Theo báo cáo Data Center & Cloud Infrastructure Summit, tổng dung lượng thị trường lĩnh vực Data Center (trung tâm dữ liệu) đạt khoảng 321 tỷ USD năm 2024, với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3%. Tại Việt Nam, dự báo những năm tới sẽ có sự bùng nổ về Data Center với quy mô đạt 1,27 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8%...
Thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam hiện do các công ty viễn thông trong nước như VNPT, Viettel IDC, FPT Telecom và CMC Telecom thống trị với 97% thị phần. Tuy nhiên, thời gian gần đây bắt đầu có sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế.
Một số dự án tiêu biểu như trung tâm dữ liệu công suất 20MW của Gaw Capital tại khu công nghệ cao TP.HCM. Dự án công suất 30MW của Worldwide DC Solution và dự án hợp tác giữa gã khổng lồ viễn thông Nhật Bản NTT với DQ Tek.
Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Hyosung Hàn Quốc cho biết, công ty đang có nhu cầu đầu tư một trung tâm dữ liệu lớn ở khu công nghệ cao TP.HCM.
Trước Hyosung không lâu, Alibaba cho biết cũng đang lên kế hoạch rót hàng tỷ USD để xây dựng một trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Ngoài ra, Luật Viễn thông 2023 sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2025 được kỳ vọng sẽ cung cấp một khung pháp lý có cấu trúc chặt chẽ hơn với các định nghĩa và hướng dẫn rõ ràng cho các dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây dưới dạng dịch vụ viễn thông.
Với cách tiếp cận quản trị linh hoạt, Luật Viễn thông 2023 được kỳ vọng sẽ cung cấp một khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của ngành, có khả năng thu hút thêm đầu tư nước ngoài với việc tự do hóa các điều kiện tiếp cận thị trường.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng sự bùng nổ của trung tâm dữ liệu được thúc đẩy bởi quá trình số hóa, việc áp dụng điện toán đám mây, các dịch vụ sử dụng dữ liệu cao, sự phát triển của mạng 5G, mạng lưới thiết bị kết nối Internet, và các chính sách quy định yêu cầu lưu trữ dữ liệu tại địa phương.
"Chính phủ đang tăng tốc trong quá trình chuyển đổi số, với các sáng kiến nhằm định hướng đất nước trở thành một trung tâm số quan trọng trong khu vực. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu chuyển đổi 50% doanh nghiệp sang nền tảng số vào năm 2025. Kết nối 5G của Việt Nam cũng hỗ trợ triển khai các trung tâm dữ liệu biên và cung cấp kết nối đến người dùng cuối cùng với độ trễ thấp hơn", ông Liên nói.
"Việt Nam đang ở vị trí ưu tiên trong danh sách các quốc gia mà nhà đầu tư và nhà vận hành đang tìm hiểu khi xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường. Nhờ có vị trí địa lý chiến lược cùng các chính sách kinh tế năng động, dân số trẻ am hiểu công nghệ và nhu cầu hóa dữ liệu, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đang có nhiều tiềm năng ở châu Á".
Tuy nhiên làn sóng từ các trung tâm dữ liệu mới có thể tạo ra thách thức cho việc sử dụng điện. "Các lĩnh vực như sản xuất chip, trí tuệ nhân tạo vốn tiêu thụ nhiều điện sẽ gây áp lực lên mạng lưới điện hiện tại. Vì thế việc nâng cấp mạng lưới điện là rất cấp thiết", Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn e ngại bởi tình trạng thiếu điện, các ưu đãi đầu tư chưa thực sự hấp dẫn và cơ sở hạ tầng internet còn yếu, phụ thuộc vào một số tuyến cáp ngầm cũ.
"Dù thị trường trung tâm dữ liệu rất hấp dẫn, nhưng đang đứng trước áp lực về giảm lượng khí thải carbon. Thực tế, thị trường trung tâm dữ liệu đã tiêu tốn một lượng năng lượng lớn hằng năm. Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn khi xây dựng thị trường trung tâm dữ liệu xanh. Các rào cản lớn đối với các nhà cung cấp là cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cho loại hình này chưa có", ông Liên chia sẻ.