Như Dân Việt đã đưa tin, mới đây B.T.H, 18 tuổi đã có đơn gửi cơ quan Công an xã Tứ Hiệp, đề nghị điều tra làm rõ, xử lý hành vi quấy rối tình dục xảy ra tại chung cư IEC Residences ngày 7/9.
Theo chị H, khoảng 10h ngày 7/9, chị cùng với cháu trai 9 tuổi đứng chờ thang máy tại hầm, khi bước vào thang, một người đàn ông mặc áo phông tối màu, quần đùi màu trắng, chân đi dép lê, đầu cắt cua đã dùng tay vỗ vào mông chị. "Ông ta liên tục nhìn chằm chằm vào tôi rồi cười thách thức, khiến tôi và cháu rất sợ hãi không dám nói gì", chị H kể lại.
Sự việc diễn ra trước mắt nhiều người, trong đó có hai trẻ em, được camera an ninh tại thang máy của toà nhà ghi lại.
Tối 19/9, trả lời PV Báo điện tử Dân Việt, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho hay, vụ việc đã được chuyển hồ sơ lên Công an huyện Thanh Trì. Cơ quan công an đã triệu tập đối tượng để điều tra.
Trung tướng Trung khẳng định, cơ quan công an sẽ "xử lý đúng bản chất sự việc, đúng pháp luật".
Theo luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp Trị, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận rằng: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm…".
Đặc biệt cơ thể, danh dự nhân phẩm của phụ nữ được pháp luật Việt Nam đề cao và quan tâm đặc biệt.
Hành vi "vỗ mông" đụng chạm vào vùng nhạy cảm trên cơ thể phụ nữ là hành vi có tính chất tình dục với người khác mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Đây là hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục với người khác.
"Cơ quan công an khi nhận được tố cáo, tin báo về những hành động như trên cần khẩn trương nhanh chóng vào cuộc xác minh xử lý. Tình trạng chậm trễ, kéo dài trong xử lý sẽ khiến cho đối tượng vi phạm có biểu hiện coi thường, giễu cợt quy định pháp luật, với người bị hại thì tổn thương thêm kéo dài", luật sư Lực nói.
Khi đã trót lỡ thực hiện hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục người khác thì những kẻ như vậy cần phải biết ăn năn hối cải, sửa chữa sai lầm. Tuy vậy, có những kẻ làm sai nhưng không chịu nhận, lại còn có biểu hiện thách thức tấn công, đe dọa ngược lại với người tố cáo, người bị hại thì kẻ này cần phải được pháp luật nghiêm trị.
Theo luật sư Quách Thành Lực, nhu cầu an toàn (safety) - cần có cảm giác yên tâm về an toàn thân thể là một trong năm nhu cầu Hệ thống nhu cầu của Maslow được các nền chính trị trên trên thế giới tôn trọng, ghi nhận, thể chế hóa trong xã hội. Chính việc đảm bảo nhu cầu này giúp cho xã hội loài người trở lên văn minh, tiến bộ khác biệt với xã hội hoang dã. Hành động sàm sỡ, quấy rối tình dục đồng loại khác tùy tiện, bản năng phản ánh một suy nghĩ ngu dốt, mông muội chưa được tiến hóa, giáo dục, thuần dưỡng cho thoát khỏi bản năng "con" để đạt được tính "người" cần thiết.
Chẳng những vậy, người dân muốn xây dựng bảo vệ một môi trường cư trú an toàn, thân thiện thì cũng rất cần có biện pháp tẩy chay trong giao tiếp, ứng xử xã hội để những kẻ như vậy hiểu được rằng hành vi bản năng, thiếu đạo đức, vi phạm pháp luật, gây tổn hại cho uy tín, danh dự nhân phẩm của người khác phải bị loại bỏ khỏi xã hội văn minh.
Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 đã xác định: Người có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi công khai theo quy định tại điểm đ khoản 5, điểm c khoản 14 Điều 7.