Dân Việt

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Quyền lợi hơn 35.000 nhà đầu tư ra sao khi xét xử vắng mặt?

Xuân Huy - Chinh Hoàng 18/09/2024 19:00 GMT+7
Tại phiên tòa xét xử giai đoạn 1, HĐXX xác định các tài sản và khoản tiền thu hồi sẽ dùng để khắc phục, đảm bảo nghĩa vụ của bà Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án (bao gồm giai đoạn một và hai); đồng thời sẽ ưu tiên thi hành án cho các bị hại mua trái phiếu.

Ngày mai (19/9), TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 đồng phạm về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Tòa án đã đề nghị 35.824 người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan theo dõi thông tin về ngày, giờ xét xử vụ án và cập nhật diễn biến vụ án trên trang thông tin điện tử của TAND TP.HCM.

Tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt bị hại, đương sự theo quy định tại Điều 62, Điều 65 và Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự, đảm bảo quyền, lợi ích của các bị hại, đương sự theo đúng quy định của pháp luật.

Việc xét xử vắng mặt các bị hại, đương sự không gây ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bị hại, đương sự.

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Quyền lợi hơn 35.000 nhà đầu tư sẽ ra sao khi xét xử vắng mặt?- Ảnh 1.

Ngày mai 19/9, bà Trương Mỹ Lan sẽ hầu tòa tại phiên xét xử giai đoạn 2. Ảnh: Lê Giang.

Ở giai đoạn 2 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu, rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới 4,5 tỷ USD. 

Bà Trương Mỹ Lan là người đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và chỉ đạo cấp dưới phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại các công ty nêu trên không đúng quy định của pháp luật để chiếm đoạt số tiền hơn 30.000 tỷ đồng của 35.824 người bị hại.

Bị cáo Lan xin chịu trách nhiệm về sai phạm của mình và chịu trách nhiệm trả nợ trái phiếu cho các trái chủ bằng hình thức: Sử dụng toàn bộ tiền, tài sản mà bà Lan đã bị kê biên, phong tỏa, ngăn chặn, thu giữ và toàn bộ các khoản tiền, tài sản mà TAND TP.HCM đã tuyên các cá nhân/tổ chức phải trả lại hoặc bồi thường cho bà Lan để ưu tiên thanh toán nợ và lãi trái phiếu cho các trái chủ.

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Quyền lợi hơn 35.000 nhà đầu tư sẽ ra sao khi xét xử vắng mặt?- Ảnh 2.

Phiên toàn xét xử bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo tại giai đoạn 1. Ảnh: Lê Giang.

Bên cạnh đó, bà Lan cũng mong muốn các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc sử dụng tiền huy động trái phiếu phải cùng có trách nhiệm với bị cáo để đảm bảo việc trả hết tiền cho người dân.

Tính đến ngày 8/7, gia đình bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nộp hơn 386 tỷ đồng; bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM đã buộc các tổ chức, cá nhân nộp lại hoặc hoàn trả cho bà Lan các tài sản, tiền mặt giá trị khoảng 21.000 tỷ đồng. Cùng với đó là tài sản của bà Lan hoặc có liên quan đến bà Lan bị kê biên, phong tỏa với giá trị quy đổi là hơn 12.300 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Lan khai, khoảng hơn 17.300 tỷ đồng có nguồn gốc từ việc phát hành trái phiếu đã được bà này dùng để trả nợ cho 9 tổ chức tín dụng. Cơ quan điều tra đã làm rõ những đơn vị, tổ chức sử dụng số tiền này. Do vậy, bà Lan đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng thu hồi số tiền vật chứng trên để trả lại cho các nhà đầu tư.

Theo bản án sơ thẩm hồi xét xử giai đoạn 1, các tài sản, khoản tiền mà HĐXX xác định để khắc phục, đảm bảo nghĩa vụ cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án là bao gồm vụ án ở giai đoạn 1 và các vụ án của các giai đoạn tiếp theo; ưu tiên thi hành án cho các bị hại liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành trái phiếu. Do đó, tòa án sẽ ưu tiên thi hành án cho các bị hại mua trái phiếu và đảm bảo quyền, lợi ích của các bị hại, đương sự theo đúng quy định của pháp luật.