Dân Việt

Bộ Y tế Thái Lan đề xuất dự luật mới để quản lý chất gây nghiện

Hải Đăng (Thairath) 23/09/2024 19:04 GMT+7
Đây là một bước đi quan trọng của Thái Lan, sau nhiều lần thay đổi chính sách liên quan đến chất này.

Mới đây, Bộ Y tế Thái Lan đã đưa ra một dự luật mới nhằm quản lý việc sử dụng cần sa, trong nỗ lực mới nhất của Chính quyền Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra để kiểm soát việc sử dụng cần sa sai mục đích. Đây là một bước đi quan trọng sau nhiều lần thay đổi chính sách liên quan đến chất này.

Dự thảo luật quy định rằng cần sa hoặc chiết xuất cần sa sẽ được phép sử dụng cho mục đích điều trị y tế và nghiên cứu của các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, cần sa cũng có thể được sử dụng trong các sản phẩm thảo dược, thực phẩm và mỹ phẩm.

Bộ Y tế Thái Lan đề xuất dự luật mới để quản lý chất gây nghiện

Bộ Y tế Thái Lan đề xuất dự luật mới để quản lý chất gây nghiện - Ảnh 1.

Đây là một bước đi quan trọng của Thái Lan, sau nhiều lần thay đổi chính sách liên quan đến chất này. Ảnh: Thairath.

Tuy nhiên, dự luật đưa ra các hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm. Bất kỳ cá nhân nào sử dụng cần sa hoặc chiết xuất cần sa không đúng với các quy định của dự thảo luật sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền lên tới 60.000 Baht, tương đương hơn 1.800 USD.

Ngoài ra, những người bán cần sa hoặc các sản phẩm từ cần sa cho mục đích không được nêu trong dự luật sẽ bị xử phạt với mức án tù tối đa 1 năm hoặc khoản tiền phạt lên tới 100.000 Baht, tương đương hơn 3.000 USD, hoặc cả hai hình thức xử phạt.

Dự luật cũng đề xuất thắt chặt các quy tắc cấp phép liên quan đến việc trồng, bán, xuất khẩu và nhập khẩu cần sa. Các cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến cần sa phải có giấy phép hợp lệ hoặc nộp đơn xin cấp giấy phép mới. Những người không tuân thủ quy định này sẽ bị xử phạt nghiêm khắc, bao gồm cả án tù hoặc tiền phạt nặng.

Bộ Y tế Thái Lan hiện đã mở thời gian để công chúng và các bên liên quan gửi phản hồi về dự luật này, với thời hạn đến ngày 30/9. Sau khi tiếp nhận ý kiến, Bộ Y tế có thể thực hiện các điều chỉnh đối với dự luật trước khi trình lên nội các. Dự luật, sau đó, sẽ phải được Quốc hội phê duyệt trước khi chính thức có hiệu lực.

Bằng việc đưa ra dự luật này, Chính phủ Thái Lan mong muốn cải thiện việc quản lý cần sa, đồng thời ngăn ngừa việc lạm dụng và sử dụng sai mục đích của chất này.