Trong lịch sử Trung Hoa, nhà Tống được coi là triều đại phồn vinh nhất về kinh tế, văn hóa, giáo dục và sáng tạo khoa học.
Thậm chí nhiều nhà sử học phương Tây và Nhật Bản đều cho rằng, giai đoạn cai trị của nhà Tống là thời kỳ vàng son hiếm có trong lịch sử Trung Quốc.
Dù có nhiều thành tựu trên các phương diện, nhưng không thể phủ nhận được một sự thật rằng, nhà Tống cũng là triều đại có số lượng gian thần đông đảo nhất.
Ngoài kẻ được coi là "đệ nhất gian thần trong lịch sử" Tần Cối, Tống triều còn xuất hiện hàng loạt quan lại có thanh danh chẳng mấy tốt đẹp như Thái Kinh, Đồng Quán, Cổ Tự Đạo…
Cũng sở hữu bởi số lượng gian thần, nịnh thần đặc biệt nhiều, mức độ hại nước hại dân vô cùng nghiêm trọng, nhà Tống còn được hậu thế ví như "lò đào tạo gian thần" trong lịch sử.
Liệu rằng là lý do khiến triều đại thịnh trị bậc nhất này lại sản sinh ra nhiều viên quan yếu kém về đạo đức tới vậy?
Dù cường thịnh về kinh tế, văn hóa, nhưng xét trên phương diện chính trị, nhà Tống lại là triều đại sản sinh nhiều gian thần. (Tranh minh họa).
"Bắc Tống lục gian" là cách gọi dân gian dùng để chỉ 6 đại gian thần trong thời kỳ Bắc Tống, theo thứ tự bao gồm: Thái Kinh, Vương Phủ, Đồng Quán, Lương Sư Thành, Chu Miễn, Lý Ngạn.
Những viên quan này đều là đại thần nắm giữ vai trò cốt cán trong triều đình dưới thời Tống Huy Tông.
Thế nhưng bè lũ của những kẻ này đã phạm phải nhiều tội danh nghiêm trọng, trong đó có tham ô, làm trái pháp luật, hại nước hại dân…
Thậm chí, 6 đại gian thần trên còn trở thành đầu sỏ đưa tới cuộc khởi nghĩa Phương Lạp ở Giang Nam và là một trong những nguyên nhân khiến nước Kim có cơ hội xâm phạm Trung Nguyên.
Trong lịch sử Trung Hoa, triều đại nào cũng ghi nhận sự xuất hiện của không ít gian thần. Nhưng vẫn không có vương triều nào "vượt mặt" được nhà Tống về số lượng gian thần đông đảo.
Gian thần Tần Cối, kẻ từng hãm hại Nhạc Phi, cũng là một "sản phẩm" của nhà Tống. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).
Nhìn lại những trang sử của nhà Tống, không khó để nhận thấy bên cạnh mỗi vị quân vương thuộc thời đại này đều có ít nhất một, hai kẻ gian thần, nịnh thần làm "phụ tá".
Suốt quãng thời gian hơn một thế kỷ kể từ khi Tống Huy Tông lên ngôi cho đến lúc Nam Tống diệt vong, triều đại này đã có tới mười mấy tên gian thần khét tiếng như Thái Kinh, Lý Bang Ngạn, Bạch Thời Trung, Tần Cối, Mặc Sĩ Tiết, Sử Di Viễn, Đinh Đại Toàn, Trần Nghị Trung, Lưu Mộng Viêm…
Điều đáng nói nằm ở chỗ, trong số các gian thần họa quốc ương dân này, có không ít kẻ thậm chí còn giữ chức Tể Tướng, địa vị dưới một người trên vạn người.
Ngay tới những Tể tướng Hà Chấp Trung, Hàn Thác Trụ, mặc dù từng lập được chút công lao, nhưng sau cùng vẫn sa ngã vào con đường làm gian thần.
Đất nước lâm vào tình cảnh thù trong giặc ngoài, quốc sách mắc nhiều sai lầm ngay từ khi mới thành lập, lại thêm gian thần lũng đoạn triều chính, Hoàng đế vô năng… Tất cả những nguyên nhân này đã khiến Tống triều từ đỉnh cao phồn thịnh từng bước trượt dài trên đà suy vong.
