UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP đến năm 2025.
Mục tiêu chung của chương trình này là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.
UBND TP.HCM cũng giao chỉ tiêu cụ thể mỗi huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ xây dựng ít nhất từ 1 sản phẩm/điểm du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với phát huy giá trị văn hóa, cộng đồng trong không gian nông nghiệp, nông thôn; phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
TP.HCM phấn đấu xây dựng 2 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
TP.HCM cũng hướng đến phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số, 100% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
UBND TP.HCM yêu cầu các Sở ngành liên quan như Sở NNPTNT, Sở Du lịch… tập trung đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm, điểm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Các sở ngành cần rà soát, điều tra, cập nhật thông tin, số liệu về tài nguyên, thị trường du lịch nông thôn trên địa bàn TP để phân tích, đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển du lịch nông thôn, từ đó có cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn mang giá trị đặc trưng.
Xây dựng, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải...) tại các làng văn hóa du lịch, làng du lịch nông thôn, điểm du lịch phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa của từng khu vực.
Tập trung phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách.
Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích lịch sử - văn hóa, sản phẩm du lịch, điểm du lịch, làng nghề truyền thống… gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đối với du lịch nông thôn, TP.HCM cũng chú trọng xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn theo các loại hình: du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, làng du lịch thông minh, du lịch không phát thải.