Dân Việt

Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ thay đổi phân hạng giáo viên: Giáo viên có ý kiến gì?

Tào Nga 24/09/2024 12:58 GMT+7
Theo dự thảo Luật Nhà giáo, chức danh nhà giáo mầm non, phổ thông dự kiến sẽ được phân loại khác và không còn chia theo hạng I, II, III như hiện hành.

Dự thảo Luật Nhà giáo: Thay đổi xếp hạng giáo viên

Dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ GDĐT lấy ý kiến và dự kiến sẽ được đưa ra Quốc hội bàn luận, góp ý vào kỳ họp tháng 10/2024. Theo quy định hiện hành, giáo viên đang được chia thành các hạng I, II, III áp dụng với giáo viên là viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Tương ứng với các hạng, giáo viên sẽ có mức lương khác nhau.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Nhà giáo (lần 3) đã không còn nhắc đến hạng I, II, III trong chức danh nghề nghiệp.

Điều 14 dự thảo Luật Nhà giáo quy định, chức danh nhà giáo bao gồm giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông, giáo viên dự bị đại học, giáo viên giáo dục thường xuyên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp, giảng viên cao đẳng sư phạm, giảng viên giáo dục nghề nghiệp, giảng viên đại học.

Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ thay đổi phân hạng giáo viên: Giáo viên có ý kiến gì?- Ảnh 1.

Giáo viên và học sinh Hà Nội hân hoan trong ngày tựu trường năm học mới. Ảnh: Tào Nga

Mỗi chức danh nhà giáo được phân hạng như sau:

Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp.

Trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp (bao gồm cả giáo sư, phó giáo sư).

Chức danh nhà giáo là căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục xác định vị trí việc làm, số lượng người làm việc; thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo.

Việc bổ nhiệm, xét chuyển chức danh nhà giáo thực hiện như sau:

Nhà giáo được bổ nhiệm vào chức danh giáo viên, giảng viên hoặc trợ giảng sau khi được tuyển dụng theo quy định.

Nhà giáo được bổ nhiệm hạng chức danh cao hơn liền kề khi được đánh giá đạt tiêu chuẩn của hạng chức danh cao hơn liền kề hạng chức danh đang giữ.

Người có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, giáo dục và có nhiều thành tích trong hoạt động nghề nghiệp được cơ sở giáo dục xem xét đặc cách bổ nhiệm hạng chức danh cao hơn.

Nhà giáo của cơ sở giáo dục đại học được xét công nhận đạt tiêu chuẩn và được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định của Luật Giáo dục thì được bổ nhiệm đặc cách chức danh giảng viên cao cấp.

Trường hợp nhà giáo khi chuyển cơ sở giáo dục mà chức danh nhà giáo đang giữ không phù hợp với vị trí việc làm ở cơ sở giáo dục mới thì được xét chuyển chức danh.

Cùng với đó, tại dự thảo Luật Nhà giáo có nội dung quy định về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo.

Nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được hưởng lương và phụ cấp như sau: Lương theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất trong các ngành, lĩnh vực được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề; Phụ cấp khác theo quy định của pháp luật.

Ủng hộ không phân hạng giáo viên

Theo thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM nhận xét: "Việc không phân giáo viên làm 3 hạng là đúng. Bởi vì, nhiệm vụ của giáo viên được quy định rất rõ trong Luật Giáo dục là giảng dạy và giáo dục học sinh. 

Ví dụ, giáo viên được đào tạo ngành Toán thì dạy môn Toán, ngành Ngữ văn thì dạy môn Ngữ văn. Cùng với đó là công việc kiêm nhiệm giáo viên chủ nhiệm chẳng hạn. Như vậy, cơ bản giáo viên cùng làm nhiệm vụ giống nhau, việc phân hạng là bất cập. Chưa kể, giáo viên được thăng hạng nhưng họ không làm nhiệm vụ ở hạng cao hơn thì cũng không bị xuống hạng. Ngược lại, giáo viên chưa được thăng hạng nhưng dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi nhưng vẫn hưởng lương ở hạng thấp hơn là vô lý.

Tuy nhiên, tôi có điều băn khoăn rằng, dự thảo Luật Nhà giáo quy định: giáo viên, giáo viên chính thì bản chất có phải giống giáo viên hạng III, II, I hay không?".

Cô Nguyễn Thu Hà, một giáo viên ở Hà Nội cũng bày tỏ: "Hiện nay, giáo viên Mầm non, phổ thông (Tiểu học, THCS, THPT) trong các trường học đang được chia thành 3 hạng là hạng I, II và hạng III. Hạng khác nhau, dẫn đến tiền lương nhận được cũng khá chênh lệch nhau. Chính điều này làm nhiều giáo viên tâm tư và tạo ra bức xúc trong môi trường giáo dục, ảnh hưởng đến công tác giảng dạy và giáo dục học sinh trong nhà trường".

Chia sẻ với báo chí, TS. Trịnh Thị Xim, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho hay: "Dự thảo Luật Nhà giáo lần này đã có những quy định cụ thể, đầy đủ nhằm tạo điều kiện để nhà giáo thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đồng thời bảo vệ nhà giáo, như: Định danh nhà giáo; quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; những hành vị bị nghiêm cấm cùng với các quy đinh về xử lý vi phạm…

Trong dự án Luật Nhà giáo này, tôi đặc biệt quan tâm đến toàn bộ nội dung về chính sách cho nhà giáo như: Vấn đề liên quan đến tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo; các chính sách hỗ trợ nhà giáo dưới nhiều hình thức khác nhau… Đặc biệt là chính sách để thu hút người giỏi vào làm công tác giảng dạy, cống hiến cho ngành giáo dục, bởi chất lượng đội ngũ nhà giáo là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Kết quả của đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo".