Dân Việt

Cấp bách lo cho dân vùng bão lũ, nhìn từ thông điệp của Thủ tướng: Nhường kế sinh nhai vì Làng Nủ mới (Bài 2)

Hoàng Chiên 24/09/2024 15:04 GMT+7
Chưa khi nào ở khu vực miền núi phía Bắc, tốc độ tái thiết khu dân cư được làm đồng bộ, khẩn trương, quyết tâm như ở Làng Nủ, Nậm Tông, Kho Vàng, để hoàn thiện trước thời hạn Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Tình làng nghĩa xóm ở Làng Nủ

Một ngày sau khi 40 ngôi nhà ở Làng Nủ bị lũ quét cuốn trôi, chị Hoàng Thị Tình, 34 tuổi thấy lực lượng chức năng đến đo dưới mặt đất, flycam bay vù vù trên đồi quế nhà mình. Hỏi qua người nhờ sạc điện máy móc ở nhà mình, chị Tình mới được biết có đơn vị khảo sát làm khu tái định cư.

Cấp bách lo cho dân vùng bão lũ, nhìn từ thông điệp của Thủ tướng: Quyết tâm dựng lại những ngôi làng sau lũ - Ảnh 1.

Người dân thu dọn cây trồng, giao mặt bằng sạch cho Nhà nước để thi công khu tái định cư Làng Nủ. Ảnh: Hoàng Chiên.

Máy móc lớn được đưa vào khu vực thi công, bất chấp việc, chỉ vài ngày trước đó đường vào Làng Nủ chỉ vừa chỗ cho xe ô tô cỡ nhỏ. Cuối tuần qua, khu tái định cư Làng Nủ đã được khởi công. 

"Tôi không nghĩ cơ quan chức năng Nhà nước lại làm nhanh đến vậy, sau 9 ngày xảy ra thảm họa đã khởi công, lại làm nhà sàn to đẹp, dựng cả khu dân cư mới cho người dân trong thôn" – chị Tình ngỡ ngàng sau khi tham dự buổi khởi công.

Cách nhà chị Tình khoảng 300m, cách đây hơn 2 tuần chị Nguyễn Thị Thuyến (33 tuổi) vẫn chăm sóc đồi sim đến kỳ thu hoạch. Đây là nguồn sinh kế cho gia đình vài năm nay. Mỗi năm 3.000 cây sim trên đồi rộng hơn 1ha đem lại cho gia đình chị Thuyến khoảng 200 triệu đồng, đây là sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Bảo Yên.

Sau những cuộc họp từ chiều đến tối muộn ở Nhà văn hóa thôn Làng Nủ, khu vực đồi sim đã được lựa chọn làm địa điểm xây dựng khu tái định cư. 

"Không còn đồi sim, nhường đất, có lẽ tôi đã hy sinh cả tương lai của gia đình mình vì bà con Làng Nủ" – chị Thuyến nói khi đã cùng gia đình bàn bạc, quyết định nhanh chóng nhường đất để xây dựng khu tái định cư.

Ngay khi xác nhận thông tin xây dựng khu tái định cư trên đồi sim là chính xác, chị Thuyến nhấc điện thoại gọi cho người thân, đề nghị hỗ trợ di chuyển được phần nào cây sim trồng ở vị trí mới, hy vọng sau một năm chăm sóc sẽ cho thu hoạch. "Tôi không cần nhận đền bù cũng được, chỉ mong giữ được các gốc sim đã vun trồng nhiều năm qua", chị Thuyến nói.

Ít phút sau các cuộc gọi của chị Thuyến, hàng chục người dân Làng Nủ đến. Người cầm cuốc, người vác thuổng, hông đeo dao, cùng nhau lên đồi sim, chặt cành, cuốc rễ, khiêng cả bầu đất đến trồng ở vị trí mới.

Cấp bách lo cho dân vùng bão lũ, nhìn từ thông điệp của Thủ tướng: Quyết tâm dựng lại những ngôi làng sau lũ - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng bay flycam khảo sát địa hình khu vực đồi sim. Ảnh: CTV.

