Hai tuần sau khi cơn bão Yagi càn quét, PV Dân Việt có mặt tại Nhà máy Thủy điện Đông Nam Á - Nậm Lúc (Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc) thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Dòng sông Chảy, từng cuộn trào trong cơn thịnh nộ, nay đã trở lại vẻ yên bình; mực nước trở về mức bình thường, lặng lẽ trôi dưới chân những vạt núi. Tuy nhiên, dấu vết mà bão lũ để lại vẫn còn in hằn trên từng cung đường dẫn vào nhà máy.
Những con đường quanh co vốn đã khó đi, nay lại càng khó khăn hơn bởi bùn lầy và đất đá chồng chất. Những vết nứt chạy dài trên nền đường, các vạt núi sạt lở vẫn đe dọa sụp xuống bất cứ lúc nào. Mười ngày bị cô lập hoàn toàn, con đường vào nhà máy giờ đã có thể cho xe cộ qua lại, nhưng những dấu tích tàn phá của thiên tai vẫn nhắc nhở về sự khắc nghiệt mà nơi đây đã trải qua.
Sau hành trình đầy thử thách, PV Dân Việt cuối cùng cũng đến được nhà máy. Nhà điều hành - nơi từng là trung tâm điều phối mọi hoạt động - giờ chỉ còn là một khu đất trống trải, ngổn ngang bùn đất.
Ông Nguyễn Tất Anh, Giám đốc điều hành nhà máy được bổ nhiệm mới đây, nghẹn ngào kể lại: “Cơn bão Yagi đã gây ra thảm họa khủng khiếp. Đất đá từ sườn núi sạt xuống, san phẳng khu nhà điều hành, khiến năm cán bộ nhân viên của chúng tôi thiệt mạng. Toàn bộ nhà máy bị ngập nước, khiến mọi hoạt động hoàn toàn tê liệt".
Nỗi đau mất mát về con người và thiệt hại vật chất nặng nề đã đẩy nhà máy vào tình cảnh khó khăn chưa từng có. Hơn nửa tháng trôi qua, nhà máy vẫn chưa thể khôi phục điện để vận hành. Hai tua bin - "trái tim" của nhà máy - vẫn ngập trong bùn nước, chưa thể trục vớt để kiểm tra và sửa chữa. Ông Nguyễn Tất Anh cho biết, nếu không được xử lý kịp thời, tua bin có thể bị hỏng nghiêm trọng, dẫn đến việc phải thay thế toàn bộ thiết bị với chi phí khổng lồ.
Ước tính tổng thiệt hại của nhà máy sau trận bão lũ lên tới hơn 100 tỷ đồng, chưa kể những tổn thất về doanh thu do việc nhà máy phải ngừng hoạt động.
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất ấy, sự chia sẻ và hỗ trợ kịp thời từ ngân hàng SHB đã trở thành điểm tựa quý giá cho nhà máy. Ngay khi nhận được thông tin về thiệt hại, SHB chi nhánh Lào Cai đã nhanh chóng thăm hỏi, động viên khách hàng và chủ động xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mà không cần chờ đề xuất.
Ngoài việc cơ cấu lại nợ, SHB đã giảm số tiền lãi phải trả trong tháng 9 lên đến 5 tỷ đồng và cam kết tiếp tục giảm lãi trong bốn tháng cuối năm 2024, dự kiến tổng số tiền giảm lãi là trên 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để nhà máy có nguồn kinh phí thay thế, sửa chữa máy móc, sớm đưa nhà máy đi vào vận hành, SHB mạnh dạn cho doanh nghiệp vay với số tiền 50 tỷ đồng, lãi suất 4,5%/năm.
"Bão Yagi khiến cho nhà máy thiệt hại lớn về vật chất và tinh thần, tê liệt 100%. SHB là những người đầu tiên tiếp xúc, chia sẻ với chúng tôi. Chia sẻ về tình cảm, chia sẻ với những mất mát lớn về tinh thần, vừa có các chính sách hỗ trợ thiết thực đối với doanh nghiệp. Đây là điều vô cùng quý giá với chúng tôi lúc này", ông Nguyễn Tất Anh cho hay.
Đau đáu với những tổn thất của Thủy điện Nậm Lúc, ông Phạm Quang Huy, Phó Giám đốc SHB chi nhánh Lào Cai, chia sẻ: "Trong đêm mưa lớn (tối 8/9), chúng tôi đã nhận định sẽ có những doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp thủy điện. Ngay khi nắm bắt được thông tin ban đầu về thiệt hại tại Thủy điện Nậm Lúc, chúng tôi nhanh chóng liên hệ với nhà máy để chia sẻ và cùng họ tìm cách vượt qua giai đoạn khó khăn này."
