Dân Việt

Phát triển sản phẩm làng nghề thành sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị

Tịnh Tâm 21/09/2024 09:54 GMT+7
TP.HCM đã ban hành Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giai đoạn 2021 – 2025, trong đó sẽ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP.

Quan điểm của TP.HCM là phát triển sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa theo hướng kinh tế số, đảm bảo hiệu quả và bền vững. Trong đó, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản và làng nghề truyền thống theo chuỗi giá trị…

Phát triển sản phẩm làng nghề thành sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị - Ảnh 1.

Nhiều khả năng Làng nghề trồng mai vàng xã Bình Lợi (Bình Chánh) sẽ có nhiều sản phẩm OCOP từ loại cây trồng này . Ảnh: T.Đ

Mục tiêu đến năm 2025, TP.HCM phấn đấu có ít nhất 124 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Để thực hiện mục tiêu này, TP sẽ chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương, như các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa của địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống.

Bên cạnh đó, chuẩn hóa các sản phẩm mới được hình thành dựa trên nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc. Trong đó ưu tiên sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được các nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ đặc sản, nguyên liệu địa phương, tri thức bản địa nhằm thúc đẩy chế biến sâu và nâng cao giá trị sản phẩm; các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP.

Ngoài ra, phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm sản phẩm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng; bảo vệ môi trường…