Dân Việt

"Bắt bệnh" để thoát nghèo ở các huyện miền núi tại Bình Định

Quy Nhơn 29/09/2024 08:50 GMT+7
Ngoài đầu tư hạ tầng đồng bộ, tỉnh Bình Định còn tập trung nguồn vốn nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, góp phần thoát nghèo bền vững.

Hơn 1.100 tỷ đồng giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Theo ông Đinh Văn Lung - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019-2024, từ nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác của Trung ương và địa phương, đã có trên 604 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), với tổng kinh phí 1.172 tỷ đồng.

Đến nay, các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi cơ bản đã giải quyết các công trình hạ tầng thiết yếu.

Đặc biệt, những năm qua các địa phương miền núi Bình Định đã tập trung giải ngân nguồn vốn dự án 1 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ hộ nghèo xây mới nhà ở cho 68 hộ dân; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 250 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 679 người.

Ngoài ra, quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư tập trung ở những nơi cần thiết, với hàng trăm hộ dân được tái định cư, góp phần đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS.

"Bắt bệnh" để thoát nghèo ở các huyện miền núi tại Bình Định- Ảnh 1.

Đường bê tông được đầu tư vào tận các ngôi làng ở miền núi tỉnh Bình Định. Ảnh: QN.

"Sau 5 năm thực hiện các chính sách xã hội trong vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cơ bản hoàn thành, vượt so với kế hoạch; đời sống vật chất, tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện. Thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng đồng bào DTTS với đồng bằng của tỉnh", ông Lung cho hay.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn những tồn tại như kinh tế vùng DTTS và miền núi một số nơi còn chậm phát triển. Sản xuất nông nghiệp là chủ yếu; việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế. Năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi còn thấp, giá thành sản xuất cao, tính cạnh tranh thấp.

Theo ông Lung, nguyên nhân những tồn tại trên do xuất phát điểm vùng DTTS và miền núi là khá thấp; địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư.

Ngoài ra, trình độ, năng lực của cán bộ ở vùng DTTS còn chênh lệch so với khu vực đồng bằng, đô thị. Đời sống của người dân thu nhập chủ yếu vào các sản phẩm nông nghiệp, nhưng thu nhập còn khá thấp, bấp bênh.

Ông Lung cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung giải quyết cơ bản về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, điện, nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho vùng đồng bào DTTS; thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với hộ nghèo; phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng DTTS.

Đến 2029, tỷ lệ giảm nghèo hằng năm 3-4%; giảm từ 50% trở lên số xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) và 100% số thôn đặc biệt khó khăn ngoài xã khu vực III so với hiện nay. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35-40%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ.

"Bắt bệnh" để thoát nghèo ở các huyện miền núi tại Bình Định- Ảnh 2.

Lễ khánh thành Công trình cấp điện cho làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, từ lưới điện quốc gia. Ảnh: QN.

Duy trì 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập; 90% xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế xã có bác sĩ và đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Xây dựng hạ tầng khang trang ở miền núi

Thời gian qua, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều khu dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh từng bước đổi thay.

Hạ tầng nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.

Vốn chị Đinh Thị Hòa và con gái chỉ sống trong căn nhà sàn đơn sơ, xuống cấp ở thôn 4, xã An Hưng, huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định.

Thế nhưng, năm 2023, từ nguồn kinh phí của dự án 1, chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc "chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", gia đình chị Hòa đã được hỗ trợ xây dựng lại nhà mới.

Tháng 4/2024, căn nhà cấp 4 xây kiên cố của gia đình chị Hòa được khánh thành đưa vào sử dụng. Trong căn nhà mới của gia đình chị Hòa đầy ắp tiếng cười.

"Trước đây 2 mẹ con ở nhà tôn cuộc sống vất vả. Bây giờ được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, hai mẹ con tôi rất cảm ơn. Ngoài ra, Nhà nước cũng tặng gia súc để phát triển kinh tế. Giờ đây tôi cố gắng làm ăn để vươn lên trong cuộc sống", chị Hòa tâm sự.

Huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả 10 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ nguồn kinh phí của chương trình này, UBND huyện An Lão đã hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở, tổ chức tái định cư và đầu tư cơ sở hạ tầng.

"Bắt bệnh" để thoát nghèo ở các huyện miền núi tại Bình Định- Ảnh 3.

Bình Định chú trọng đầu tư hạ tầng ở miền núi, để giúp bà con thoát nghèo, phát triển kinh tế. Ảnh: QN.

Đến nay, huyện này đã hỗ trợ xây dựng hàng trăm căn nhà, đầu tư xây dựng, sửa chữa 16 tuyến đường bê tông liên thôn, đường dẫn vào các khu sản xuất của người dân; xây dựng nhiều tuyến kênh mương nội đồng. Hệ thống điện ở xã An Hưng; các thiết chế nhà văn hóa xã An Vinh, An Toàn, An Dũng, An Hưng, An Nghĩa. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 23 hộ ở các xã đặc biệt khó khăn và đầu tư hệ thống nước sinh hoạt tập trung tại xã An Trung.

Hạ tầng giao thông được kết nối đồng bộ giữa các khu dân cư và khu sản xuất, giúp người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Hiện nay, tại huyện miền núi An Lão đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay trong trồng trọt và chăn nuôi. Huyện An Lão tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn của chương trình; tập trung nguồn lực, chuyển đổi nghề, hỗ trợ sinh kế cho các đối tượng yếu thế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân.

Trong khi đó, địa hình huyện miền núi Vĩnh Thạnh chủ yếu là đồi núi, độ cao trung bình từ 500m - 600m, có nhiều sông, suối chia cắt nên việc đi lại còn nhiều khó khăn.

UBND huyện Vĩnh Thạnh thành lập ban chỉ đạo, tổ kiểm tra, tổ giúp việc; đồng thời ban hành kế hoạch thực hiện chương trình cho cả giai đoạn, kế hoạch thực hiện hàng năm và kế hoạch thực hiện của từng dự án, tiểu dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đến nay, nhiều dự án của chương này phát huy hiệu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống. Ngoài ra, công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực luôn được quan tâm.

Năm 2024, thực hiện dự án 5 về "Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", huyện Vĩnh Thạnh đã xây mới 4 phòng học bộ môn ở Trường Phổ thông Dân Bán trú THCS Vĩnh Sơn; Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Vĩnh Kim; hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp.

"Bắt bệnh" để thoát nghèo ở các huyện miền núi tại Bình Định- Ảnh 4.

Kéo điện lưới quốc gia về các bản làng tại miền núi Bình Định. Ảnh: QN.

Tỉnh Bình Định phấn đấu đến năm 2025, 100% số xã ở các huyện miền núi có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông, trên 95% số thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Các địa phương miền núi ở tỉnh này xây dựng cầu dân sinh kiên cố nhằm tăng cường tính kết nối, liên kết giữa các xã đặc biệt khó khăn với các khu vực xung quanh, giúp phát triển bền vững và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân. Ðây được xem là "đòn bẩy" quan trọng góp phần thúc đẩy và nâng cao hơn nữa đời sống người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.