Sự hỗ trợ thiết thực ấy đã giúp các cán bộ, công nhân tại nhà máy phần nào vơi bớt những gánh nặng. Ông Nguyễn Tất Anh xúc động bày tỏ: "SHB đã đến với chúng tôi không chỉ bằng vật chất mà còn bằng tinh thần, bằng sự động viên quý báu. Đây sẽ là động lực để chúng tôi sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho cán bộ, nhân viên và tiếp tục đóng góp cho địa phương."
Bên trong nhà máy những ngày này, thay cho tiếng động cơ quen thuộc là những âm thanh xì xì của máy móc đang được thau rửa. Các công nhân vẫn miệt mài làm việc, tháo dỡ, vệ sinh từng thiết bị, kiểm tra từng chi tiết để đảm bảo an toàn.
Một công nhân chia sẻ: "Công việc hiện tại còn vất vả hơn nhiều so với thời điểm xây dựng nhà máy. Hồi đó, chúng tôi chỉ lắp ráp thiết bị mới, còn bây giờ phải tháo dỡ toàn bộ để làm sạch và kiểm tra an toàn đối với từng hệ thống, từng chi tiết. Theo dự tính, phải mất ít nhất ba tháng nữa mới có thể khắc phục toàn bộ hậu quả và đưa nhà máy trở lại hoạt động bình thường".
Dù khó khăn vẫn còn đó, nhưng ánh mắt của những người công nhân nơi đây vẫn ánh lên sự kiên cường và quyết tâm.
Hành trình "hồi sinh" của Thủy điện Nậm Lúc còn nhiều gian nan, nhưng với tinh thần đoàn kết và sự hỗ trợ từ các đối tác như SHB, nhà máy sẽ sớm vượt qua những thử thách để trở lại với công việc sản xuất, tiếp tục mang ánh sáng đến với vùng núi cao Tây Bắc. Những giông bão sẽ qua đi, và ánh sáng của niềm tin sẽ lại bừng sáng trên mảnh đất kiên cường này.
Bà Ngô Thu Hà - Tổng Giám đốc ngân hàng SHB cho biết, để hỗ trợ người dân đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi tại nhiều tỉnh thành phố, SHB đã tiến hành rà soát đánh giá thiệt hại của khách hàng, tổng hợp và báo cáo theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Trong đó, nhà băng này đã thực hiện các chương trình để chung tay hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại.
Cụ thể, ngân hàng có chương trình miễn giảm 50% lãi phải trả của của khách hàng hiện hữu bị thiệt hại từ ngày 01/9 – 31/12/2024. Thậm chí, căn cứ vào tình hình thiệt hại mà SHB có thể giảm tới 100%, nhất là những khách hàng là nông dân, hộ kinh doanh...
Bà Hà nhấn mạnh, SHB chủ động rà soát và thông báo cho khách hàng về mức giảm, không đợi khách hàng phải đăng ký trên mức độ thiệt hại với ngân hàng.
Bên cạnh đó, SHB có gói sản phẩm cho vay mới những khách hàng bị thiệt hại mong muốn phục hồi, phát triển sản xuất. Tính đến ngày 19/9, SHB đã có gói 2.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ngắn hạn là 4,5%/năm. Đồng thời, SHB tiếp tục rà soát, đánh giá khách hàng để đưa ra thêm các gói cụ thể hơn cho từng ngành, từng lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề mà cần thời gian hỗ trợ dài hơn để khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.
SHB cũng triển khai chính sách cơ cấu nợ, kéo dãn thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị thiệt hại theo quy định của pháp luật hiện hành như Nghị định 55, Thông tư 02, Thông tư 06, đồng thời xem xét hình thức cho vay không có tài sản đảm bảo, tín chấp.
Tính đến ngày 19/9, có 251 khách hàng của SHB bị ảnh hưởng bởi bão lũ, trong đó có 194 khách hàng cá nhân và 57 khách hàng doanh nghiệp tại một số tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang...
Mức lãi suất hỗ trợ SHB ước tính trong khoảng thời gian từ nay đến hết 31/12/2024 là khoảng 40 tỷ đồng (chưa tính khoản hỗ trợ của gói vay 4,5%/năm).