Nhìn quanh đồi sim đang ra hoa tím ngắt, hứa hẹn một vụ sim bội thu, chị Thuyến ngấn lệ: "Tiếc lắm, công sức của 6 năm, nhưng vì bà con dân bản, mong bà con sớm có nhà để ở nên tôi chấp nhận".

Ông Nguyễn Xuân Thịnh, 58 tuổi là bố của chị Thuyến, cho biết gia đình đã nhường hơn 2ha đất đang canh tác, là tư liệu sản xuất, là nguồn sinh kế chính của gia đình. 

Khi đoàn công tác của huyện Bảo Yên đến vận động, ông Thịnh chẳng cần suy nghĩ: "Tôi hết mình ủng hộ nhà nước xây dựng khu tái định cư cho bà con dân bản".

Còn các hộ dân trồng quế, keo, bồ đề, sắn cũng sẵn sàng hy sinh vật chất của gia đình vì "tình làng nghĩa xóm, chúng tôi đồng ý, chúng tôi may mắn còn có người thân trong gia đình, còn họ thì…".

67 người chết và mất tích ở Làng Nủ, đó là sự "hy sinh" rất lớn lao của người dân. Khi nhà nước thu hồi đất làm khu tái định cư, 6 hộ dân, hàng chục nhân khẩu của Làng Nủ tiếp tục "hy sinh" vì dân làng. Họ nhường đất sản xuất cũng là nhường kế sinh nhai, để hồi sinh Làng Nủ ở chính nơi họ đang sống, với phương châm "còn người còn Làng Nủ".

Tận dụng từng giây từng phút thi công khu tái định cư Làng Nủ

Các công việc được tỉnh Lào Cai, huyện Bảo Yên và người dân địa phương tiến hành với tốc độ "chưa từng có". 

Chập choạng tối, khoảng 18h30 ngày 19/9, các cơ quan chức năng có mặt tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn La, thôn Làng Nủ để mời các hộ dân thuộc diện hỗ trợ đến nhận tiền đền bù. Bên ngoài, một bộ phận khác tiến hành kiểm đếm, hoàn thiện hồ sơ. 

Khi đàn gà nháo nhác bay lên cây vải trước nhà ông Nguyễn Văn La để tìm chốn ngủ, là lúc cơ quan chuyên môn đặt chiếc máy đếm tiền xuống sàn nhà, chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng ngay lập tức cho người dân.

Biên bản làm việc để trên chiếc hòm bằng gỗ điền thông tin, từng hộ dân lần lượt ký nhận.

Dù chưa hoàn thiện 100% thủ tục, người dân vẫn được nhận hỗ trợ đền bù trước khoảng 80% tổng số tiền. Người ít thì vài chục triệu đồng, người có nhiều tài sản được bồi thường 2 tỷ đồng.

Chỉ sau 30 phút làm việc, khi những nét bút cuối cùng người dân ký vào biên bản làm việc với đại diện Phòng TNMT huyện Bảo Yên, trên đồi sim, hai chiếc máy xúc nổ máy, hạ gầu san gạt mặt bằng ngay trong đêm.

Cấp bách lo cho dân vùng bão lũ, nhìn từ thông điệp của Thủ tướng: Quyết tâm dựng lại những ngôi làng sau lũ - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng cùng người dân xem xét địa hình khu đồi sim qua thiết bị flycam. Ảnh: CTV

Ông Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên có mặt tại điểm thanh toán tiền đền bù cho người dân, chia sẻ: "Máy móc thực hiện công việc san gạt trong đêm, ngay sau khi người dân nhận tiền hỗ trợ đền bù và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công". 

Ông H.V.T ngước nhìn đồi quế sau nhà, ánh trăng ngày rằm soi rọi, vài ngày sau, đồi quế nhà ông không còn, thay vào đó là một phần Làng Nủ mới sẽ hình thành, một cuộc sống mới đến với bà con.

"Tôi vừa nhận 60 triệu đồng trước, đất đã bàn giao cho Nhà nước xây dựng khu tái định cư Làng Nủ. Mong bà con sớm ổn định cuộc sống, hướng tới tương lai" – ông T chỉ tay lên quả đồi sau nhà bày tỏ mong muốn.

