Dân Việt

Cơ sở pháp lý trong vụ chủ cửa hàng xe máy chiếm đoạt 9,3 tỷ đồng của 258 khách nhờ “phù phép” xe gian

T. Nam - K. Trinh 21/09/2024 14:37 GMT+7
Theo luật sư, các bị can dùng thủ đoạn tinh vi thay đổi số khung, số máy xe nhằm chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Hành vi này thỏa mãn cấu thành tội phạm và sẽ bị xử lý theo Điều 174, Bộ luật hình sự năm 2015.

Chủ hệ thống xe máy Tân Tiến chiếm đoạt 9,3 tỷ đồng của khách

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với bị can Bùi Văn Tân (41 tuổi, chủ hệ thống cửa hàng xe máy Tân Tiến) về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "mua bán tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Các bị can: Nguyễn Ngọc Thúy, Võ Đình Thắng, Nguyễn Trung Thông, Trần Văn Sậu, Hà Xuân Phúc, Nguyễn Hữu Oai, Nguyễn Hữu Như, Lê Văn Tới, Trần Thị Như Thúy bị đề nghị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; các bị can: Nguyễn Đình Sùng, Nguyễn Sỹ Toàn và Nguyễn Thị Kiều Oanh bị đề nghị truy tố về tội "mua bán tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Theo hồ sơ điều tra, từ năm 2018 đến tháng 12/2023, bị can Bùi Văn Tân đã thành lập 4 cơ sở kinh doanh xe máy tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Cuối năm 2021, bị can Tân nhận thấy trên thị trường có nhiều xe máy đã qua sử dụng, không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc, trong khi tại các công ty xuất nhập khẩu xe máy, cửa hàng xe máy có nguồn phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng còn dư khi xuất khẩu.

Tân đã nảy sinh ý định thu mua xe không rõ nguồn gốc rồi thuê người mài đục số khung, số máy xe cho phù hợp với thông tin trên phiếu xuất xưởng rồi bán cho khách, đăng ký như xe mới.

Tân đã thu mua phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng xe máy với giá từ 500.000 - 1 triệu đồng/phiếu của Nguyễn Đình Sùng (chủ hệ thống cửa hàng ô tô, xe máy Hà Thành ở quận Bình Tân); Nguyễn Thị Kiều Oanh (quản lý của các đại lý Honda Hồng Hạnh 4, 5, 6 tại Bình Dương và TP.HCM) và Nguyễn Sỹ Toàn (chủ Công ty TNHH TM xuất nhập khẩu Sông Ngân).

Bên cạnh đó, Tân thỏa thuận, thu mua những xe máy không rõ nguồn gốc từ Lê Văn Tới với giá từ 18 - 22 triệu đồng/xe, tùy loại xe, đời xe và chất lượng xe.

Khi xe gian được đưa về cửa hàng, các nhân viên của Tân sẽ tiếp nhận, chụp hình xe, số khung, số máy gửi lên nhóm chat để theo dõi, quản lý.

Cơ sở pháp lý trong vụ chủ cửa hàng xe máy chiếm đoạt 9,3 tỷ đồng của 258 khách nhờ “phù phép” xe gian- Ảnh 2.

Đối tượng Bùi Văn Tân (41 tuổi, chủ hệ thống cửa hàng xe máy Tân Tiến) vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đề nghị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "mua bán tài liệu của cơ quan, tổ chức". Ảnh: C.A.

Tân chỉ đạo Trần Văn Sậu, Hà Xuân Phúc tháo biển số cũ, tháo phần đuôi xe và đưa xe đến cửa hàng xe máy của Như, Oai để 2 người này mài đục thay đổi số khung, số máy với tiền công 1 triệu đồng/xe. Sau khi mài đục thay đổi số khung, số máy, Như và Oai sẽ gọi cho Sậu hoặc Phúc đưa xe về lại cửa hàng của Tân.

Tại đây, nhân viên của Tân sẽ vệ sinh, tân trang lại xe như mới để chụp hình, quay video đăng tải lên mạng xã hội hoặc trưng bày tại các cửa hàng của Tân.

Đối với những chiếc xe đã qua "phù phép", Tân chỉ đạo nhân viên khi tư vấn, giới thiệu với khách là "xe lướt, bao rút hồ sơ, bao giấy tờ…".

Khi có khách mua xe nhân viên của Tân sẽ lấy bản cà số khung, số máy do Như, Oai để sẵn trong cốp rồi chuẩn bị thủ tục đăng ký, liên hệ với "cò dịch vụ" tại địa phương nơi khách hàng thường trú để thuê thực hiện các thủ tục đăng ký xe, cấp biển số mới cho khách.

Căn cứ xử lý tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Luật sư Nguyễn Bá Huy - Giám đốc công ty Luật TNHH Tín Hải cho rằng, theo điều tra ban đầu được công bố, các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức và diễn ra trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khác và đời sống nhân dân.

Cơ sở pháp lý trong vụ chủ cửa hàng xe máy chiếm đoạt 9,3 tỷ đồng của 258 khách nhờ “phù phép” xe gian- Ảnh 3.

Ba đối tượng Oanh, Toàn, Sùng vừa bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt giữ. Ảnh: C.A.

Trong vụ việc trên, các đối tượng vì thỏa mãn lợi ích cá nhân của mình thực hiện hành vi gian dối, mua bán tài liệu của cơ quan tổ chức nhằm chiếm đoạt tài sản với giá trị lớn. Căn cứ vào hành vi của các đối tượng cũng như kết quả điều tra hiện tại của phía cơ quan chức năng, hành vi của các bị can có dấu hiệu cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Mua bán con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo luật sư Huy, thông qua hình thức hợp đồng mua, bán tài sản, các bị can dùng thủ đoạn tinh vi thay đổi số khung, số máy xe nhằm chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân. Hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội phạm và sẽ bị xử lý theo Điều 174, Bộ luật hình sự năm 2015.

Với hành vi Mua bán tài liệu của cơ quan, tổ chức, căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả gây ra thì người vi phạm có thể phải chịu hình phạt tù từ 02 đến 05 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại Điều 342, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đồng thời, phía cơ quan điều tra sẽ tiếp tục hoàn tất điều tra, làm rõ vai trò, động cơ phạm tội của các bị can khác có liên quan trong vụ việc trên để xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật.

Cũng theo luật sư Huy, người vi phạm có thể bị áp dụng các tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự trên cơ sở đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội theo các Điểm a, b, g, Khoản 1, điều 52, Bộ luật hình sự năm 2015, bao gồm: Phạm tội có tổ chức; Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Phạm tội 02 lần trở lên...