Dân Việt

Bí thư, Chủ tịch Hà Nội thăm hỏi, tri ân những nhân chứng lịch sử trong sự kiện Giải phóng Thủ đô

Bách Thuận 27/09/2024 20:07 GMT+7
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cùng các lãnh đạo TP.Hà Nội đã đi thăm, tặng quà tri ân một số gia đình chính sách.

Theo đó, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng đoàn đã đến thăm, tặng quà tri ân cựu chiến binh Nguyễn Văn Lân (phường Đông Ngạc) và cựu chiến binh Nguyễn Đình Bích (phường Xuân Tảo), quận Bắc Từ Liêm. Đây là những nhân chứng của sự kiện lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.

Trong đó, ông Nguyễn Văn Lân sinh năm 1929, nhập ngũ năm 1949 tại đơn vị D18 Mặt trận Quân sự Hà Nội, vào Đảng tháng 3/1950. Năm 1950, ông tham gia đánh địch ở Sân bay Bạch Mai, năm 1953 đánh dịch ở Sân bay Gia Lâm. Tháng 7/1953, ông bị địch bắt tù đày tại nhà tù nhà Tiền, đến tháng 8/1954 được tha; ngay trong năm 1954 ông đã tham gia tiếp quản, giải phóng Thủ đô.

Bí thư, Chủ tịch Hà Nội thăm hỏi, tri ân những nhân chứng lịch sử trong sự kiện Giải phóng Thủ đô - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tri ân những nhân chứng lịch sử trong sự kiện Giải phóng Thủ đô, trong ảnh là cựu chiến binh Nguyễn Văn Lân và gia đình. Ảnh: TP.HN

Với những cống hiến, đóng góp cho cách mạng, ông Nguyễn Văn Lân đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.

Ông Nguyễn Đình Bích, sinh năm 1936, tham gia Việt Minh năm 1947 và hoạt động cách mạng ở làng Bái Ân, huyện Từ Liêm (cũ). Tháng 6/1954, ông tham gia đoàn Ban Quân quản thành phố, đến ngày 7/10/1954 về tiếp quản Thủ đô. Về địa phương, cựu chiến binh Nguyễn Đình Bích đã tích cực tham gia các hoạt động cơ sở, có nhiều đóng góp cho phong trào của địa phương.

Gửi lời tri ân của thành phố đến các cựu chiến binh, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài khẳng định, sự kiện Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là mốc son sáng chói trong lịch sử nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội, đánh dấu thời khắc Hà Nội sạch bóng quân thù, mở ra trang sử mới cho Thủ đô và đất nước.

Bí thư, Chủ tịch Hà Nội thăm hỏi, tri ân những nhân chứng lịch sử trong sự kiện Giải phóng Thủ đô - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài chụp ảnh cùng với cựu chiến binh Nguyễn Đình Bích và gia đình. Ảnh: TP.HN

Đóng góp vào thành quả cách mạng to lớn đó có vai trò của lớp lớp các thế hệ những người con ưu tú của Hà Nội tiêu biểu như cựu chiến binh Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Đình Bích, với tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" đã chiến đấu, hy sinh và lập nên những chiến công vẻ vang, rất đáng tự hào.

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cảm ơn những đóng góp, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc của cựu chiến binh Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Đình Bích và khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn luôn ghi nhớ, biết ơn và sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo cho các gia đình chính sách.

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cũng đã đến thăm, tặng quà tri ân Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hảo (ở Khu tập thể Học viện Kỹ thuật Quân sự, phường Cổ Nhuế 1) có con trai duy nhất là trung tá Đỗ Anh, liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Châu Phi; bản thân mẹ Trần Thị Hảo còn là con liệt sĩ và là cháu nội của Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Bí thư, Chủ tịch Hà Nội thăm hỏi, tri ân những nhân chứng lịch sử trong sự kiện Giải phóng Thủ đô - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh tặng quà, tri ân thương binh Nguyễn Ngọc Ky. Ảnh: TP.HN

Ở một diễn biến khác, tại quận Long Biên, Đoàn đại biểu TP.Hà Nội do Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh làm Trưởng đoàn đã thăm, tặng quà các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, thương binh tiêu biểu trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã đến thăm, tặng quà Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Phú Vỵ (sinh năm 1922, trú tại phường Ngọc Thụy, cán bộ lão thành cách mạng, thương binh 4/4). Trước năm 1944, đồng chí là thanh niên cứu quốc hoạt động Việt Minh tại làng Phúc Xá. Tháng 1/1945, đồng chí tham gia đội tự vệ chiến đấu bí mật tại Hà Nội, bị thương trong chiến dịch Hà Nam Ninh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 1956 (đợt 1) vì có thành tích chiến đấu trong chiến dịch đường số 5 tỉnh Hải Dương và chiến dịch Hà Nam Ninh, tham gia trận đánh Nhà Dầu - Khâm Thiên, Mặt trận Liên khu I - Hà Nội.

Bí thư, Chủ tịch Hà Nội thăm hỏi, tri ân những nhân chứng lịch sử trong sự kiện Giải phóng Thủ đô - Ảnh 4.

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Phú Vỵ và gia đình. Ảnh: TP.HN

Tổng cộng, đồng chí Nguyễn Phú Vỵ tham gia 30 trận đánh, luôn thể hiện tinh thần dũng cảm, kiên quyết xung phong tiêu diệt địch, đã cùng trung đội diệt 500 tên địch, thu và phá hủy nhiều xe pháo của kẻ thù (riêng đồng chí đã diệt 60 tên, bắt sống 5 tên, thu 10 súng các loại). Đồng chí từng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, 395, Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 3.

Tiếp đó, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh đã đến thăm gia đình thương binh Nguyễn Ngọc Ky (sinh năm 1936, trú tại phường Thượng Thanh, thanh niên xung phong chống Pháp từ năm năm 1953).

Tháng 1/1954, đồng chí nhập ngũ vào Đại đoàn 308, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 10/10/1954, đồng chí tham gia trong thành phần Đại đoàn 308 vào tiếp quản Thủ đô do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ là Trưởng đoàn. Sau này, đồng chí làm Trưởng ban Tác chiến Trung đoàn 36, Sư đoàn 308.

Người đứng đầu UBND TP.Hà Nội cũng đến thăm, tặng quà gia đình thương binh Hoàng Ngưỡng (sinh năm 1933, trú tại phường Thượng Thanh). Đồng chí Hoàng Ngưỡng tham gia kháng chiến chống Pháp, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, bị thương tại Cầu Lồ, Bắc Giang. Ngày 9/10/1954, đồng chí tham gia trực tiếp vào công tác tiếp quản Thủ đô. Đồng chí Hoàng Ngưỡng có 1 con trai là liệt sĩ.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh gửi lời chúc các đồng chí lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, thương binh và gia đình nhiều sức khỏe; tiếp tục phát huy phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thần tiền phong, gương mẫu, tích cực động viên con, cháu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền địa phương và bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.