Có mặt cùng lúc với người dân ở gần nơi xây dựng khu tái định cư, ông Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ sau một ngày mệt nhoài với "việc nước" thể hiện sự quyết tâm: "Chúng tôi sẽ nỗ lực, quyết tâm cùng đơn vị thi công sớm hoàn thiện khu tái định cư".

Hình ảnh vị trưởng thôn khuất sau khúc cua vào làng. Lúc này Làng Nủ mới bắt đầu được xây dựng sau 9 ngày xảy ra sạt lở, lũ quét kinh hoàng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, sự đồng lòng, nghĩa tình tương thân tương ái của bà con Làng Nủ. Tất cả cùng hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn ở vùng đất này.

Cấp bách lo cho dân vùng bão lũ, nhìn từ thông điệp của Thủ tướng: Quyết tâm dựng lại những ngôi làng sau lũ - Ảnh 4.

Bà con Làng Nủ ủng hộ việc xây dựng tái thiết khu dân cư Làng Nủ. Ảnh Hoàng Chiên.

Sau buổi khởi công, sáng nay (24/9), nhiều người dân Làng Nủ đang đổi công nhau cưa cây, bóc vỏ quế đem bán. 

"Cây nào bán được mình bán có thêm chút ít, cây nhỏ thì đem về làm củi đun sưởi ấm khi mùa đông đến" - chị Lục Thị Chương, người dân Làng Nủ nói. Bà con dọn sạch đến đâu máy xúc, máy ủi làm mặt bằng đến đó.

48 giờ vận động, kiểm đếm, hỗ trợ bàn giao mặt bằng

Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi đến hiện trường vụ sạt lở để động viên, khích lệ, kiểm tra công tác khắc phục sau sạt lở, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng: "Đây là sự quan tâm hết sức lớn lao của Đảng và Nhà nước đối với tỉnh Lào Cai nói chung và Làng Nủ nói riêng".

"Với những khó khăn, mất mát đau thương, trong thời gian vừa qua, cấp ủy chính quyền địa phương và nhân dân thể hiện đoàn kết, thống nhất, chúng ta đã từng bước khôi phục, sắp sếp, ổn định cuộc sống cho người dân Làng Nủ" – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nêu quyết tâm.

Cấp bách lo cho dân vùng bão lũ, nhìn từ thông điệp của Thủ tướng: Quyết tâm dựng lại những ngôi làng sau lũ - Ảnh 5.

Chiều 21/9, UBND tỉnh Lào Cai và Đài truyền hình Việt Nam đã khởi công xây dựng, tái thiết khu dân cư Làng Nủ , xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Ảnh Hoàng Chiên.

Từ sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, tỉnh Lào Cai đã phối hợp đồng bộ của các cấp, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học mỏ địa chất và các chuyên gia cùng bà con nhân dân Làng Nủ khảo sát, lựa chọn vị trí, tất cả bà con nhân dân đều đồng tình về quy hoạch, phương án thiết kế nhà.

Khoảng 5 giờ chiều 15/9, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai có mặt ở Làng Nủ, cùng đoàn công tác đi bộ lên đồi, đến những nơi dự kiến xây dựng khu tái định cư, xem kỹ ảnh vệ tinh, bản đồ, rồi ảnh hiện trường do thiết bị bay chụp lại.

Đứng ở nơi dự kiến xây dựng khu tái định cư, nhìn về phía vệt sạt trượt từ đỉnh núi Voi xuống Làng Nủ, ông Trịnh Xuân Trường – Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định: "Làng Nủ đã mất đi một phần, tỉnh sẽ quyết tâm xây dựng Làng Nủ mới tốt hơn, an toàn hơn cho người dân".

Tối cùng ngày, cuộc họp với người dân Làng Nủ diễn ra. Tại hội trường thôn, hàng chục người dân tham gia cuộc họp giơ tay "đồng ý, ủng hộ xây dựng khu tái định cư trên đồi sim" vì ở trên cao và cách xa suối. Nơi này hiện trường sạt lở khoảng 2km, đủ các điểu kiện để xây dựng cơ sở hạ tầng và đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất : an toàn.

