Dân Việt

CEO Hanoi Metro: Vận tải hành khách công cộng đang đứng ở đâu?

Thế Anh 26/09/2024 20:00 GMT+7
ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, xe buýt Hà Nội đang đứng giữa hai giai đoạn là cạnh tranh về giá cả, chưa cạnh tranh được và về tính tiện lợi, thời gian chuyến đi từ điểm xuất phát đến điểm đích.

Vì sao xe buýt khó thu hút khách?

Tại buổi tọa đàm "Cách nào để xe buýt, metro Thủ đô thêm hút khách?" do Báo Giao thông tổ chức vào ngày 26/9, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) đã thẳng thắn thừa nhận yếu điểm của loại hình vận tải hành khách công cộng.

Nói về phát triển giao thông công cộng, ông Trường phân tích việc phát triển này sẽ theo từng giai đoạn.

Giai đoạn 1, giao thông công cộng phục vụ những người không có phương tiện đi lại. Giai đoạn thứ 2 là phương tiện giao thông công cộng cạnh tranh với phương tiện cá nhân. Giai đoạn 3, phương tiện vận tải công cộng là sự lựa chọn yêu thích của người dân.

CEO Hanoi Metro: Vận tải hành khách công cộng đang đứng ở đâu?- Ảnh 1.

Xe buýt khó cạnh tranh với phương tiện cá nhân.

Nhìn nhận sự thật về xe buýt khó thu hút hành khách, ông Trường cho rằng: "Xe buýt Hà Nội đang đứng giữa giai đoạn 1 và giai đoạn 2 (cạnh tranh về giá cả, chưa cạnh tranh được về tính tiện lợi, thời gian chuyến đi từ điểm xuất phát đến điểm đích).

"Với đường sắt đô thị như đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đường sắt Nhổn - ga Hà Nội do đặc điểm tự nhiên vốn có, hiện đã ở giai đoạn 2 đó là cạnh tranh cả về tính tiện lợi, thời gian chuyến đi, giá cả," ông Trường nhìn nhận.

Về tương của xe buýt, ông Trường nhìn nhận: "Giai đoạn tới xe buýt tập trung cạnh tranh với phương tiện cá nhân trên phương diện chi phí đi lại, tính an toàn và thái độ phục vụ".

CEO Hanoi Metro: Vận tải hành khách công cộng đang đứng ở đâu?- Ảnh 2.

Ông Vũ Hồng Trường.

Theo ông Trường, đối với phương tiện vận tải công cộng, không có phương tiện nào ra đời triệt tiêu phương tiện khác. Các phương tiện vận tải công cộng là "một gia đình" nếu phối hợp với nhau thì sẽ giúp cả hệ thống cùng khỏe.

Với đường sắt đô thị, Hanoi Metro sẽ cố gắng chuyển sang giai đoạn trở thành sự lựa chọn đi lại yêu thích của người dân không chỉ vì tính tiện lợi, thời gian, tính an toàn. Đây còn là phương tiện xanh, tiến tới phát triển bền vững, giảm tác động của phương tiện cá nhân đến môi trường.

"Theo xu hướng phát triển tự nhiên, người dân sẽ thích sử dụng xe cá nhân hơn là phương tiện công cộng. Thực tế đó, đòi hỏi thành phố Hà Nội phải có cơ chế chính sách kích hoạt tính ưu việt của phương tiện công cộng và kiểm soát việc sử dụng xe cá nhân một cách hợp lý," ông Trường góp ý.

Về giải pháp, theo ông Trường, thành phố Hà Nội cần xác định rõ, vận tải hành khách công cộng đang đứng ở đâu; tiếp đến là triển khai quyết liệt, đồng loạt các giải pháp, thay đổi nhận thức và phải có tư duy đột phá, mục tiêu về giao thông công cộng ở các đô thị lớn mới có thể đạt được tăng tỷ lệ người dân sử dụng làm phương tiện đi lại.

CEO Hanoi Metro: Vận tải hành khách công cộng đang đứng ở đâu?- Ảnh 3.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Xe buýt khó cạnh tranh với phương tiện cá nhân

Cũng tại buổi toạ đàm nhắc tới phương án nào để vận tải hành khách công cộng (xe buýt, tàu điện) thu hút khách, ông Nghiêm Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho biết, cho rằng cần rút ngắn thời gian đi lại cho người dân khi sử dụng dịch vụ.

Cùng đó, Hà Nội cần nâng cao chất lượng phục vụ của nhân viên phục vụ trên xe; chất lượng phương tiện; mở rộng, bổ sung, đầu tư các điểm dừng, nhà chờ đi đôi với chất lượng; cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ.

Ông Thắng cho hay, để xe buýt cạnh tranh được với phương tiện cá nhân không dễ, có rất nhiều rào cản, đặc biệt là tư duy của người dân.

Với sự cộng sinh lẫn nhau của đường sắt và xe buýt, cùng sự quyết tâm, dám làm, sẵn sàng làm của Hà Nội trong xây dựng 6 tuyến đường sắt trên cao, ông Thắng cho rằng, hoàn toàn có thể mang đến lợi thế cho vận tải hành khách công cộng.

Trong khi đó, ông Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải đảm bảo vấn đề kết nối cho người dân có thể đi xe đạp, xe máy đến nhà ga, trạm xe buýt hoặc sử dụng xe buýt kết nối đến đường sắt đô thị, xe buýt đến tuyến BRT mới có thể gia tăng khách chọn làm phương tiện đi lại.