chỉ sản xuất giỏi, ông Bảo là cá nhân điển hình tham giao phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Hàng năm, ông đóng góp bằng tiền và vật chất trên 40 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nông thôn.
Từ sự hỗ trợ vốn (không tính lãi) của ông mà nhiều hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Các hoạt động từ thiện như giúp đỡ học sinh nghèo, hỗ trợ xây nhà mái ấm nông dân; trao vốn cho hội viên nông dân phát triển kinh tế gia đình... đều được ông nhiệt tình tham gia.
"Liên tục từ năm 2017-2023, năm nào ông Bảo cũng được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Tây Ninh vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua Nông dân sản xuất giỏi", ông Long cho biết.
Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).