Cấp bách lo cho dân vùng bão lũ, nhìn từ thông điệp của Thủ tướng: Quyết tâm dựng lại những ngôi làng sau lũ - Ảnh 6.

Khu tái định cư Làng Nủ giai đoạn I được xây dựng trên diện tích khoảng 10ha; sắp xếp khoảng 1.000 m2/hộ; 40 nhà ở được xây dựng 2 tầng (diện tích 8x12m), thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày cùng các công trình phụ trợ như bếp, nhà vệ sinh….

Sáng 18/9, khi đoàn khảo sát, đo đạc quy hoạch vẫn đang tiếp tục làm nhiệm vụ trên đồi sim, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên, UBND xã Phúc Khánh đã đến tận nhà dân, những hộ có đất thuộc diện phải thu hồi làm khu tái định cư vận động, bàn giải pháp hợp tình, hợp lý để hỗ trợ đền bù cho người dân. 

Ông Hoàng Hồng Mạnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh đại diện cho chính quyền xã Phúc Khánh đến từng hộ dân để vận động bà con chung tay ủng hộ Nhà nước thực hiện khu tái định cư nhanh nhất cho bà con bị thiệt hại sau lũ.

"Hôm nay vận động, xin ý kiến 6 hộ dân, rất vui cả 6 hộ đều đồng ý, nhất trí, với tổng diện tích dự kiến thu hồi khoảng 10ha. Với tinh thần tương thân tương ái trong lúc khó khăn, người dân rất ủng hộ" – ông Mạnh vui mừng nói.

Với các hộ dân Nguyễn Văn Hải, Hoàng Ngọc Cường, Nguyễn Xuân Thịnh, Nguyễn Văn La… và một số hộ dân chưa tách hộ là con của các chủ hộ đang canh tác trên đất của bố mẹ cũng được địa phương mời đến tham khảo ý kiến bởi có tài sản trên đất.

Là người trực tiếp tham gia vận động và kiểm kê tài sản cho bà con, ông Trần Trung Kiên, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên (Lào Cai) cho biết: "Sau một ngày làm việc, chúng tôi tạm thời xác định có 6 hộ trong phạm vi sẽ thu hồi đất, người dân rất đồng tình ủng hộ, theo chỉ đạo của UBND tỉnh giai đoạn 1 ít nhất là giải phóng mặt bằng 10ha".

Cấp bách lo cho dân vùng bão lũ, nhìn từ thông điệp của Thủ tướng: Quyết tâm dựng lại những ngôi làng sau lũ - Ảnh 7.

Máy móc, thiết bị sẵn sàng hoạt động san gạt sau lễ khởi công tái thiết Làng Nủ. Ảnh: Hoàng Chiên.

"Khi có ranh giới, có sự đồng thuận cao của người dân, chúng tôi phấn đấu trong hai ngày kiểm kê, đền bù xong cho người dân để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công" - ông Kiên khẳng định.

Lời khẳng định của ông Trần Trung Kiên sau 48 giờ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đã thành sự thật. Có mặt bằng, buổi khởi công tái thiết khu dân cư Làng Nủ đã được tiến hành cuối tuần qua.

Sau buổi khởi công không hoa, không thảm đỏ, bà con Làng Nủ cùng lãnh đạo địa phương di chuyển đến hỗ trợ 25 hộ dân có nhu cầu tạm cư vận chuyển đồ dùng vào nơi ở tạm. 

Biết tin, hàng chục người dân thôn Chiềng 2, xã Lương Sơn, những người cùng uống chung dòng nước chảy từ núi Voi cũng đến giúp kê giường, dọn dẹp phòng ở, động viên nhau vơi đi sự đau thương, mất mát. 

Khi mặt trời lặn sau đỉnh núi Voi, là lúc sáng đèn ở khu tạm cư Làng Nủ. Phía sau, trên đỉnh đồi sim, những chiếc máy xúc, xe lu miệt mài xuyên đêm xây dựng ngôi làng mới. Ngày mai tươi sáng sẽ đến,  một ngôi làng bình an đem lại an toàn, thịnh vượng cho người dân Làng Nủ sẽ thành hình trong vài tháng nữa.

Còn nữa.