Hiện tượng nhiều cầu thủ đang chơi ở giải V.League xuống chơi cho giải đấu thấp hơn, giải Hạng nhất quốc gia đã có từ trước, nhưng nó chỉ thực sự được truyền thông để ý đến khi ngôi sao Nguyễn Công Phượng, cầu thủ Việt Nam cuối cùng trong giai đoạn này đang thi đấu ở nước ngoài, về nước đầu quân cho CLB đang thi đấu ở giải hạng nhất, CLB Trường Tươi Bình Phước.
Thoạt tiên, người ta so sánh rằng, tuy cấp độ khác nhau, nhưng những diễn biến kiểu này ở bóng đá Việt Nam, như Công Phượng xuống giải Hạng nhất thi đấu không khác gì Messi về Inter Miami hay Ronaldo về đá cho Al Nassr. Họ là những ngôi sao, nhưng đã nhiều tuổi và qua đỉnh cao phong độ. Việc họ về thi đấu ở 1 giải đấu ít khắc nghiệt hơn không chỉ giúp họ duy trì mức thu nhập cao, mà còn giúp họ được chơi bóng, giúp họ thỏa mãn nhu cầu được tỏa sáng, cho dù đó có là sân khấu nhỏ hơn.
Nhưng khi đi theo xu hướng này có cả các cầu thủ đang ở độ chín của sự nghiệp, đang trong danh sách ĐTQG thì lại là câu chuyện khác. Tân binh CLB Thanh Niên TP.HCM sau khi thăng hạng đã chiêu mộ rất nhiều ngôi sao tên tuổi ở V.League như Đặng Văn Lâm, Đỗ Thanh Thịnh, Nguyễn Hữu Tuấn, Đỗ Văn Thuận, Mạch Ngọc Hà, Đinh Thanh Bình, Lê Minh Bình, Phạm Văn Thành… PVF-CAND cũng không kém cạnh khi đưa về các gương mặt đáng chú ý như cựu tiền vệ ĐT Việt Nam Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Văn Dũng, Ryan Hà, Martin Lò, Lê Ngọc Bảo và Trần Ngọc Sơn… Trường Tươi Bình Phước thi trước khi kích hoạt "bom tấn" Công Phượng đã chiêu mộ một loạt tên tuổi như Sầm Ngọc Đức, Lê Thanh Bình, Hồ Sỹ Giáp, Hồ Tuấn Tài… Trước một hiện tượng như vậy, câu hỏi mà NHM đặt ra sẽ là: Lý do gì dẫn tới xu hướng này? Và xu hướng đó là tích cực hay tiêu cực? Hay nói cách khác, hiện tượng có nhiều cầu thủ hạng A xuống thi đấu cho giải hạng dưới là có lợi hay không có lợi cho bóng đá Việt Nam?
Lý do lớn nhất giải thích cho xu hướng này đương nhiên bắt nguồn từ nhu cầu của các CLB. Những đội bóng có tham vọng và năng lực tài chính như CLB Thanh Niên TP.HCM, PVF-CAND, Trường Tươi Bình Phước… có nhu cầu hiện thực hóa tham vọng của mình, mà việc dễ thấy nhất chính là động thái chiêu nạp các cầu thủ tài năng, nhằm tăng cường sức mạnh, khả năng cạnh tranh của đội bóng. Mặt khác, rõ ràng việc có những cái tên uy tín như vậy trong danh sách thi đấu sẽ giúp cho đội bóng thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các fan hâm mộ, giúp người xem đến sân đông hơn, và qua đó góp phần thỏa mãn đòi hỏi của các nhà tài trợ tài chính cho đội bóng.
Về phía các cầu thủ, không ai hiểu rõ hơn họ rằng cuộc đời thi đấu đỉnh cao của 1 cầu thủ bóng đá là không dài. Đến với 1 đội bóng trọng dụng họ trong từng trận đấu, vẫn được nhận mức lương cao cùng 1 khoản lót tay hậu hĩnh đôi khi tốt hơn việc tiếp tục thi đấu ở giải đấu cao nhất nhưng thường xuyên phải lo cạnh tranh suất đá chính. Mặt khác, điều này cũng không cản trở nhiều con đường đến với ĐTQG của các cầu thủ, khi chúng ta chứng kiến trong những năm gần đây, có khá nhiều cầu thủ đang thi đấu ở giải Hạng Nhất được gọi vào ĐTQG.
Nhưng vấn đề quan trọng hơn đó là, xu hướng chuyển dịch cầu thủ này có lợi hay không có lợi cho nền bóng đá Việt Nam?
Như chúng ta đều biết, có nhiều yếu tố quyết định đến chất lượng của 1 giải đấu, nhưng một trong các yếu tố quan trọng nhất đó là chất lượng các cầu thủ thi đấu trong giải đấu đó. Việc có nhiều cầu thủ V.League về đá cho giải Hạng Nhất chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng giải đấu này. Điều này làm cho giải Hạng Nhất Quốc gia trở nên hấp dẫn hơn.
Mùa bóng 2024/2025, giải Hạng Nhất Quốc gia chỉ có 11 đội bóng tham gia. Một trong các lý do làm cho giải Hạng Nhất Quốc gia không có nhiều đội bóng tham gia chính là tính hấp dẫn của nó kém. Việc tăng tính hấp dẫn của giải đấu này về lâu dài sẽ giúp cho giải đấu có nhiều đội tham gia hơn. Giải đấu càng hấp dẫp, càng có nhiều đội tham gia thì cơ hội được ra sân thi đấu của các cầu thủ Việt Nam, cả ở V.League lẫn giải Hạng Nhất Quốc gia sẽ càng nhiều lên. Mà theo quy luật, số "giờ bay" của 1 cầu thủ là 1 trong những yếu tố quyết định chất lượng của cầu thủ đó.
Tóm lại, đối với nền bóng đá quốc gia, xu hướng các cầu thủ chất lượng của V.League về đá cho bóng đá cho giải Hạng Nhất là xu hướng có lợi. Nó giúp nâng cao chất lượng giải Hạng nhất, nâng cao chất lượng cầu thủ của cả giải đấu này lẫn V.League. Điều này cũng giúp cho chất lượng ĐTQG được nâng lên khi đội bóng có nhiều sự lựa chọn cầu thủ hơn.