Dân Việt

"Bí kíp" để doanh nghiệp niêm yết tiếp cận nguồn vốn xanh

Linh Anh 23/09/2024 13:56 GMT+7
Để doanh nghiệp niêm yết tiếp cận nguồn vốn xanh, Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (UBCKNN) chỉ ra rằng, các doanh nghiệp cần xác định rõ định nghĩa về nguốn vốn "xanh", đồng thời cần đạt những tiêu chuẩn nhất định của khu vực, của ngành.

Ngày 23/9, chia sẻ tại Hội thảo Khởi động Dự án "Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam" do Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương đánh giá, dự án này đáp ứng nhu cầu cấp thiết đang đặt ra của việc nâng cao năng lực trong công tác quản lý, giám sát và vận hành thị trường chứng khoán của ngành chứng khoán Việt Nam.

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN thông tin, dự án của JICA hỗ trợ cho UBCKNN sẽ tập trung vào tăng cường tính minh bạch cho thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường cổ phiếu. Trong đó, cải thiện tiêu chuẩn niêm yết, tiêu chuẩn công bố thông tin; hoàn thiện, giúp UBCKNN hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về công bố thông tin, giám sát niêm yết.

Đồng thời, thúc đẩy quá trình nghiên cứu, đánh giá hồ sơ phát hành, tăng hàm lượng đánh giá định tính thay vì chỉ có định lượng để đáp ứng nhu cầu chung, căn cứ các yêu cầu về công bố thông tin, giám sát chung trên thị trường cổ phiếu Việt Nam.

Lượng công ty thực hiện IPO và niêm yết mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất hạn chế - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo.

Ông Dũng cho biết, tại giai đoạn 2 của Dự án hợp tác với JICA sẽ tập trung vào nâng cao năng lực của cơ quan quản lý bao gồm: các tổ chức trung gian, các tổ chức vận hành, các sở giao dịch chứng khoán và nhận thức của nhà đầu tư.

Vị này đánh giá, việc đảm bảo tính minh bạch trên thị trường cũng như nhà đầu tư nước ngoài, thông tin về quản lý trên thị trường giao dịch, đảm bảo thông tin doanh nghiệp- nơi số vốn của nhà đầu tư ngoại khi được nâng hạng đến đúng thị trường là rất quan trọng.

"Mục tiêu không chỉ dừng ở việc duy trì sự ổn định của thị trường, mà còn duy trì niềm tin của nhà đầu tư ngoại trong bối cảnh nâng hạng, đồng thời thu hút nhà đầu tư mới tham gia, trong đó, nhiều nhà đầu tư chỉ tham gia phân khúc thị trường mới nổi", ông Dũng nhấn mạnh.

Lượng công ty thực hiện IPO và niêm yết mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất hạn chế - Ảnh 2.

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, UBCKNN.

Đề cập đến "bí kíp" để doanh nghiệp niêm yết tiếp cận nguồn vốn xanh từ các tổ chức trong nước, quốc tế, ông Dũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp cần xác định rõ định nghĩa về nguồn vốn "xanh", đồng thời cần đạt những tiêu chuẩn nhất định.

Cụ thể, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho biết, để xác định giữa nguồn vốn, sử dụng vốn đúng mục tiêu thì doanh nghiệp niêm yết phải đáp ứng tiêu chuẩn bao gồm: tiêu chuẩn của ngành và tiêu chuẩn khu vực. Từ đó, tùy theo nhu cầu sử dụng vốn, các doanh nghiệp, dự án muốn tiếp cận nguồn vốn xanh sẽ quyết định khuôn khổ xanh mình lựa chọn là khuôn khổ gì?

Đơn cử, ông Dũng cho biết, với những dự án lớn không chỉ cần sự tham gia không chỉ nguồn vốn, mà còn công nghệ thì doanh nghiệp sẽ lựa chọn nguồn vốn xanh từ khu vực mang lại công nghệ phù hợp với dự án của mình.

"Tựu chung lại, doanh nghiệp cần xây dựng khuôn khổ về tài chính xanh và công cụ tài chính. Nếu muốn phát hành huy động vốn, doanh nghiệp cần xác định kế hoạch giải ngân, triển khai vốn như thế nào để phù hợp", ông Dũng nói.

Một điểm quan trọng đối với doanh nghiệp niêm yết mà ông Dũng lưu ý đó là: Phải công bố thông tin về kế hoạch sử dụng vốn, về quãng đường của sử dụng vốn nhằm đảm bảo số tiền được giải ngân đúng mục tiêu, giúp nhà đầu tư nắm bắt được thông tin.

Qua đó nhà đầu tư tiếp tục tham gia hoạt động của công ty và tạo điều kiện giúp thị trường giao dịch có thông tin cụ thể về giao dịch của khu vực tài chính được kích hoạt, đồng thời tăng thanh khoản cho khu vực tài chính đó.

"Những hoạt động này luôn song hành, bổ trợ lẫn nhau, đảm bảo giữ chân các nhà đầu tư cũ, thu hút thêm các nhà đầu tư mới được cung cấp đầy đủ thông tin. Đặc biệt, đảm bảo mục tiêu chung của quốc gia về trung hòa khí phát thải, đóng góp một phần từ khu vực tư nhân cho tăng trưởng xanh của Việt Nam", ông Dũng khẳng định.

Lượng công ty thực hiện IPO và niêm yết mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất hạn chế - Ảnh 3.

Ông Kojima Kazunobu, cố vấn trưởng (chuyên gia) JICA.

Cùng đề cập đến vấn đề huy động vốn, ông Kojima Kazunobu, cố vấn trưởng (chuyên gia) JICA nhận định, nếu các công ty lớn và các công ty mới nổi có sức hút đầu tư tiến hành huy động vốn qua IPO và niêm yết, một lượng lớn vốn nước ngoài sẽ chảy vào.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, những năm gần đây, lượng công ty thực hiện IPO và niêm yết mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất hạn chế.

Ông Kojima Kazunobu nêu nguyên nhân do quy trình IPO qua đấu giá hiện nay khiến nhà đầu tư nước ngoài khó tham gia. Về vấn đề này, ông hy vọng sẽ một phương thức IPO mới, tương thích với các chuẩn mực quốc tế như bảo lãnh phát hành/dựng sổ sẽ sớm được thiết lập.

Dự án "Nâng cao năng lực về thúc đẩy hiệu quả thị trường chứng khoán Việt Nam" bao gồm 4 cấu phần tương ứng với 4 mục tiêu cụ thể: Tăng cường năng lực giám sát và thanh, kiểm tra thị trường; tăng cường năng lực giám sát để nâng cao chất lượng của các định chế trung gian thị trường (công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ); chào bán cổ phiếu ra công chúng, hệ thống và quản lý niêm yết được tăng cường theo chuẩn mực quốc tế; tăng cường năng lực của các định chế trung gian thị trường. Thời gian thực hiện dự án trong 3 năm, từ tháng 4/2024 – tháng 3/2027.