Bộ Y tế đang đề xuất cần phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe như rượu bia, thuốc lá.
Bộ Y tế cho biết, theo thống kê, những năm qua, sản lượng bia tăng từ 3,526 tỷ lít (năm 2015) lên 4,593 tỷ lít (năm 2019); rượu từ 310,3 triệu lít (năm 2015) lên 331,7 triệu lít (năm 2019). Năm 2022, sản lượng bia là 4,4 tỷ lít và sản lượng rượu là 315 triệu lít/năm.
Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (trên 15 tuổi) mỗi năm tại Việt Nam là 8,3 lít, tương đương với 1 người uống 170 lít bia mỗi năm.
Trong một cuộc điều tra thực hiện năm 2021 tại Việt Nam trong vòng 30 ngày, có tới 64% nam giới và 10% nữ giới có uống rượu bia. Tỷ lệ uống ở mức uống nguy hại cao: Thanh thiếu niên (24,6% nam giới và 19,5% nữ giới).
Bộ Y tế cho biết, rượu bia gây ra hơn 230 loại bệnh tật và tình trạng thương tích (rối loạn sử dụng rượu bia, tổn thương gan, xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do virus viêm gan C, viêm tụy cấp tính và mãn tính, các bệnh tim mạch, ung thư, các thương tích do bạo lực và tai nạn giao thông.
Đồng thời là nguyên nhân gây ra 46.000 ca tử vong (2021) chiếm hơn 6% tổng số ca tử vong ở Việt Nam; Căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng: bạo lực, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, phân hóa xã hội
Thiệt hại về kinh tế do sử dụng rượu bia chiếm 1,3-3,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia.
Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, Văn phòng WHO tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy, thu thuế thuốc lá tại Việt Nam thu về dưới 20.000 tỷ đồng thì chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp do tử vong vì thuốc lá lên đến hơn 108.000 tỷ đồng, gấp gần 5.5 lần
Ông Lâm dẫn chứng, tính đến nay có khoảng 40 nhãn hiệu có giá dưới 10.000 đồng/bao thuốc. Giá thuốc lá trung bình cho một bao thuốc hầu như không thay đổi sau 10 năm (giai đoạn từ năm 2010-2020). Trong khi đó, giá thực của bia rượu giảm đáng kể trong khoảng 10 năm gần đây.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, để giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường, WHO khuyến nghị cần tăng thuế với các sản phẩm có hại cho sức khỏe thường xuyên, sao cho mức tăng cao hơn mức tăng của lạm phát và mức tăng thu nhập. Theo kinh nghiệm quốc tế, mức thuế có tác động đáng kể để giảm tiêu thụ các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết hiện nay, thuế và giá rượu bia ở Việt Nam ở mức thấp, chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi nhiều nước tỷ trọng thuế rượu, bia chiếm từ 40-85% giá bán lẻ.
Theo bà Hương, ước tính, nếu tăng thuế để giá tăng 10% sẽ làm giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá và rượu bia từ 5% - 8% và đồ uống có đường từ 8%-13%.
“Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, WHO cũng khuyến cáo cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn.
Nước ta cần tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”, bà Hương chia sẻ.
Với mặt hàng thuốc lá, theo đề xuất của Bộ Tài chính, với 2 phương án thì mức thuế tuyệt đối tính đến năm 2030 mới là 10.000 đồng/bao, chiếm tỉ trọng khoảng 59,38% giá bán lẻ.
Bộ Y tế đề xuất mức thuế tuyệt đối cần tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao và đạt 15.000 đồng/1 bao (20 điếu/1 bao) vào 2030 bên cạnh thuế tỉ lệ 75%.
Phương án này sẽ giúp đạt tỉ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO (70-75% giá bán lẻ) và giúp giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030.
"Dự kiến tháng 10 tới, Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội và thông qua vào tháng 5/2025.
Bộ Y tế đã liên tục nhận được thư kiến nghị về việc giảm thuế, giãn lộ trình tăng thuế với thuốc lá. Tuy nhiên, Bộ cũng nhận được đề nghị của WHO và nhiều tổ chức về việc cần tăng mức thuế hơn để đảm bảo tiệm cận được với các nước trong khu vực và trên thế giới" - bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết.