Thực tế, vào các năm 2019, 2020, 2021 khi cả thế giới đối diện với đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng vậy. Lúc này nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, hoạt động sản xuất - kinh doanh bị đình trệ nhưng Luật Công đoàn năm 2012 vẫn không có quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn. Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ra Công văn 2059/TLĐ về việc lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Từ thực tiễn nêu trên, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này đã bổ sung quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm tính linh hoạt; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục được sản xuất - kinh doanh, duy trì được việc làm cho người lao động trong những giai đoạn, những tình huống đặc biệt khó khăn.
Bổ sung quy định miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sau khó khăn, duy trì việc làm cho người lao động.
Cụ thể tại Điều 30 của dự thảo luật này quy định các trường hợp được miễn, giảm, tạm dừng đóng như sau:
Các doanh nghiệp , hợp tác xã thực hiện giải thể, phá sản theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Hợp tác xã có tài sản sau khi phân chia mà không đủ số tiền chưa đóng kinh phí Công đoàn theo quy định thì được miễn số tiền đó. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền phát hiện vẫn còn khả năng đóng thì thực hiện việc truy thu, truy đóng và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng thì được giảm mức đóng kinh phí Công đoàn.
Căn cứ Điều 23, Luật Công đoàn quy định về quản lý tài chỉnh, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn Ban hành kèm theo Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 quy định đối tượng, mức đóng, tiền lương làm căn cứ đóng.
Mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh (tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên), nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.
Trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí Công đoàn thì được tạm dừng đóng trong thời gian không quá 12 tháng. Hết thời hạn tạm dừng đóng, người sử dụng lao động tiếp tục đóng kinh phí và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng. Thời hạn đóng bù chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng kết thúc việc tạm dừng đóng. Số tiền đóng bù bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng.
Với việc bổ sung quy định này, đa số các đại biểu đều đồng tình vì sẽ chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp song một số ý kiến cho rằng cần quy định rõ mức độ khó khăn hoặc thiệt hại của doanh nghiệp khi gặp phải trường hợp bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh) để được giảm kinh phí Công đoàn, tỉ lệ giảm trong các trường hợp này ra sao?
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần làm rõ thêm trong thời gian được giảm, tạm dừng đóng thì người lao động tại các đơn vị này có được Công đoàn cấp trên chăm lo hoặc hưởng thụ từ các gói hỗ trợ, chính sách của Tổng LĐLĐ Việt Nam (nếu có)
Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Dự kiến luật sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 8.