Sàm sỡ trong thang máy và chế định xử kẻ dâm ô

Luật sư Trần Tuấn Anh Thứ tư, ngày 03/04/2019 16:20 PM (GMT+7)
Thời gian gần đây, các hành vi có dấu hiệu tấn công tình dục có xu hướng diễn ra nhiều hơn, tính chất ngày càng nghiêm trọng và đặc biệt, đối tượng bị xâm hại lại là những đứa trẻ mới trên dưới 10 tuổi, không có khả năng tự bảo vệ mình, gây ra sự phẫn nộ rất lớn trong xã hội.
Bình luận 0

Có thể kể đến hàng loạt vụ việc gây chấn động dư luận như vụ hàng chục cháu bé bị “vỗ mông, sờ đùi, xoa lưng” ngay trong môi trường học đường, người thực hiện hành vi lại chính thầy giáo của các cháu. Rồi vụ cưỡng hôn thiếu nữ trong thang máy ngay giữa trung tâm thủ đô và gần đây nhất là vụ một cháu bé bị một người đàn ông đáng tuổi ông mình xâm hại cũng trong thang máy.

img

Hình ảnh được cắt từ camera an ninh của chung cư.

Theo dõi những vụ việc trên, tôi thấy xã hội bây giờ nguy hiểm quá, hành vi xâm hại, mà đặc biệt là xâm hại tình dục đối với trẻ em diễn ra ngày càng phổ biến, manh động, công khai và trắng trợn hơn.

Điều đáng nói là những kẻ thực hiện hành vi xâm hại đó lại gần như không bị xử lý hoặc xử lý chỉ mang tính chất “chiếu lệ”, không tương xứng với hậu quả của các hành vi này gây ra cho người bị xâm hại và cho toàn xã hội. Nó như một sự thách thức đối với pháp luật cũng như sự cố gắng bảo vệ trẻ em của toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam.

Hệ thống pháp luật Việt Nam nếu nhìn dưới góc độ tổng thể thì có vẻ như rất đầy đủ, chặt chẽ để có thể xử lý từ hành chính đến hình sự, và kể cả là chế định bồi thường thiệt hại đối với hành vi xâm hại đối với tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, đặc biệt là hàng loạt chế định chuyên biệt để bảo vệ trẻ em - những đối tượng không có khả năng kháng cự trước các hành vi tấn công của người lớn.

Song, đi sâu vào mới thấy, những quy định pháp luật chỉ mang tính chất hình thức, không còn phù hợp với thực tiễn đời sống, không đủ tính chất răn đe, giáo dục chung đối với xã hội như bản chất mà pháp luật vốn có.

Chắc có lẽ, chẳng có ai có thể tưởng tượng ra được một thầy giáo đáng kính uống rượu say trong giờ lên lớp, rồi về “sờ đùi, vỗ mông, xoa lưng” những đứa trẻ mới 10 tuổi ngay tại lớp học lại chỉ bị kỷ luật cảnh cáo và lại tiếp tục được công tác trong ngành giáo dục. Rồi một nam thanh niên dùng vũ lực, khống chế một cô gái ngay trong thang máy để thực hiện hành vi xâm hại thân thể, danh dự, nhân phẩm lại chỉ bị phạt có 200 nghìn đồng.

img

Camera an ninh của chung cư ghi lại toàn bộ diễn biến vụ việc.

Hậu quả tất yếu của những hình phạt có mà như không này là việc các hành vi xâm hại đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của người khác liên tiếp xảy ra ở các nơi, các địa phương khác nhau. Có những hành vi “may mắn” bị phát hiện, bị dư luận lên án, nhưng cũng có những hành vi không thể “vật chứng” hóa để đưa ra trước dư luận và bị xử lý.

Chỉ có một điều chắc chắn rằng, các nạn nhân trong các vụ việc xâm hại đều phải chịu sự tủi nhục, sợ hãi và uất ức, bởi tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của họ đã không được pháp luật và những người thực thi pháp luật bảo vệ đúng mức.

Phải khẳng định rằng, tại thời điểm hiện nay, với các quy định pháp luật hiện hành, thì các cơ quan quản lý hành chính nhà nước xử lý những hành vi như vậy là đúng. Điều tôi muốn phân tích ở đây chính là các quy định pháp luật này đã không còn phù hợp. Việc quy định các hành vi vi phạm hành chính, xâm phạm trực tiếp đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của con người ở Việt Nam hiện nay (được quy định trong Nghị định số 167/2013/NĐ-CP) đã không còn phù hợp với xã hội hiện tại, không bao quát được hết các hành vi vi phạm và mức xử phạt đã không còn đủ sức răn đe, giáo dục chung đối với xã hội.

Đã đến lúc các nhà làm luật, các nhà quản lý phải thay đổi, phải nghiên cứu, đánh giá lại các hiện tượng xã hội, để từ đó đề ra các quy định pháp luật phù hợp, điều chỉnh, xử lý đối với các hành vi phát sinh nhằm bảo vệ tốt nhất quyền con người đối với mỗi cá nhân, công dân. Rõ ràng, các nhà làm luật Việt Nam đang nợ xã hội một chế định liên quan đến "quấy rối tình dục" và "tấn công tình dục khi chưa đến mức phải xử lý hình sự".

img

Đại diện cư dân chung cư Galaxy 9 họp gấp với ban quản lý chung cư tối hôm qua (2/4)

Đành rằng, từ xưa đến nay, trong xã hội Á Đông chúng ta, vấn đề tình dục luôn được xếp ở trong bóng tối, được xem là chuyện riêng tư, không được đem ra nghị trường để bàn thảo. Tuy nhiên, quan điểm đó đã lạc hậu. Thực tế đã diễn ra rất nhiều vụ quấy rối, tấn công tình dục ngay giữa nơi công cộng, nhưng pháp luật lại buộc phải gọi tên đó là hành vi khác, với một lý do là hệ thống pháp luật Việt Nam chưa xây dựng được khái niệm thế nào là “quấy rối tình dục và tấn công tình dục”.

Dưới góc độ là một người thi hành và tư vấn pháp luật, tôi kiến nghị cơ quan lập pháp, các cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của mình cần ngay lập tức xây dựng được khái niệm về hành vi “quấy rối tình dục và tấn công tình dục khi chưa đến mức xử lý hình sự”, đồng thời ban hành các quy phạm pháp luật chuyên biệt để xử lý đối với các hành vi xâm hại tình dục này. Đối với hành vi dâm ô, cần phải làm rõ nội hàm của cụm từ này, tránh tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước mỗi nơi hiểu một kiểu, mỗi cơ quan áp dụng một cách khác nhau để xử lý. Đã là pháp luật thì tính thống nhất và tính hiệu lực là quan trọng nhất. Đừng để những quy định pháp luật làm khó người dân, làm khó cơ quan quản lý và quan trọng hơn, đừng để những kẻ dâm ô, đồi trụy, biến thái thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật chỉ vì những thuật ngữ chung chung, vô cảm đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem