Dân Việt

Trần Cao Vân, vua Duy Tân hành xử ra sao?

K.N 30/09/2024 22:57 GMT+7
Sau này, sư bà Diệu Không - con gái ông Hồ Đắc Trung kể lại rằng: Vì mảnh giấy ấy mà thân sinh tôi bị bắt giam mấy ngày ở tòa Khâm để điều tra. Nếu không nhờ vua Duy Tân khai giải cứu, ắt thân sinh tôi phải chung một số phận với các ông Trần Cao Vân.

Cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp do Việt Nam Quang Phục Hội chủ xướng và Trần Cao Vân, Thái Phiên cùng vua Duy Tân lãnh đạo thất bại do bị lộ kế hoạch khởi nghĩa. Sau đó, Trần Cao Vân, Thái Phiên và một số người khác bị thực dân Pháp bắt rồi giết. Khi còn trong ngục, Trần Cao Vân lo vua Duy Tân bị sát hại, vì vậy ông đã viết thư trần tình cùng Thượng thư Hồ Đắc Trung là người đang phụ trách thảo bản án xử vua. Thư viết trên cuộn giấy quyến hút thuốc, bí mật trao người chuyển đi, trong thư ông nhận lãnh hết công việc bạo động xảy ra đều do ông và Thái Phiên thực hiện. Cuối thư, ông khẩn khoản nhờ Hồ Đắc Trung tìm cách cứu vua và ông viết ở cuối thư rằng: Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai võng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt! Trời còn đó! Đất còn đó! Xã tắc sơn hà còn đó! Mong cho thánh thượng sinh toàn!

Trần Cao Vân, vua Duy Tân hành xử ra sao? - Ảnh 1.

Vua Duy Tân. Ảnh: Lịch Sử VN.

Sau này, sư bà Diệu Không - con gái ông Hồ Đắc Trung kể lại rằng: Vì mảnh giấy ấy mà thân sinh tôi bị bắt giam mấy ngày ở tòa Khâm để điều tra. Nếu không nhờ vua Duy Tân khai giải cứu, ắt thân sinh tôi phải chung một số phận với các ông Trần Cao Vân.

Sư bà Diệu Khuông thuật lại lời khai của vua Duy Tân khi bị Pháp cật vấn như sau:

Hỏi: Ngài nghĩ sao về mảnh giấy này?

Đáp: Ông Trần Cao Vân làm việc lớn không thành, sợ tội bị tử hình nên cầu cứu với ông Hồ Đắc Trung.

Hỏi: Vì lẽ gì trước kia ngài từ hôn với tiểu thư nhà họ Hồ?

Đáp: Vì tôi thương ông ấy đông con, sợ ông ấy bị liên lụy. Vả lại, các đồng chí của tôi khuyên tôi nên tránh gia đình ấy để bảo mật.

Hỏi: Vì lẽ gì ông Trần Cao Vân lại bảo đưa mảnh giấy này cho ông Hồ Đắc Trung?

Đáp: Vì ông Hồ Đắc Trung hay cứu người như đã cứu 42 nhà cách mạng ở tỉnh Quảng Nam năm 1908 trong vụ dân "xin xâu" lúc ông ấy làm tổng đốc ở đấy.

Hỏi: Ngài có bảo đảm là ông Hồ Đắc Trung vô tội trong vụ khởi loạn này không?

Đáp: Tôi xin hoàn toàn bảo đảm cho ông ấy.

Thế là mấy ngày sau, thân sinh tôi được Pháp trả tự do. Triều đình ủy cho thân sinh tôi soạn thảo bản án Duy Tân. Nội dung bản án đại khái như sau: Vua Duy Tân còn nhỏ tuổi, tuy rất thông minh song còn cạn nghĩ, bị bọn người mưu phản kích thích lòng ái quốc nên nghe theo. Nếu đúng tuổi trưởng thành thì tội Ngài rất nặng, song Ngài còn vị thành niên, tưởng không đáng trách mà nên thương tình.

Đứng về phía chính phủ bảo hộ thì Ngài can tội "phản nghịch", nhưng đứng về phía Chính phủ Nam triều thì Ngài là một ông vua biết thương dân và được lòng dân. Như vậy, luận về tội thì quả thật Ngài có tội đối với chính phủ bảo hộ, còn đối với nhân dân Việt Nam thì Ngài không có tội gì cả. Vậy nên xét tình mà truất phế Ngài và để cho Ngài được tự do trở về với danh vị một hoàng tử như trước. Như thế lòng dân mới khỏi oán thán Chính phủ Pháp là khắc nghiệt... Bản án này được Pháp chấp thuận, nên tuy bị đưa đi đày ở đảo Réunion gần châu Phi, Ngài vẫn giữ tước vị hoàng tử...

Lời bàn về việc vua Duy Tân

Trong suốt thời gian cả dân tộc Việt Nam bị kìm kẹp dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, bên cạnh những ông vua nhu nhược, thiếu quyết đoán như Tự Đức và những ông vua bù nhìn, thiếu tinh thần dân tộc như Khải Định, Bảo Đại thì vẫn còn có những vị vua một lòng chống Pháp, không chịu khuất phục ngoại bang. Đó là vua Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân. Ba vị vua không chịu nhượng bộ, kiên quyết chống lại thực dân Pháp và đã bị đi đày. Trong số 3 vị vua này, vua Duy Tân là người có tinh thần chống Pháp mạnh mẽ và kiên quyết nhất. Tháng 3/1920, Hội nghị Hòa bình các quốc gia châu Âu diễn ra tại Versaille, cựu hoàng tử Duy Tân đã gửi một lá thư đến báo "LHumanité" đòi Việt Nam phải được trở thành một quốc gia độc lập và trung lập như mọi quốc gia châu Âu khác!

Có thể khẳng định rằng, tuy thất bại nhưng Việt Nam Quang Phục Hội đã cung cấp cho chúng ta nhiều bài học quý báu về phương pháp cách mạng, trong đó phải kể đến ý thức độc lập, tự chủ. Tuy những người chủ não của các phong trào trên chưa thấy hết tầm quan trọng của chân lý "cách mạng là sự nghiệp của quần chúng", song họ đã nhận thức được nguyên nhân thua kém của dân tộc ta có nguồn gốc từ sự yếu kém hiểu biết về nhiều mặt của dân chúng. Vì vậy, họ coi việc trang bị sự hiểu biết cho quảng đại quần chúng về văn hóa là một yêu cầu cấp bách. Nhưng họ đã lầm, vì muốn giành độc lập cho dân tộc không thể chỉ có nâng cao dân trí hay thuyết phục kẻ cướp trả lại tự do cho nhân dân.