Dân Việt

Báo Pháp: Quân bài cuối cùng ông Zelensky đang định chơi

V.N (Theo Valeurs Actuelles Sputnik) 17/09/2024 17:07 GMT+7
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang muốn để NATO tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột với Nga, chuyên gia viết trên tạp chí tin tức hàng tuần của Pháp Valeurs Actuelles.
img

Tổng thống Zelensky đang hy vọng xoay chuyển tình hình. Ảnh: AP.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang tuyệt vọng cố gắng kéo NATO vào cuộc xung đột với Nga, sử dụng cơ hội cuối cùng để cứu vãn quyền lực của mình, nhưng hành động của ông đang làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Quan điểm này được Alexander del Val, chuyên gia trong lĩnh vực địa chính trị và giáo sư tại Viện Đào tạo Quản lý và Điều hành (IPAG), đưa ra.

Trong bài viết của ông trên tạp chí Valeurs Actuelles, ông lưu ý trước tiên về tình hình khó khăn mà quân đội Ukraine đang phải đối mặt, và tình hình này chỉ trở nên tồi tệ hơn sau cuộc xâm lược vào khu vực Kursk. 

Ông chỉ ra rằng cứ mỗi 10 quân nhân thuộc Các lực lượng vũ trang Ukraine thì có một người bị cáo buộc đào ngũ, và 800.000 người Ukraine phản đối việc gia nhập quân đội, cho thấy nguồn lực và tinh thần của Kiev đang bị cạn kiệt. 

Del Val cũng chỉ ra "việc dần dần từ bỏ các vị trí của quân Ukraine, điều này đe dọa sụp đổ toàn bộ hệ thống phòng thủ của Các lực lượng vũ trang Ukraine ở Donbass và các khu vực phía nam của đất nước."

"Đối mặt với thực tế này, Zelensky đang chơi con bài cuối cùng mà ông còn lại: Ông đang cố gắng trực tiếp kéo NATO vào cuộc xung đột bằng cách buộc liên minh phải đưa quân đến" - ông viết.

Chuyên gia này lưu ý về lời kêu gọi của Zelensky tại cuộc họp của nhóm liên lạc ở Ramstein (Đức) và tại diễn đàn ở Chernobbio đối với các đồng minh, yêu cầu họ "bỏ qua các giới hạn đỏ" của Moscow và cung cấp cho Kiev thêm tên lửa tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Liên bang Nga. 

Del Val lưu ý rằng trong bối cảnh này, bất chấp sự thất bại về mặt quân sự của cuộc xâm lược vào khu vực Kursk, ông Zelensky đang cố gắng chứng minh rằng có thể tiến hành chiến tranh chống lại Nga "mà không sợ cả thảm họa tận thế hay hình phạt kiềm chế."

"Tuy nhiên, những tuyên bố như vậy của Zelensky... có thể cuối cùng kích hoạt một chuỗi sự kiện biến cuộc xung đột khu vực này thành cuộc chiến giữa phương Tây và Nga với những hậu quả không thể dự đoán," ông giải thích. "Nguy cơ chiến tranh hạt nhân không thể hoàn toàn bị loại trừ, ngay cả khi nó không có khả năng xảy ra".

Dân chủ và sự tự tin thái quá

Nhà phân tích chính trị cho rằng chiến lược của Zelensky có thể có "hậu quả tàn khốc cho toàn nhân loại."

Theo ông, các quốc gia NATO hiện không sẵn sàng cho chiến tranh với Nga vì họ không có quân đội đủ đông để chịu đựng tổn thất nặng nề, cũng như sản xuất quân sự mạnh mẽ, khi mà hiện tại họ chỉ vừa đáp ứng nhu cầu của Ukraine.

"Rất có thể người Ukraine đang chiến đấu một cách vô ích. Bởi vì, trừ khi xảy ra điều tồi tệ nhất, nếu các cuộc đàm phán diễn ra, chúng sẽ dẫn đến những tổn thất lãnh thổ lớn hơn cho người Ukraine vào năm 2025 so với những gì có thể xảy ra vào tháng 3 năm 2022, tức là trước khi chuỗi sự kiện quốc tế hóa và tương tác của các liên minh làm phức tạp quá trình đàm phán," De Val kết luận.

Hôm 12/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng NATO không chỉ nghiên cứu khả năng sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây cho Ukraina mà còn tham gia trực tiếp vào xung đột.

Theo ông Putin, chính quyền Kiev đã tấn công lãnh thổ Nga bằng máy bay không người lái và các phương tiện khác. Khi nói đến việc sử dụng vũ khí tầm xa có độ chính xác cao do phương Tây sản xuất, cần hiểu rằng việc này phải có sự tham gia của quân đội các nước trong liên minh, vì chỉ họ mới có thể tích hợp các nhiệm vụ bay vào hệ thống tên lửa, Tổng thống Nga giải thích.

Ông cũng nhấn mạnh rằng sự tham gia trực tiếp của phương Tây vào cuộc đối đầu ở Ukraina sẽ thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột và đồng nghĩa với việc các thành viên NATO - Mỹ và các nước Châu Âu - đang chiến đấu với Nga. Matxcơva khi đó sẽ đưa ra quyết định dựa trên các mối đe dọa xuất hiện trước mắt.