Giải mã vụ thử hạt nhân dưới nước táo bạo của Mỹ năm 1946
Sau khi khiến thế giới bàng hoàng vì sử dụng bom nguyên tử trên mặt đất cuối Thế chiến 2, Mỹ thúc đẩy chương trình hạt nhân. Năm 1946, Mỹ tiến hành vụ thử hạt nhân dưới nước đầu tiên trên thế giới với sức công phá khủng khiếp.
Giải mã vụ thử hạt nhân dưới nước táo bạo của Mỹ năm 1946 Mỹ ghi tên vào lịch sử khi là quốc gia đầu tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và sử dụng bom nguyên tử trong chiến tranh. Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, các nhà khoa học Mỹ tiếp tục nghiên cứu và thực hiện nhiều vụ thử hạt nhân.
Trong số này, đáng chú ý là vụ thử quả bom nguyên tử mang tên Baker ở đảo san hô Bikini Atoll, Thái Bình Dương vào tháng 7/1946.
Đây là cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Mỹ cũng như thế giới được tiến hành dưới nước ở độ sâu 5,27 m.
Mục đích của vụ thử bom hạt nhân dưới nước mà Mỹ đặt ra là nghiên cứu mức độ tác động và ảnh hưởng của vũ khí hạt nhân tới các tàu hải quân.
Theo thiết kế, bom hạt nhân mang tên Baker có sức nổ 23 kiloton. Sau khi được kích nổ, một đám mây hình nấm và cột nước cực lớn xuất hiện.
Một số tài liệu tiết lộ vụ nổ Baker đẩy 2 triệu tấn nước và cát lên không trung. Theo đó, cột nước cao 1,8 km, rộng 609m và dày 91m xuất hiện.
Thông qua vụ thử bom hạt nhân dưới nước này, các nhà khoa học và giới chức quân sự Mỹ càng thêm chắc chắn về sức hủy diệt khủng khiếp của vũ khí nguyên tử.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học tiến hành lẫy mẫu xét nghiệm địa chất ở khu vực đảo san hô Bikini Atoll.
Kết quả kiểm tra cho thấy khu vực này có mức độ phóng xạ rất cao nên không an toàn cho con người sinh sống.
Theo một số nghiên cứu, các nhà khoa học mất hàng chục năm nữa để xử lý vấn đề phóng xạ nhằm đưa đảo san hô Bikini Atoll trở lại là khu vực an toàn, thích hợp cho con người sinh sống.