Dân Việt

Quản lý chất lượng toàn diện trong năng suất

Phương Nam 19/09/2024 14:43 GMT+7
Triết lý về chất lượng toàn diện và quản lý toàn diện chất lượng được bắt đầu tại Mỹ vào những năm 50 của thế kỷ trước. Hơn chục năm sau, phương thức quản lý này được triển khai ở Nhật Bản, được hoàn thiện, phát triển sáng tạo và áp dụng hiệu quả, thành công ở nhiều tổ chức/doanh nghiệp của đất nước này.

Các nước phương Tây coi đây là phương pháp quản lý chất lượng toàn diện theo cách Nhật Bản (Total Quality Management by Japanese Style).

Quản lý chất lượng toàn diện (Total Quality Management - TQM) được xem như chiếc gậy "thần" trong quản lý, đã góp phần đưa nước Nhật trở thành cường quốc về chất lượng và kinh tế. Học theo cách Nhật Bản, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai TQM vào các tổ chức/doanh nghiệp. Quản lý chất lượng toàn diện TQM là một phương pháp quản lý tổng hợp/đồng bộ vì sự cải tiến không ngừng đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, với sự tham gia của mọi cấp, mọi khâu, mọi người trong doanh nghiệp nhằm đáp ứng tốt nhất các nhu cầu và mong đợi của khách hàng.

Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều doanh nghiệp triển khai áp dụng TQM, và đã có hàng nghìn doanh nghiệp thực hiện thành công TQM. ASEAN đã khuyến cáo mọi thành viên của tổ chức nên áp dụng TQM để đẩy mạnh tiến trình tự do hóa, bởi TQM là một giải pháp quản lý nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và làm cho việc quản lý doanh nghiệp có hiệu quả hơn. Ở Việt Nam, cách đây khoảng hơn hai mươi năm, đã có một vài doanh nghiệp đầu tiên triển khai áp dụng TQM với sự hỗ trợ của chuyên gia TQM Nhật Bản.

img

Chất lượng sản phẩm được phản ánh bởi các thuộc tính đặc trưng của sản phẩm.

Khái niệm về chất lượng là một khái niệm quen thuộc và được sử dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Tuy nhiên, chất lượng cũng là phạm trù phức tạp, một vấn đề gây nhiều tranh cãi và nhìn nhận không thống nhất. Có nhiều khái niệm, định nghĩa khác nhau, tùy theo đối tượng sử dụng, tùy theo thời gian và cách tiếp cận đối với chất lượng.

Chẳng hạn, theo quan điểm của nhà sản xuất: Chất lượng là sự đáp ứng và phù hợp của sản phẩm/dịch vụ với một tập hợp các yêu cầu của tiêu chuẩn, chỉ tiêu thiết kế, quy cách được xác định trước.

Chất lượng xuất phát từ sản phẩm, chất lượng sản phẩm được phản ánh bởi các thuộc tính đặc trưng của sản phẩm, để đáp ứng những nhu cầu phù hợp với công dụng của sản phẩm.

Chất lượng được đo bằng sự thỏa mãn nhu cầu, do vậy một sản phẩm, vì một lý do nào đó mà không đạt được yêu cầu, bởi vậy không được thị trường chấp nhận, cho dù trình độ công nghệ để chế tạo ra sản phẩm đó có thể rất hiện đại hay giá trị của chỉ tiêu chất lượng có thể rất cao.

Quản lý chất lượng là một hoạt động có chức năng quản lý chung nhằm mục đích đề ra chính sách, mục tiêu, trách nhiệm và thực hiện chúng bằng các biện pháp như hoạch định chất lượng, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng trong khuôn khổ một hệ thống chất lượng.

Chính sách chất lượng là toàn bộ ý đồ và định hướng về chất lượng do lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp chính thức công bố.

Hoạch định chất lượng, các hoạt động nhằm thiết lập các mục tiêu và yêu cầu đối với chất lượng và để thực hiện các yếu tố của hệ thống chất lượng.

Kiểm soát chất lượng, các kỹ thuật và các hoạt động tác nghiệp được sử dụng để thực hiện các yêu cầu chất lượng.

Đảm bảo chất lượng, mọi hoạt động có kế hoạch và có hệ thống chất lượng được khẳng định để đem lại lòng tin thỏa mãn các yêu cầu đối với chất lượng.

Hệ thống chất lượng: Bao gồm cơ cấu tổ chức, thủ tục, quá trình và nguồn lực cần thiết để thực hiện công tác quản lý chất lượng.

Tuy có cách tư duy khác nhau về quản lý chất lượng, song nhìn chung có những điểm tương đồng như sau: Mục tiêu trực tiếp của quản lý chất lượng là đảm bảo chất lượng và cải tiến phù hợp với nhu cầu thị trường, với chi phí tối ưu. Thực chất của quản lý chất lượng là tổng hợp các hoạt động của chức năng quản lý như: Hoạch định, tổ chức, kiểm soát và điều chỉnh. Nói cách khác, quản lý chất lượng chính là chất lượng của quản lý.

Quản lý chất lượng là hệ thống các hoạt động, các biện pháp (hành chính, tổ chức, kinh tế, kỹ thuật, xã hội và tâm lý). Quản lý chất lượng là nhiệm vụ của tất cả mọi người, mọi thành viên trong xã hội, là trách nhiệm của tất cả các cấp, nhưng phải được lãnh đạo cao nhất chỉ đạo. Quản lý chất lượng được thực hiện trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm: từ thiết kế, chế tạo đến sử dụng sản phẩm.