Dân Việt

Đồ uống có đường chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt, tác động tới nền kinh tế ra sao?

Thế Anh 20/09/2024 15:20 GMT+7
GS. TSKH Nguyễn Mại băn khoăn, mục đích của việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là gì?

Tại sao đồ uống có đường vào diện chịu thuế TTĐB?

Ngày 20/9, tại buổi Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân của Quốc hội tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều đánh giá, đề xuất áp dụng mức thuế tới các mặt hàng hóa.

Đánh giá về việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tới các ngành hàng, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho rằng, hiện, vẫn còn những ý kiến khác nhau xung quanh các vấn đề như: Mở rộng mặt hàng chịu thuế, quy định về biểu thuế, thuế suất, mô tả nội dụng các mặt hàng chịu thuế, quy định nội dung một số điều của Luật thuế TTĐB để phù hợp với luật chuyên ngành, quy định việc hoàn thuế, khấu trừ thuế….

img

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE.

"Qua tập hợp báo cáo của doanh nghiệp và ý kiến của một số chuyên gia,những vấn đề có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau trong Dự thảo lần thứ 3 Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) lần này", GS. TSKH Nguyễn Mại chia sẻ.

GS. TSKH Nguyễn Mại cho biết, thứ nhất, về đối tượng chịu thuế, đã không ít ý kiến đề xuất cần nghiên cứu kỹ tác động chính sách khi mở rộng đối tượng chịu thuế. Chẳng hạn như việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đang đặt ra nhiều câu hỏi như: mục đích của việc bổ sung mặt hàng này vào diện chịu Thuế TTĐB là gì?

Nếu là vì lý do thuế tiêu thụ đặc biệtẻ, thì đồ uống có đường có phải là nguyên nhân gây bệnh thừa cân béo phì hay không? Nếu là để tăng thu ngân sách thì liệu mục đích này có đạt được và có tính khả thi hay không?

Thứ hai, về mức thuế suất, vẫn có mức tăng thuế suất đối với các sản phẩm như rượu, bia, xăng dầu vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Thứ ba, về thời điểm và lộ trình áp dụng. Tôi thấy một số quan điểm cho rằng các thay đổi trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần được áp dụng ngay để sớm điều chỉnh hành vi tiêu dùng và bảo vệ lợi ích xãhội.

Thứ tư, vẫn còn không ít ý kiến xung quanh vấn đề đảm bảo tính công bằng và tính khả thi của Luật Thuế TTĐB (sửa đổi)…

img

TS. Nguyễn Văn Phụng.

Thiệt hại đối với nền kinh tế

Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết: "Còn nhiều quan điểm trái chiều về việc đưa Nước giải khát có đường 5g/100ml và diện chịu thuế TTĐB".

Quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo là mục tiêu của việc áp thuế TTĐB đối với mặt hàng Nước giải khát có đường là nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, hạn chế tiêu dùng đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe cộng đồng, trẻ em.

Cùng đó, định hướng nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tiêu dùng mặt hàng nước giải khát có đường; Khuyến khích các nhà sản xuất nước giải khát thay đổi công thức, sản xuất những sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe; Phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới, đồng thời góp phần cơ cấu lại NSNN theo các chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Nói đến tác động của việc áp thuế TTĐB, TS. Nguyễn Văn Phụng cho hay: "Việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần".

TS. Nguyễn Văn Phụng lấy dẫn chứng từ Báo cáo Nghiên cứu của CIEM đánh giá tác động kinh tế - xã hội của thuế TTĐB (thực hiện năm 2018, được cập nhật năm 2021) thì nếu bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% thì dẫn tới thiệt hại đối với nền kinh tế là khoảng 880,4 tỷ đồng.

Trường hợp áp dụng đồng thời cả thuế TTĐB ở mức 10% và tăng thuế GTGT thêm 2% đối với mặt hàng nước giải khát thì tổng thiệt hại cho nền kinh tế sẽ tăng thêm 1069,1 tỷ đồng.

Nếu tăng thuế GTGT thêm 1% thì cũng đã khiến sản lượng của ngành mía đường ước tính giảm 28,8 nghìn tấn; tương đương với doanh thu sụt giảm 302,4 tỷ đồng trong khi giá trị thuế GTGT thu được chỉ tăng thêm 217,4 tỷ đồng, nghĩa là thiệt hại gần 100 tỷ đồng cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của hơn 300.000 hộ gia đình trồng mía.

Ngoài ra, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc (như ngành mía đường) và cả nền kinh tế nói chung.

Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% – 0,085%.