Trước đó, khi đang lưu thông trên đường Kha Vạn Cân thuộc phường Hiệp Bình Chánh, xe của ông Ngô Đức Giang (43 tuổi, ở quận Phú Nhuận) đã xảy ra va quẹt với ô tô biển số tỉnh Đắk Lắk đi chiều ngược lại.
Bực tức, ông Giang đã bước xuống xe rồi đập phá cửa kính ô tô trên và liên tiếp chồm tới tấn công tài xế đang ngồi bên trong. Vụ việc khiến những người ngồi bên trong ô tô trên hoảng loạn, la hét.
Sau khi tiếp nhận thông tin, điều tra, xác minh Cảnh sát điều tra Công an TP.Thủ Đức, TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Ngô Đức Giang để điều tra về hành vi "Gây rối trật tự công cộng".
Bước đầu, nguyên nhân vụ việc được xác định là ô tô do ông Giang điều khiển chạy đúng chiều nhưng xe mang biển số tỉnh Đắk Lắk chạy chiều ngược lại lấn làn, dẫn đến xảy ra va quẹt với xe ông Giang.
Đến chiều 17/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Thủ Đức, TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Ngô Đức Giang (43 tuổi, ở quận Phú Nhuận) để điều tra, làm rõ vụ việc.
Luật sư Ma Văn Giang - Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay, khi tham gia giao thông trên đường, người điều khiển phương tiện cần chú ý quan sát, tuân thủ Luật giao thông đường bộ, đặc biệt, cần kiềm chế khi xảy ra va chạm giao thông trên đường.
Nhiều trường hợp lái xe trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi nên khi chứng kiến tài xế đi ẩu, vượt đèn đỏ, họ đã không đủ bình tĩnh để kiểm soát cảm xúc bản thân và có những lời nói, hành động thiếu văn hóa, gây ra mâu thuẫn gay gắt.
Bởi vậy, trong vụ việc trên, hành vi của người đàn ông có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, hậu quả.
Về xử phạt hành chính, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định cá nhân đập phá kính xe ô tô của người khác thì được xem là hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Đồng thời, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đó là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm thì sẽ bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó còn phải thực hiện niện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu tài sản bị đập phá.
Về chế tài hình sự, Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017) quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Cụ thể, hành vi đập phá xe ô tô của người khác có giá trị dưới 30 triệu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Tài sản bị huỷ hoại có trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trường hợp, tài sản bị huỷ hoại có trị giá dưới 2.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm, nếu thuộc một trong các trường hợp:
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự 2015 mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
Theo luật sư Giang, tài xế đánh người nơi công cộng và ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố tài xế ô tô về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật hình sự 2015, với hình phạt tù thấp nhất là 3 tháng, cao nhất là 7 năm.
Trường hợp lái xe ô tô bị đánh, dù thương tích dưới 11% nhưng dùng hung khí nguy hiểm thì cơ quan điều tra cũng có thể sẽ khởi tố về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự. Hình phạt cho tội danh này có thể là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.