Dân Việt

Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh: Phá dỡ 30.360 ngôi chùa, khiến gần 1 triệu tăng ni phải hoàn tục

PV 24/09/2024 20:37 GMT+7
Khi Hậu Chu Thế Tông kế vị sang năm thứ 2, vào tháng 5/955, ông đã xuống chiếu phá hủy chùa thờ Phật. 30.360 ngôi chùa bị phá dỡ và gần 1 triệu tăng ni bị ép phải hoàn tục.

Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh và chính sách "diệt Phật"

Là người hùng tài đại lược, được ca ngợi là đệ nhất minh quân thời kỳ Ngũ Đại, Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh đã cải cách toàn diện, mở mang bờ cõi, đánh không trận nào không thắng, thế nhưng ông cũng để lại tiếng xấu khi nằm trong nhóm "Tam vũ diệt Phật", tức là 3 hoàng đế Trung Hoa đã thẳng tay loại bỏ ảnh hưởng của phật giáo đối với đời sống xã hội...

Khi Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh kế vị sang năm thứ 2, vào tháng 5/955, ông đã xuống chiếu phá hủy chùa thờ Phật. Phật Pháp, chùa chiền trong toàn cõi, ngoại trừ những ngôi chùa có hoàng đế đề chữ ra có thể giữ lại, mỗi huyện chỉ được giữ lại một ngôi chùa, còn lại phá hủy hết. Toàn Hậu Chu tổng cộng phá dỡ 30.360 ngôi chùa, phá hủy tượng Phật để đúc tiền, gần 1 triệu tăng ni bị ép phải hoàn tục.

Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh: Phá dỡ 30.360 ngôi chùa, khiến gần 1 triệu tăng ni phải hoàn tục - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh.

Những niên đại Phật Pháp hưng thịnh, rất nhiều người không dám hủy hoại tượng Phật. Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh nói: "Phật là Phật, tượng là tượng. Phật thì ngay cả mắt, thịt trên thân mình còn có thể thí xả nữa là đập tượng Phật đúc tiền, Phật cũng sẽ đồng ý thôi".

Chùa Đại Bi ở Trấn Châu (huyện Chính Định, Thạch Gia Trang, Hà Bắc ngày nay) có tượng Bồ Tát Quán Âm lớn bằng đồng rất được tôn kính, không ai dám động đến. Thế nhưng Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh đích thân dùng búa lớn bổ vào phần ngực tượng Bồ Tát. Thống soái Cấm quân là Triệu Khuông Dận 28 tuổi (sau này là Tống Thái Tổ) và em trai là Triệu Khuông Nghĩa 16 tuổi (sau này là Tống Thái Tông) đang đứng ở một bên đã chứng kiến đoạn lịch sử này.

Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh sau đó hỏi Vương Phác là người tinh thông thuật số: "Trẫm có thể sống bao nhiêu năm?" Vương Phác trả lời: "30 năm sau thì không biết được". Hậu Chu Thế Tông lầm tưởng rằng còn có thể sống 30 năm nữa, rất vui mừng. Nhưng Vương Phác có ngụ ý khác, Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh tại vị chỉ 5 năm 6 tháng (thọ 38 tuổi).

Năm 959, Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh dẫn đại quân đánh U Châu, những thành lũy dọc biên giới của Khiết Đan đều bị công hạ nhanh chóng, Phiên Bộ chạy trốn suốt đêm. Xa giá đến Ngõa Kiều Quan, Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh leo lên cao ngắm trông binh lính, hỏi bách tính đến dâng rượu thịt rằng: "Đất này tên gì?" Người dân trả lời: "Tương truyền qua các đời, gọi là Bệnh Long Đài" ("bệnh long" ý là chỉ rồng bị bệnh). Hậu Chu Thế Tông ç lặng thinh, lập tức lên ngựa quay trở về. Đêm đó phát bệnh, ngực mọc nhọt độc.

Trước đó Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh đã mộng thấy Thần tặng ông một chiếc lọng vàng lớn và thêm một quyển "Đạo kinh", sau đó mới có được thiên hạ. Đêm phát bệnh ông lại mộng thấy vị Thần đó đòi lại chiếc lọng vàng và "Đạo kinh". Sau khi kinh sợ tỉnh dậy ông nói: "Ta mộng chẳng lành, chẳng lẽ mệnh Trời sẽ mất sao?". Không lâu sau, nhọt độc ở ngực bị vỡ ra mà chết. 

Con trai nhỏ 5 tuổi của Hậu Chu Thế Tông là Hậu Chu Cung Đế Sài Tông Huấn kế vị chưa được một năm thì bị Thống soái Cấm quân Triệu Khuông Dận đoạt giang sơn. Thế là nhà Hậu Chu nước mất nhà tan.

Rút ra bài học Tam Vũ diệt Phật của Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh khiến lòng dân ai oán, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận khi mới lên ngôi liền bãi bỏ chính sách diệt Phật, liên tiếp xây tạo chùa Phật, tượng Phật. Ở ngôi chùa cổ ở Trấn Chân mà năm xưa Sài Vinh đích thân dùng búa bổ tượng Phật, vào năm 917, Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận xuống chiếu xây dựng mở rộng chùa Long Hưng, đồng thời đúc tượng đồng Quán Âm nghìn tay nghìn mắt cao lớn hơn (tổng cộng 42 tay cao 22 m). Đây chính là nguồn gốc chùa Đại Phật Chính Định ngày nay. Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa kế vị càng tôn sùng Phật pháp hơn. Cùng với sự phục hưng của Phật Pháp, kinh tế nhà Tống cũng phát triển đến bước phồn vinh chưa từng có.