Dân Việt

Cần Giờ đào tạo nghề chuyên nghiệp cho lao động làng nghề

Tịnh Tâm 25/09/2024 06:00 GMT+7
Nhằm hỗ trợ đào tạo đội ngũ nông dân chuyên nghiệp trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, UBND huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã triển khai Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện, giai đoạn 2023-2025, trong đó có lao động làng nghề.

Định hướng ngành nghề đào tạo của kế hoạch là đào tạo các nghề để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, đề án mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì như bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam tại Quyết định số 801 của Thủ tướng Chính phủ…

Theo đó, trong giai đoạn 2023-2025, huyện Cần Giờ đào tạo nghề cho 850 lao động nông thôn làm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu lao động cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Cần Giờ. Trong đó, tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.

Trước đó, UBND TP.HCM có công văn gởi các sở ngành, TP.Thủ Đức, quận, huyện trên địa bàn về triển khai thực hiện Quyết định số 801 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Cần Giờ đạo tạo nghề chuyên nghiệp cho lao động làng nghề - Ảnh 1.

Thu hoạch muối tại Làng nghề làm muối Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: T.Đ

Theo đó, UBND TP.HCM đã giao UBND TP.Thủ Đức và UBND các quận, huyện chỉ đạo rà soát, sắp xếp lại các làng nghề, làng nghề truyền thống phù hợp với các quy hoạch của địa phương theo quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, xây dựng các quy định pháp luật liên quan, đảm bảo đủ mặt bằng phục vụ sản xuất, bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, nghiên cứu kế hoạch đầu tư, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất; phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh sản phẩm nghề nông thôn, làng nghề nhằm nâng cao giá trị gia tăng theo chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Cùng với đó, xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và các quy hoạch có liên quan.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề; chú trọng đào tạo cho người lao động tại các làng nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia làng nghề được nâng cao trình độ kỹ năng nghề, vệ sinh an toàn lao động, kiến thức công nghệ thông tin cơ bản…