Dân Việt

Giáo dục và đào tạo người dân tộc thiểu số ở Trà Vinh: Luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ

Huỳnh Xây 23/09/2024 08:47 GMT+7
Thời gian qua, việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Trà Vinh luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều đơn vị, sở, ngành. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai thêm nhiều giải pháp, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người DTTS, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Dồn lực cho dạy và học tiếng Khmer

Theo báo cáo mới nhất của Sở GDĐT tỉnh Trà Vinh, hiện nay, số trường tổ chức triển khai dạy học tiếng Khmer là 127 trường (trong đó cấp tiểu học có 82 trường, cấp trung học cơ sở có 41 trường và cấp trung học phổ thông có 4 trường). Trong năm 2023-2024, có 1.315 lớp được mở và 35.789 học sinh theo học.

Giáo dục và đào tạo người dân tộc thiểu số ở Trà Vinh: Luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ- Ảnh 1.

Việc đầu tư cho dạy và học tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Trà Vinh ngày càng được quan tâm. Ảnh: H.X

Để có nguồn giáo viên, từ năm 1996, tỉnh Trà Vinh đã mở lớp đào tạo giáo viên dạy tiếng DTTS (tiếng Khmer), tập trung ở các điểm như Trường Cao đẳng Sư phạm (đào tạo giáo viên trình độ trung học cơ sở song ngữ Việt-Khmer), Trường trung học sư phạm tỉnh Trà Vinh tiểu học sư phạm song ngữ Việt-Khmer, Trường Đại học Trà Vinh đào tạo trình độ Đại học Sư phạm Ngữ văn Khmer.

Sau khi tốt nghiệp, các giáo sinh được tuyển dụng, phân công giảng dạy ở các cơ sở giáo dục (trường tiểu học, trường THCS và THPT) theo nhu cầu và đáp ứng yêu cầu học tập tiếng Khmer của con em đồng bào dân tộc trên toàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2013-2023, Sở GDĐT tỉnh phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh mở nhiều lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên dạy tiếng Khmer. Sau khi học, các giáo viên được cấp chứng chỉ.

Về cơ sở vật chất và trang bị sách giáo khoa phục vụ cho việc dạy học tiếng DTTS đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho người dạy và người học. Các cơ sở giáo dục phổ thông đã chuẩn bị cơ sở vật chất như phòng học, bàn, ghế, bảng lớp đầy đủ để phục vụ cho việc tổ chức dạy học.

Riêng các cơ sở tôn giáo (143 điểm) có tổ chức mở lớp bổ túc văn hóa tiếng Khmer chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để phục vụ lớp học như sửa chữa bàn ghế cũ, bảng đen. Đồng thời, mua sắm bổ sung thêm bàn ghế đảm bảo đáp ứng theo nhu cầu học tập của các em học sinh. Đối với các điểm này, người dạy (các vị sư và các vị achar) đều nhận được chính sách hỗ trợ.

Có thể nói, việc đầu tư cho dạy và học tiếng dân tộc cho đồng bào DTTS rất được quan tâm, ủng hộ của nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Bởi nó phù hợp và đáp ứng nguyện vọng của người dân cũng như yêu cầu cấp thiết trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thêm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo người dân tộc thiểu số

Dân số tỉnh Trà Vinh có trên 1,1 triệu người. Trong đó, người dân tộc Khmer chiếm 31,53%, dân tộc Hoa chiếm 0,66%, dân tộc khác chiếm 0,05%. Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS như hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,... Đặc biệt là việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719).

Giáo dục và đào tạo người dân tộc thiểu số ở Trà Vinh: Luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ- Ảnh 2.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Huỳnh Xây

Nhờ chất lượng giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư, nên nguồn nhân lực người DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh Trà Vinh có 5.220 cán bộ, công chức, viên chức, chiếm khoảng 18,53% so với tổng biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao. Trong khi đó, năm 2020, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chỉ có 481 người.

Nhiều cán bộ, công chức, viên chức dân tộc Khmer có sự cầu tiến, khắc phục khó khăn trong công tác và học tập. Nguồn cán bộ người dân tộc Khmer có nhiều ưu thế hơn trong tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm của đồng bào DTTS để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người DTTS trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, địa phương sẽ xây dựng, ban hành Đề án đào tạo sau đại học giai đoạn 2024 - 2030. Trong đó, tập trung vào nhóm ngành y dược, công nghệ thông tin,... và có cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được đào tạo.

Ngoài ra, tỉnh sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển giáo dục vùng có đông đồng bào DTTS cũng như đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giáo dục, có như vậy mới đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Liên quan đến giáo dục, đào tạo người DTTS trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Quỳnh Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh vừa có báo cáo gửi cơ quan phụ trách thuộc Bộ GDDT, đề nghị xem xét việc đưa các "Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên" trên địa bàn cấp huyện có xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi vào đối tượng thuộc diện đầu tư của Chương trình MTQG 1719 của Thủ tướng Chính phủ.