Lý do khiến nhà Tống trở thành lò đào tạo gian thần, thậm chí còn "sản xuất" ra những gian thần khét tiếng bắt nguồn từ các yếu tố dưới đây:
Nguyên nhân thứ nhất: Quốc sách sai lầm ngay từ khi thành lập
Ngay từ khi Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn thành lập nhà Tống, tư tưởng "trọng văn khinh võ" đã bắt đầu hình thành và lưu truyền. (Tranh minh họa).
Năm xưa, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận từng vận dụng tuyệt chiêu dùng rượu tước binh quyền. Cũng bắt đầu từ vị Hoàng đế khai quốc này, nhà Tống đã hình thành quan niệm "trọng văn khinh võ" ngay từ những ngày đầu thành lập.
Điều này nhằm hướng tới mục đích củng cố hoàng quyền, tập trung quyền lực vào tay nhà vua để tránh võ tướng cướp đoạt quyền lợi.
Thế nhưng việc coi trọng quan văn, coi nhẹ quan võ đã vô tình trở thành bàn đạp khiến không ít văn thần trong triều cậy thế, thậm chí áp chế võ tướng.
Việc mất cân bằng trong nội bộ triều đình sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề khác như nhũng quan, nhũng binh, nhũng phí…
Tình trạng này sẽ gây ra không ít lỗ hổng trong thể chế chính trị, tạo điều kiện cho gian thần che mắt Thiên tử để lộng hành.
Nguyên nhân thứ hai: Hoàng đế thiếu tư duy về chính trị, đánh mất quyền hành
Vào thời kỳ Hán – Đường thịnh thế, những bậc quân chủ như Hán Cao Tổ, Hán Văn Đế, Hán Cảnh Đế, Hán Vũ Đế, Đường Thái Tông, Võ Tắc Thiên… đều được coi là hùng tài đại lược. Dưới sự cai trị của những nhân vật này, gian thần gần như không có cửa sống.
Nhưng từ thời Tống Huy Tông trở đi, số minh quân đếm được của triều đại này thậm chí vô cùng hiếm hoi. Ngay tới bản thân Tống Huy Tông dù là một người giỏi văn thơ, hào hoa phong nhã, nhưng trên phương diện trị quốc lại không mấy tài cán.
Quân chủ không sáng suất, quần thần ắt có kẻ gian, đây chính là đạo lý thiên cổ. Dưới sự cai trị của những Hoàng đế thiếu năng lực chính trị, gian thần nổi lên như "nấm mọc sau mưa" cũng là điều không khó hiểu.
Nguyên nhân thứ ba: Chỉ đầu tư vào kinh tế, coi nhẹ cải cách chính trị
"Giàu mà không mạnh" là hình dung của hậu thế về vương triều Đại Tống. (Tranh minh họa).
Vào thời nhà Tống, kinh tế phát triển với tốc độ chóng mặt. Nhưng trên thực tế, sự phát triển về mặt kinh tế lại không mang tới lợi ích thiết thực cho bách tính, thậm chí dân chúng còn chẳng được chia sẻ một chút thành quả nào.
Tầng lớp được hưởng thụ thành quả nhiều nhất chính là cường hào, thổ địa. Mà đại diện của bè lũ áp bức bóc lột này là gian thần trong triều, quan lại cũng nhờ vậy mà trở thành giai cấp giàu có nhất trong xã hội.
Nhà Tống chỉ chăm chăm vào đầu tư kinh tế mà thiếu đi cải cách chính trị. Hết thảy các chế độ chính trị của triều đại này chỉ bảo vệ lợi ích cho một nhóm nhỏ trong xã hội. Điều này đã dẫn đến tình trạng ác bá hoành hành, nông dân phá sản.
Mất đi ruộng đất, giai cấp này chỉ còn con đường trở thành người làm công, chênh lệch giàu nghèo giữa các giai tầng cũng càng lúc càng lớn, từ đó dẫn tới nhiều mâu thuẫn trong xã hội lúc bấy giờ.
