Dân Việt

Đi tiêm filler nâng mũi ở cơ sở chui, một nữ trung niên gặp họa

Diệu Linh 20/09/2024 15:28 GMT+7
Đến cơ sở y tế "chui" để tiêm filler nâng mũi, vừa tiêm thuốc tê, một phụ nữ đã bị tức ngực, khó thở do sốc phản vệ.

Suýt chết khi đi tiêm filler ở cơ sở y tế không được cấp phép

Ngày 20/9, tin từ Bệnh viện Quân đội 108 cho biết, khoa Cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 44 tuổi, vào cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi nhiều, tức ngực, khó thở.

Tình trạng bệnh xuất hiện sau khi bệnh nhân được tiêm thuốc tê (Lidocain) để tiêm filler mũi tại một cơ sở thẩm mỹ “chui”.

Các bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn thấy huyết áp tụt thấp, độ bão hòa oxy máu không đảm bảo. Ngay lập tức bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi phản vệ độ III với Lidocain và được xử trí đồng thời theo cả hai phác đồ phản vệ và ngộ độc với thuốc tê, sử dụng vận mạch adrenalin và nhũ tương lipid 20% cùng các biện pháp hồi sức cấp cứu khác.

Đi tiêm filler nâng mũi ở cơ sở chui, một nữ trung niên gặp họa  - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốc phản vệ sau ngộ độc thuốc tê khi tiêm filler mũi tại cơ sở thẩm mỹ “chui” (Bệnh nhân được điều trị tại Trung tâm Hồi sức. Ảnh BVCC)

Sau khi tình trạng bệnh nhân tạm ổn định, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Trung tâm Hồi sức, Bệnh viện Quân đội 108 để tiếp tục theo dõi và điều trị. '

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân tiến triển nặng tổn thương đa cơ quan (hô hấp, cơ tim, gan, rối loạn đông máu), phải kết hợp nhiều thuốc vận mạch với liều cao tăng dần, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân đã được hồi sức tích cực, thông khí nhân tạo xâm nhập, siêu lọc máu liên tục kết hợp với thuốc vận mạch và nhũ tương lipid 20%. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng bệnh cải thiện tốt, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản, chuyển sang thở oxy gọng kính; liều thuốc vận mạch giảm dần và đã cắt hoàn toàn thuốc vận mạch sau 5 ngày.

Bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, các cơ quan tổn thương đã hồi phục và được xuất viện sau 7 ngày điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Sơn, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quân đội 108 cho biết: “Trường hợp kể trên, bệnh nhân may mắn được cấp cứu đúng cách, kịp thời và tích cực nên tránh được những hậu quả đáng tiếc.

Vì vậy, người dân khi có nhu cầu làm đẹp nên lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ uy tín được cấp phép của bộ y tế và có đội ngũ bác sĩ chuyên ngành gây mê-hồi sức nhiều kinh nghiệm, và cần phải tự trang bị cho bản thân các kiến thức cơ bản về các dấu hiệu của phản vệ với thuốc tê".

Bác sĩ Sơn nhận định, khi đời sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu làm đẹp của người dân cũng tăng theo.

Đi tiêm filler nâng mũi ở cơ sở chui, một nữ trung niên gặp họa  - Ảnh 2.

Dù là tiêm filler hay "động dao kéo", người dân cũng cần tìm đến các cơ sở y tế được cấp phép. (Ảnh minh họa restondermatology)

Để đáp ứng nhu cầu đó, rất nhiều spa – thẩm mỹ viện ra đời, song song với những cơ sở có chất lượng chuyên môn cao, được thẩm định và cấp phép hành nghề, vẫn còn tồn tại rất nhiều cơ sở mở "chui", người hành nghề không được đào tạo bài bản, thậm chí không có chuyên môn về y tế vẫn ngang nhiên thực hiện các thủ thuật xâm lấn lên người khách hàng.

Vì thế, các tai biến có nguy cơ cao xảy ra. Các cơ sở y tế thời gian gần đây ghi nhận rất nhiều trường hợp tai biến thẩm mỹ do hậu quả của những spa "chui" này, hầu hết do tâm lý ham giá rẻ, tin vào những lời chèo kéo "ngọt ngào" trên mạng để rồi "tiền mất tật mang".

"Trong thời gian qua, trong các bệnh nhân vào viện với biến chứng sau làm đẹp, biến chứng do tiêm filler chiếm số lượng tương đối lớn", bác sĩ Sơn chia sẻ.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo khi người dân muốn "động dao kéo, tiêm chích" để làm đẹp cần đến các cơ ở y tế được cấp phép dịch vụ, được bác sĩ thực hiện kỹ thuật để tránh nguy cơ tai biến.

Tại sao lại bị sốc phản vệ với thuốc tê?

Về sốc phản vệ thuốc tê, theo bác sĩ Sơn, phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Một số triệu chứng gợi ý tình trạng phản vệ như: Mày đay, phù mạch nhanh; Khó thở, tức ngực, thở rít; Đau bụng hoặc nôn; Tụt huyết áp hoặc ngất; Rối loạn ý thức.

"Phản vệ trong khi gây mê, gây tê phẫu thuật thường chẩn đoán khó vì người bệnh đã được gây mê, an thần và các triệu chứng ngoài da có thể không xuất hiện nên không đánh giá được các dấu hiệu chủ quan.

Vì vậy, cần phải thác kỹ tiền sử dị ứng trước khi tiến hành gây tê, gây mê phẫu thuật và đánh giá kỹ các triệu chứng như tụt huyết áp, nồng độ oxy máu giảm, mạch nhanh, ran rít mới xuất hiện, biến đổi trên monitor.

Một số thuốc gây tê là những hoạt chất ưa mỡ, có động tính cao khi vào cơ thể gây nên một tình trạng ngộ độc nặng giống như phản vệ có thể tử vong trong vài phút.

Vì vậy, người bệnh cần nắm rõ các dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng phản vệ với thuốc tê để khi xảy ra có thể đến các cơ sở y tế gần nhất cấp cứu kịp thời.