Xáo tam phân vốn phân bổ nhiều ở vùng rừng núi Ninh Thuận, Khánh Hòa. Từ năm 2012, anh Nguyễn Văn Khôn đã đưa cây giống xáo tam phân về đất Đồng Nai.
Sau nhiều lần thất bại, anh Khôn đã xây dựng quy trình khép kín, trồng cây theo chuẩn hữu cơ. Đồng thời, phương pháp nhân giống hữu tính bằng hạt cũng được thay thế bằng phương pháp giâm cành vô tính.
"Thành công từ phương pháp giâm cành vô tính giúp chúng tôi làm chủ được công nghệ, bảo tồn được nguồn gen gốc các hợp chất quý", anh Khôn nói.
Tại Đồng Nai, anh Nguyễn Văn Khôn được xem là người trồng và phát triển cây xáo tam phân theo quy mô trang trại lớn nhất hiện nay.
Trên diện tích 5,6ha, anh Khôn đang trồng hơn 500.000 cây nguyên liệu 6 năm tuổi. Anh còn liên kết với nông dân ở các tỉnh thành mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 100ha.
Từ mô hình trang trại đặc thù, anh Khôn phát triển lên Công ty TNHH Dược liệu Tâm Tâm An để đầu tư công nghệ, chế biến các sản phẩm thảo dược theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế.
Hiện công ty đã sản xuất được nhiều sản phẩm từ cây xáo tam phân như trà thảo mộc, rượu, viên nang; trong đó có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao.
Theo anh Khôn, khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giá trị và uy tín của nông phẩm gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, việc được cấp mã số vùng trồng cũng là động lực cho nông dân thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô thương mại.
Thị trường đối với xáo tam phân còn rất lớn vì nhu cầu sức khỏe ngày càng cao. "Dù đã được các sở ngành hỗ trợ song đến nay, đề nghị và quy trình cấp chỉ dẫn địa lý cũng như mã số vùng trồng cho dược liệu xáo tam phân Đồng Nai vẫn gặp nhiều khó khăn", anh Khôn nói.
Không chỉ là giám đốc của một doanh nghiệp, anh Khôn còn là hội viên Hội Nông dân. Anh Khôn hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng cây dược liệu xáo tam phân xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai).
Sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, anh Khôn lớn lên trong sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con nông dân quanh vùng. Anh Khôn hiểu rõ nỗi cơ cực trăm bề của nông dân. Hết vòng xoáy được mùa mất giá lại đến phân, thuốc giả; giá vật tư tăng cao...
Anh Khôn cho biết, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ vốn để nông dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nông dân rất khó tiếp cận.
Thứ nữa là áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Hiện nay, các sở ngành có nhiều chương trình chuyển giao, tập huấn kỹ thuật.
"Nhưng vấn đề quan trọng là sau tập huấn, họ lấy đâu kinh phí để đầu tư. Nhà nước cũng như chính quyền địa phương cần giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ dễ dàng hơn", anh Khôn đề nghị.