Thời gian qua, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được thành tựu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Hội thi được tổ chức nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về lĩnh vực công tác dân tộc; tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh; đẩy mạnh việc tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, nâng cao kỹ năng tuyên truyền nhằm thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tại Hội thi, các đội trải qua 4 phần thi, gồm: Màn chào hỏi; Trắc nghiệm kiến thức; Xử lý tình huống; Tiểu phẩm tuyên truyền, phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò và hiệu quả của mỗi cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác dân tộc; cán bộ, công chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, văn hoá, xã hội, thông tin, truyền thông, cán bộ thôn, bản; Cấp uỷ, Trưởng thôn, bản, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Ban công tác Mặt trận, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, người dân lao động sản xuất giỏi... kịp thời tuyên truyền, giải thích, phân tích, phổ biến chủ trương, chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thúc đẩy giao lưu học hỏi, tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết của đồng bào các dân tộc, chia sẻ kinh nghiệm hay, mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội thi, ông Giàng A Dình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc về tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc năm 2024-2025, ngày 26/6/2024 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2875/KH-UBND về Tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên năm 2024; 10/10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã lựa chọn thành lập và tổ chức luyện tập để chuẩn bị tham dự Hội thi đúng yêu cầu đặt ra. Ban Tổ chức Hội thi mong muốn Hội thi sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường sự hiểu biết về lĩnh vực công tác dân tộc của mỗi cán bộ, công chức làm công tác dân tộc; cán bộ, công chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, văn hoá, xã hội, thông tin, truyền thông, cán bộ thôn, bản: Cấp uỷ, Trưởng thôn, bản, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Ban công tác Mặt trận, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, người dân lao động sản xuất giỏi, sự đoàn kết của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Từ Hội thi cán bộ, công chức, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh tiếp tục hiểu biết pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, những quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào như: Phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; phát huy vai trò của Nhân dân trong bảo vệ quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái; các chính sách, pháp luật khác liên quan trực tiếp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Sau Hội thi, mỗi thí sinh sẽ tích lũy được nhiều bài học hay, kinh nghiệm quý để phát huy hơn nữa vai trò chủ động, sáng tạo của mình trong công tác với mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc; phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời những mặt tích cực, điển hình tiên tiến cũng như hạn chế, tồn tại trong công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, từ đó đưa ra những giải pháp thực hiện ngày càng tốt hơn.