“Đánh thức” Làng nghề trồng mai xã Tân Tây để làm du lịch nông thôn
“Đánh thức” Làng nghề trồng mai xã Tân Tây để làm du lịch nông thôn
Trần Cửu Long
Thứ bảy, ngày 14/09/2024 14:08 PM (GMT+7)
Trong khi Làng nghề trồng mai xã Bình Lợi (TP.HCM) đang chờ TP xem xét, công nhận là làng nghề, thì bà con Làng nghề trồng mai xã Tân Tây (Long An) đã triển khai làm đề án du lịch nông thôn.
Làng nghề trồng mai xã Tân Tây được UBND tỉnh Long An quyết định công nhận từ tháng 7/2020. Đến tháng 9/2023, UBND tỉnh Long An quyết định triển khai Đề án phát triển Làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn với phát triển du lịch đến năm 2030. Hiện nay, bà con Làng nghề trồng mai xã Tân Tây đang làm du lịch nông thôn.
Làng nghề trồng mai xã Tân Tây làm du lịch nông thôn
Theo Đề án, Làng nghề trồng mai xã Tân Tâyphấn đấu xây dựng các điểm du lịch nông thôn, đến năm 2025 có ít nhất 10 hộ và đến năm 2030 có ít nhất 20 hộ tham gia chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch tại làng nghề với các dịch vụ như lưu trú, câu cá, làm mai kiểng, đờn ca tài tử, ăn uống, xe, xuồng chở khách, chụp ảnh,...
Ông Huỳnh Văn Thủy (ấp 4, xã Tân Tây) tận dụng vườn trồng mai sẵn có phát triển du lịch nông thôn với mô hình dịch vụ du lịch có tên "Ba Thủy Trăm Điều Mai". Đây là mô hình dịch vụ du lịch đầu tiên tại Làng nghề trồng mai xã Tân Tây.
Mô hình trồng mai gắn với du lịch nông thôn của ông Thủy được kết hợp hài hòa giữa cảnh quan sinh thái thiên nhiên hiện hữu, xây dựng các sản phẩm trải nghiệm gắn với khai thác các giá trị tự nhiên, văn hóa cộng đồng, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong làng nghề.
Hiện, địa điểm du lịch nông thôn này thu hút khá nhiều lượt khách trong và ngoài địa phương đến tham quan, trải nghiệm.
Cũng như ông Thủy, ông Trần Văn Phước (ấp 4, xã Tân Tây) đã xây dựng điểm du lịch nông thôn kết hợp với karaoke hát với nhau trên khu vườn trồng mai rộng 2ha đất.
Hiện, ông Phước đang đầu tư xây dựng thêm các khu nhà sàn trên các kênh đào trong vườn mai để thu hút du khách.
"Để chuẩn bị đón khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đang tập trung xây dựng các cảnh quan. Bên cạnh đó, xây dựng thêm một số khu nhà sàn để khách ở xa đến có nơi lưu trú", ông Phước thổ lộ.
Hiện, xã Tân Tây có hơn 400 ha mai vàng với gần 300 hộ dân chuyên trồng mai. Trung bình, mỗi hộ thu về lợi nhuận hơn 600 triệu đồng/ha/năm.
Khai thác sức mạnh cộng đồng Làng nghề trồng mai xã Tân Tây
TS. Ngô Thị Thu Trang, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn Saemaun Undong, Trường ĐHKHXH và NV, ĐHQG – HCM cho biết, hiện cái khó khăn nhất của bà con Làng nghề trồng mai xã Tân Tây là không biết làm du lịch nông thôn, bắt đầu như thế thế nào?
"Như vậy, rất cần chuyên gia, nhà khoa học cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương hỗ trợ bà con làm du lịch nông thôn", TS. Trang chia sẻ.
Theo TS. Trang, đây là mô hình du lịch khác với điểm dịch vụ đơn lẻ. Bà con cùng làm du lịch thì phải được hưởng, cùng bảo vệ sản phẩm và thương hiệu du lịch làm ra, như trực tiếp từ cây mai, và tour, tuyến gắn với sản phẩm ẩm thực…
Ngoài ra, bà con còn tham gia gián tiếp trong việc làm du lịch, như tạo cảnh quan cho du khách checking, giới thiệu sản phẩm làng nghề.
TS. Trang cho rằng, cơ chế quản lý sẽ quyết định để duy trì và phát triển du lịch làng mai. Bởi. du lịch nông thôn không đơn thuần là việc mỗi cá thể phát triển bền vững mà phải là sức mạnh cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.