Đầu tư cho 5 làng nghề gắn với du lịch, TP.HCM “tùy cơ ứng biến”
Đầu tư cho 5 làng nghề làm du lịch, TP.HCM “tùy cơ ứng biến”
Trần Cửu Long
Thứ năm, ngày 12/09/2024 14:19 PM (GMT+7)
Theo quan điểm của TP.HCM, căn cứ tình hình thực tế của TP sẽ thực hiện bảo tồn, phát triển 5 làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Cụ thể, 5 làng nghề gắn với du lịch, gồm: Làng nghề đan đát Thái Mỹ (huyện Củ Chi); Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi); Làng se nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh); Làng trồng mai vàng Bình Lợi (huyện Bình Chánh) và Làng muối Lý Nhơn (huyện Cần Giờ).
Vừa qua, Sở NNPTNT TP đã có tờ trình TP xem xét công nhận Làng trồng mai vàng xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh; Làng nghề truyền thống sản xuất muối xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ và nghề truyền thống sản xuất bánh tráng xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi.
Vậy phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới sẽ đầu tư ra sao?
Căn cứ theo Quyết định 801 của Chính phủ về hướng dẫn phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, TP.HCM sẽ thực hiện các bước sau:
Đầu tiên là phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống (nhà thờ tổ nghề, không gian làng nghề, cảnh quan làng nghề...); khôi phục, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa.
Đồng thời, tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Trong đó, đối với các làng đã có nghề sẽ khôi phục, bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm, bí quyết nghề; đồng thời thiết kế những sản phẩm mới phù hợp với thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ cảnh quan, môi trường làng nghề.
Đối với các làng chưa có nghề, sẽ thúc đẩy phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thông qua các hình thức du nhập, học tập, phổ biến, nhân rộng từ các mô hình, làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả.
Như vậy, cần phải đảm bảo tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới thực hiện nhiệm vụ Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.