Trận lũ lịch sử
Sáng 18/9, đoàn công tác của Bộ NNPTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đã tới thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà người dân bị thiệt hại do bão lũ trên địa bàn xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Báo cáo với đoàn công tác, ông Hoàng Văn Đoan - Chủ tịch UBND xã Tri Phú cho biết, là địa phương bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây ngập lụ và lũ quét khiến nhiều hộ dân tại các thôn, xóm tại Tri Phú bị thiệt hại nặng nề.
"Tính đến nay, chúng tôi ước tính có 8/14 thôn bị thiệt hại sau bão lũ. Trong đó, có 26 hộ dân bị ngập lụt nhà cửa, hoa màu, 6 hộ bị sạt lở mất nhà cửa, chuồng trại...; 36ha lúa, khoảng 40ha rau màu bị nước lũ cuốn trôi gây hư hỏng nặng.
Bên cạnh đó, nhiều chuồng trại chăn nuôi của bà con tại các thôn bị lũ gây hư hỏng, hơn 10.000 con gia cầm, 200 con lợn... bị nước lũ cuốn trôi", ông Đoan cho hay.
Xã Tri Phú nằm trong số xã đặc biệt khó khăn của huyện, hiện xã vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo cao khoảng trên 50%. "Sau khi bị thiên tai, địa phương đã dốc toàn lực lượng phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ bị thiệt hại. Đồng thời di dời khẩn cấp các hộ dân mất nhà cửa sau lũ đến nơi ở tạm an toàn và tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng các khu vực nước lũ vừa đi qua để tránh phát sinh dịch bệnh cho người và gia súc, cây trồng...", ông Đoan chia sẻ.
Ông Đoan cho biết thêm, sau khi bão lũ qua đi, người dân tại các thôn của Tri Phú đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. "Hiện, 25 hộ dân tại bản Cham đang nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cần di dời khẩn cấp nhưng đến nay, chúng tôi vẫn gặp khó trong việc chọn địa điểm định cư cho bà con. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân có chuồng trại, hoa màu, lúa... bị thiệt hại sau lũ đang có nguy cơ bị thiếu đói rất cần được hỗ trợ cây, con giống và kỹ thuật để tái sản xuất, ổn định cuộc sống", ông Đoan bộc bạch.
Nói với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Ma Văn Luận, Trưởng thôn Nà Lại, xã Tri Phú chưa hết bàng hoàng khi kể về trận mưa lũ chưa từng có vừa xảy ra trên địa bàn. "Trước khi mưa lũ về, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động bà con gia cố nhà cửa, chuồng trại, cây cối nhưng khi lũ về quá lớn, bà con trở tay không kịp. Nhiều hộ chỉ kịp chạy người, còn toàn bộ nhà cửa, tài sản, hoa mùa đều bị nước lũ cuốn trôi hết, thê thảm lắm", ông Luận buồn rầu nói.
Ông Luận cho biết, dù không bị thiệt hại về người nhưng thôn Nà Lại có 87 hộ dân thì có đến 72 hộ bị ảnh hưởng thiệt hại hoa màu, chuồng trại, vật nuôi sau lũ.
"Sau lũ, bà con nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và cộng đồng. Tuy nhiên, về lâu về dài, chúng tôi vẫn lo thiếu đói nên rất cần cấp trên hỗ trợ giống cây, con và kinh phí để dựng lại nhà, trang trại", ông Luận kiến nghị.
Vừa cứu đói, vừa phải di dời các hộ đến nơi an toàn càng sớm càng tốt
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho hay: Tính đến nay, toàn huyện có 300 hộ dân bị ảnh hưởng nặng sau mưa lũ, trong đó có 53 hộ dân bị mất nhà cửa; trên 974ha lúa, gần 500ha ngô cùng 1.500 con lợn, 9.000 con gia cầm bị nước lũ cuốn trôi... Huyện ước tính sơ bộ bị thiệt hại lên đến khoảng gần 100 tỷ đồng.
Ông Dũng cho biết thêm, trước, trong và sau mưa lũ, các cấp chính quyền địa phương đã và đang vào cuộc quyết liệt để hỗ trợ, di dời người dân vừa phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Đến nay, hệ thống điện, thông tin liên lạc đã thông suốt, tuy nhiên, toàn xã còn 140 hộ dân nằm trong diện có nguy cơ sạt lở cần di dời khẩn cấp, nhiều hộ dân có nguy cơ thiếu ăn sau bão lũ...