Nguyên nhân thứ tư: Trao cho quan văn quá nhiều quyền lực
Dưới thời kỳ nhà Tống, võ tướng có rất ít quyền lực và thường xuyên chịu sự áp chế của Hoàng đế và các văn thần. (Tranh minh họa).
Khi mâu thuẫn giai cấp đã căng thẳng đến mức không thể điều hòa, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra.
Vấn đề giải quyết nội loạn lẽ ra phải được giao vào tay võ tướng, nhưng nhà Tống trọng văn khinh võ, nên quyền hành tất thảy đều nằm trong tay quan văn.
Trong lịch sử của triều đại này, có không ít vị Tể tướng từng được bổ nhiệm chức vụ cai quản Xu mật xứ (tương đương với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngày nay).
Việc tập trung quyền lực vào tay một người hoặc một nhóm người sẽ chính là yếu tố hình thành nên các gian thần.
Bởi khi đã nắm trong tay quyền hành, muốn vừa giữ được lợi ích của bản thân, lại vừa một tay che trời, những viên quan này ắt sẽ phải vận dụng hết tâm cơ, gian thần cũng từ đó mà hình thành.
Nguyên nhân thứ năm: Những thiếu sót chí mạng trên phương diện ngoại giao
Về chính sách đối ngoại, cả hai triều Bắc Tống – Nam Tống đều chọn các "giấu mình" làm quốc sách cơ bản.
Trước hoàn cảnh các thế lực bên ngoài lăm le xâm chiếm, triều đình nhà Tống thường chọn giải pháp "nghị hòa", tức là thông qua phương thức hòa giải để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Tuy nhiên, phương án nghị hòa của vương triều này lại được tiến hành bằng cách đánh đổi quyền lợi của quốc gia, liên tục dâng cho kẻ địch tiền tài để đổi lấy một giai đoạn hòa bình.
Vương triều cường đại về kinh tế ấy từng vì sợ hãi sự uy hiếp của Liêu nên hàng năm đều cống nạp 100 ngàn lạng bạc và 200 ngàn con ngựa.
Sau này, nhà Nam Tống tiếp tục đi vào vết xe đổ, liên tiếp "nghị hòa" cùng quân Kim, thậm chí không chỉ dâng lên tài vật mà còn cắt xén lãnh thổ, cuối cùng lâm vào cảnh mất nước.
Điều đáng nói là nhân vật chủ trì cho phương án ngoại giao của nhà Tống hầu hết đều là các Tể tướng.
Trong số đó, có rất nhiều gian thần đã bán đứng lợi ích của quốc gia, dân tộc để đảm bảo quyền lợi và vị trí của mình.
Minh chứng rõ ràng nhất phải kể đến Tần Cối – Hán gian đã bán đứng Nam Tống cho quân Kim.
Nguyên nhân thứ sáu: Tư tưởng văn hóa làm mai một tinh thần thượng võ
Văn hóa hưởng lạc của nhà Tống đã đánh mất tinh thần thượng võ được lưu truyền từ các triều đại trước đó. (Tranh minh họa).
Nhiều người cho rằng nhà Tống là thời đại đỉnh cao về lịch sử, văn hóa. Thế nhưng những thành tựu trên phương diện văn hóa của triều đại này cần phải được đánh giá từ hai phía.
Xét về văn học, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, vương triều này quả thực đã thu được nhiều thành tựu huy hoàng. Tuy nhiên, văn hóa chủ lưu của nhà Tống thật ra là văn hóa hưởng lạc, văn hóa giết thời gian.
Người thống trị của nhà Tống vì bảo vệ đại cục an toàn cho quyền lực của mình nên đã đề ra quan điểm trọng văn khinh võ.
Điều này cũng tạo nên ảnh hưởng trong văn hóa, xã hội, đánh mất tinh thần thượng võ được đề cao từ thời Hán – Đường.
Chính những nguyên nhân kể trên đã biến nhà Tống trở thành vương triều "đào tạo" ra số lượng gian thần đông đảo nhất trong lịch sử Trung Quốc.