Cố NSND Châu Loan tên thật là Bùi Thị Loan, sinh năm 1926 tại làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Thân phụ của bà là cụ Bùi Mè - học trò xuất sắc của cụ Nguyễn Như Bá - người truyền bá nghề hát bội và hò Huế nổi danh.
Từ năm 7 tuổi, bà đã được thân phụ dạy đàn hát rồi theo cha vào Huế sinh sống. 15 tuổi, bà bắt đầu theo nghiệp cầm ca, theo chân cha đi diễn cùng gánh hát ông Bội Uyển.
Năm 1947, 21 tuổi, bà theo cha ra Bắc làm việc ở Đài Phát thanh Pháp Á. Năm 1954, nghệ sĩ Châu Loan quyết định cống hiến tiếng hát cho cách mạng, bắt đầu làm việc tại Tổ dân ca miền Trung (Ban Âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam). Cũng từ đây, tiếng thơ Châu Loan đi vào trái tim của hàng triệu khán giả nghe đài. Những bài thơ nổi tiếng như: Bầm ơi, Mẹ Suốt, Mẹ Tơm (Tố Hữu), Quê hương (Giang Nam), Kết nạp Đảng trên quê mẹ (Chế Lan Viên), Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ), Nhớ con sông quê hương (Tế Hanh)… giờ đây vẫn được nhiều người nghe lại trên các trang mạng xã hội.
Nhiều đồng nghiệp khẳng định, nghệ sĩ Châu Loan có chất giọng đẹp hoàn hảo, vừa vang vọng, vừa uyển chuyển, giàu cảm xúc. Năm 1957, bà được cử đi dự Đại hội thanh niên thế giới lần thứ nhất tại Warszawa, Ba Lan. Nữ nghệ sĩ đã giới thiệu ở liên hoan những điệu dân ca miền Trung như điệu Hò mái nhì, hò mái đẩy...
Sinh thời, Bác Hồ cũng rất quý và thích nghe nghệ sĩ Châu Loan hò Huế. Những lần có chương trình văn nghệ để Người tiếp các đoàn khách nước ngoài, không có Châu Loan, Bác cũng nhớ đến và hỏi thăm bà.
Nói về NSND Châu Loan, tác giả Bùi Chung Thủy - một người đồng nghiệp của bà từng viết: "Chị Châu Loan có cách lấy hơi tuyệt vời. Một câu hò dài đến 2 phút, ta không thể biết chị lấy hơi lúc nào mà chỉ thấy hò một mạch đến hết". Trong khi đó, NSND Xuân Đàm nói bà đã mang tiếng ca của mình đi phục vụ kháng chiến, trong những năm chiến tranh ác liệt từ Việt Bắc, Tây Bắc, hải đảo cho đến vĩ tuyến 17, tiếng hát của bà được mọi người ví như "chiếc cầu nối những tâm hồn không thể chia cắt của hai miền Nam - Bắc".
Năm 1984, Châu Loan là một trong số ít nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào đợt 1.
Đáng tiếc, hiện tại, đa số các tư liệu về NSND Châu Loan gần như đã bị thất lạc do sự loạn lạc của những năm tháng chiến tranh, trong đó không ít lần Đài Tiếng nói Việt Nam là trọng điểm bắn phá của Mỹ. Các tác phẩm còn giữ lại được chỉ là phần nhỏ so với cả sự nghiệp đồ sộ mà bà cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà.
Những năm tháng làm việc tại Hà Nội đã giúp nghệ sĩ Châu Loan quen nhà giáo Nguyễn Văn Tư và nên duyên với ông. Ông là vị thầy nổi tiếng tại trường tư thục ở Hà Đông. Sau hòa bình lập lại, ông làm cán bộ quản lý Bệnh viện Vì dân, nay đổi tên là Bệnh viện Bạch Mai. Năm 1970, ông đột ngột qua đời trong một tai nạn hi hữu khi vào Thanh Hóa thăm bà con họ hàng.
NSND Châu Loan ngâm bài thơ "Mẹ Suốt" (tác giả Tố Hữu). (Clip: Chau Loan - Chủ đề)
Người chồng thứ hai sau này của NSND Châu Loan là nghệ sĩ Văn Viễn, một nhạc công cải lương cùng cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó ông được bổ nhiệm làm Phó đoàn ca nhạc của đài.
Năm 1972, biến cố lại tới với NSND Châu Loan khi bà mắc căn bệnh ung thư. Chỉ trong hai tháng, sức khỏe của bà suy kiệt dần rồi qua đời. Lúc này, sự nghiệp của bà vẫn đang nở rộ khi đảm nhận vị trí Trưởng bộ môn ca Huế của Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy viên BCH Trung ương Hội Nghệ sĩ Việt Nam. Đám tang bà vào ngày Noel năm đó diễn ra trong niềm tiếc thương vô hạnh của đồng nghiệp và khán giả, cùng tiếng bom rơi khi máy bay Mỹ không kích Hà Nội.
NSND Châu Loan có 5 người con, trong đó người duy nhất của bà theo sự nghiệp âm nhạc là nhạc sĩ Quốc Trường. Ông sáng tác nhiều ca khúc nhạc nhẹ được biết đến rộng rãi tại thập niên 80 như: Hà Nội – những công trình, Chớ có quên ngày hôm qua, Những phút giây qua, Hát cho mùa xuân tương lai... Năm 2011, ông bị đột quỵ và đột ngột qua đời khi đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, không lâu sau sinh nhật 59 tuổi.