"Chúng tôi rất mong Chính phủ và Bộ NNPTNT cùng các bộ ngành liên quan sớm hỗ trợ phương án quy hoạch để di dời các hộ dân khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, địa phương rất mong được hỗ trợ lương thực thực phẩm để cứu đói cho bà con trên địa bàn ít nhất khoảng 4 tháng và hỗ trợ cây, con giống để bà con làm vụ đông sớm để có sản phẩm tại chỗ nuôi sống gia đình, ổn định lại cuộc sống, sinh hoạt sau thiên tai", ông Dũng đề nghị.
Chia sẻ khó khăn với cán bộ, lãnh đạo và người dân xã Tri Phú, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết, Trung tâm đã xây dựng 9 bộ tài liệu và đã chuyển về cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang hướng dẫn người dân, các địa phương khắc phục hậu quả và khôi phục lại sản xuất, chăn nuôi hiệu quả sau bão lũ.
Tại buổi làm việc, ông Thanh đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang sớm tổ chức triển khai lớp tập huấn để hướng dẫn bà con tại xã Tri Phú và các xã trên địa bàn tỉnh sớm khôi phục lại sản xuất và chọn các cây, con phù hợp để sản xuất đạt hiệu quả ngay trong vụ đông sắp tới.
"Dù nhiều diện tích lúa, rau màu của chúng ta vừa bị thiệt hại, lũ cuốn trôi nhiều nhưng đây cũng là cơ hội để bà con làm vụ đông sớm. Cùng với sự hỗ trợ tích cực từ hệ thống khuyến nông, mong rằng, người dân tại các vùng vừa bị thiệt hại sớm xuống giống vụ đông để sản xuất ngay. Tại xã Tri Phú, nếu bà con làm sớm theo khuyến cáo và hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn thì từ nay đến Tết sẽ có đỗ tương, ngô... thu hoạch ngay, mọi người sẽ không phải lo về việc thiếu hụt lương thực nhiều", Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) khẳng định.
Phản hồi về thông tin của lãnh đạo huyện Chiêm Hóa: 25 năm nay, địa phương chưa từng xuất hiện mưa lũ lớn nên huyện chưa thực hiện được quy hoạch dân cư khiến việc di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao rất khó khăn, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho rằng: "Vấn đề quy hoạch ổn định dân cư cần phải làm sớm, từ xa để tránh bị động".
Theo ông Thịnh, Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh vùng núi phía Bắc nói chung cần phải lồng ghép quy hoạch ổn định dân cư vào các chương trình lớn như Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới... mới đảm bảo đồng bộ và đạt hiệu quả cao trong việc bố trí, sắp xếp ổn định dân cư.
Trao đổi với cán bộ, lãnh đạo các xã, huyện và tỉnh Tuyên Quang, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, trải qua thiên tai, bão lũ chúng ta mới thấy công tác quy hoạch, ổn định dân cư và công tác quan trắc dự báo thiên tai quan trọng tới mức nào.
Để sớm khắc phục hậu quả của bão lũ và khôi phục lại sản xuất hiệu quả, Thứ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị địa phương cần thực hiện 2 phương án trong quy hoạch dân cư. Thứ nhất là rà soát lại các khu vực an toàn để di dời các hộ dân đã mất nhà, dân trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến ở xen ghép với các khu dân cư có sẵn ở địa phương. "Việc này cần làm ngay để người dân có chỗ ở an toàn", Thứ trưởng Nam khẳng định.
Thứ 2 là địa phương cần sớm xây dựng quy hoạch khu dân cư tập trung tại vùng an toàn. "Để thực hiện phương án này, chúng ta cần linh hoạt, chọn quy hoạch quy mô tại các thôn, bản. Trong khu dân cư cần xây dựng đê bao và lắp hệ thống quan trắc dự báo để tránh sạt lở, lũ quét giúp người dân yên tâm sinh sống và sản xuất lâu dài", Thứ trưởng Nam gợi ý.
Đối với phương án khôi phục sản xuất, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho hay: Về phương án hỗ trợ lương thực thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết hỗ trợ bà con đang được các cơ quan liên quan và cộng đồng hỗ trợ kịp thời. Bộ NNPTNT sẽ hỗ trợ một phần giống và hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn bà con khôi phục lại sản xuất nhanh nhất có thể.
"Cùng với Bộ, các xã, huyện, tỉnh phải vào cuộc quyết liệt hơn, nhất là cấp tỉnh cần nhanh chóng đưa ra các chính sách, hỗ trợ thiết thực, cụ thể để bà con sớm có nhà, sinh kế sau bão lũ", Thứ trưởng Nam nói thêm.
Trong dịp này, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã thay mặt Bộ NNPTNT trao tặng xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) 200 triệu đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ sau cơn bão số 3.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) trao hơn 2,5 tấn hóa chất khử trùng cùng bộ tài liệu hướng dẫn địa phương khắc phục hậu quả và khôi phục lại sản xuất, chăn nuôi sau thiên tai.