"Đột phá” từ mạng lưới hạ tầng
Một trong những thành công lớn nhất của huyện Xín Mần là cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn. Hệ thống đường giao thông được nâng cấp, mở rộng, kết nối các thôn, bản với trung tâm huyện và các khu vực lân cận. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại mà còn thúc đẩy thương mại và giao lưu kinh tế.
Sau hơn 3 năm (2021-2024) thực hiện đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, đến nay các tuyến đường từ huyện đến trung tâm xã, đường liên xã đều đảm bảo lưu thông thuận lợi, trong đó trên 70% số xã có đường được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi hoặc giao thông nông thôn loại A (bề mặt cứng hóa từ 5m trở lên) trở lên.
Hệ thống đường giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã và thôn bản) được quan tâm đầu tư và duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Số thôn bản có đường từ trung tâm xã đến trung tâm thôn được cứng hóa, đảm bảo cho xe ô tô đi lại thuận tiện là 160/187 thôn, đạt 85,5 % chỉ tiêu nghị quyết; số xã biên giới có đường giao thông đạt chuẩn nông thôn mới là 09/13 thôn, đạt 70% chỉ tiêu nghị quyết.
Trong 9 tháng năm 2024, các xã đã thực hiện được 24.961 m đường bê tông các loại; bó láng nền, chỉnh trang nhà 283 hộ; xây dựng 203 công trình nhà tắm; 267 nhà tiêu hợp vệ sinh; 220 bể nước, téc nước; cứng hóa, di dời 150 chuồng trại... Nhân dân hiến 57.611 m2 đất để làm đường bê tông, đường đại đoàn kết và các công trình; đóng góp 13.740 ngày công lao động; mở mới 23.140 m đường đất, đá, đường đại đoàn kết; duy ty, bảo dưỡng, sửa chữa 22.063 m đường giao thông nông thôn.
Hạ tầng giao thông đô thị từng bước hoàn thiện theo hướng hiện đại, gắn với chỉnh trang đô thị, phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt, bộ mặt trung tâm huyện và các xã ngày càng xanh-sạch. Công tác huy động xã hội hóa được quan tâm, nhiều tuyến đường nhóm hộ, cầu tràn dân sinh đã được đầu tư xây dựng.
Hệ thống thủy lợi cũng được đầu tư mạnh mẽ, đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất cây trồng và chăn nuôi. Việc xây dựng các công trình vệ sinh cộng đồng và cung cấp nước sạch đã cải thiện đáng kể điều kiện sống của người dân.
Song song với đó, huyện Xín Mần đã chú trọng nâng cao sản xuất nông nghiệp thông qua việc áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chăn nuôi. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được triển khai, như trồng cây ăn quả, rau sạch, và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn.
Việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cũng được tăng cường, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả hơn. Điều này không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng, phục vụ nhu cầu thị trường.
Vị thế, sức bật và dấu ấn tích cực
Xây dựng NTM không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế mà còn chú trọng đến lĩnh vực giáo dục và y tế. Nhiều trường học được đầu tư xây dựng mới, trang bị cơ sở vật chất khang trang và hiện đại, nâng cao chất lượng giảng dạy. Công tác giáo dục được chú trọng, từ đó, tỷ lệ trẻ em đến trường và hoàn thành chương trình học ngày càng cao.
Trong lĩnh vực y tế, huyện đã cải thiện đáng kể dịch vụ khám chữa bệnh, tăng cường năng lực cho các trạm y tế xã, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Công tác tuyên truyền về sức khỏe, dinh dưỡng và vệ sinh cũng được chú trọng, giúp người dân có ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân.
Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức thường xuyên, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phong tục tập quán tốt đẹp cũng được chú trọng, góp phần tạo nên một cộng đồng đoàn kết, gắn bó.
Chương trình xây dựng NTM tại huyện Xín Mần đã tạo ra nhiều dấu ấn tích cực, giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì và phát triển những kết quả này, huyện phải đối mặt với nhiều thách thức như nguồn lực hạn chế, biến đổi khí hậu, và sự biến động của thị trường.
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, huyện Xín Mần đã khoác trên mình áo mới, không gian nông thôn vốn thanh bình yên ả giờ thêm sung túc, đủ đầy. Hộ nghèo giảm đáng kể, số hộ sản xuất kinh doanh giỏi ngày một tăng, thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Đến nay, huyện Xín Mần đã có 3 xã được công nhận đạt chuẩn xây dựng NTM (đạt 17,6 %), 3 thôn đạt chuẩn thôn NTM. Tổng số tiêu chí xã NTM đạt trên địa bàn toàn huyện là 193 tiêu chí, bình quân đạt 11,4 tiêu chí/ xã...
Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, ông Ngô Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, cho biết, là huyện thuần nông, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, Xín Mần gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, điều kiện kinh tế của huyện là nông nghiệp, thu nhập của người dân nông thôn không cao nên mức đóng góp xây dựng NTM còn hạn chế; diện tích sản xuất của nông hộ còn nhỏ lẻ, manh mún khó khăn trong thực hiện cơ giới hóa; công tác quản lý bảo trì đường giao thông nông thôn chưa được chú trọng. Nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng NTM so với nhu cầu để đạt được các mục tiêu, tiêu chí còn thấp; việc huy động nguồn lực để thực hiện còn gặp khó khăn; tiến độ lập hồ sơ xây dựng, triển khai thực hiện các công trình còn chậm.
"Triển khai xây dựng NTM, hằng năm, Ban Chỉ đạo huyện Xín Mần xây dựng kế hoạch thực hiện các tiêu chí trên cơ sở đăng ký của các xã và thường xuyên củng cố hoạt động và kiện toàn bộ máy, định kỳ đánh giá tình hình thực hiện chương trình, lồng ghép kiểm tra, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện", ông Tăng chia sẻ.
Có thể thấy, chương trình xây dựng NTM tại huyện Xín Mần đã mang lại những kết quả khả quan, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Những nỗ lực này không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng một nông thôn mới đáng sống.