Ba cha con Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích và Phan Huy Ôn cùng đỗ tiến sĩ thời nhà Lê, đã mở nền văn lừng lẫy cho dòng họ Phan Huy làng Thu Hoạch, trấn Nghệ An xưa.
Làng Thu Hoạch, tổng Canh Hoạch, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay là xã Thạch Châu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) là quê hương gắn liền với tên tuổi của dòng họ khoa bảng Phan Huy.
Dòng họ ban đầu là Phan Văn, có truyền thống làm nghề đan lát, sau thêm buôn bán, làm nông. Vì nhiều người đỗ đại khoa, lại có những trước tác để đời nên dân gian có câu: "Võ Hạ Hoàng, văn Thu Hoạch".
Giai thoại chữ "Huy"
Theo một số tư liệu ghi chép cũng như giai thoại để lại thì dòng họ Phan Văn làng Thu Hoạch có bà Phan Thị Trừu là thiếp của ông Nguyễn Huy Tựu – một gia tộc danh giá nổi tiếng ở làng Trường Lưu, được triều đình ban tước Hầu, có con trai là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh và nhiều người đỗ đạt, thành danh.
Một số giai thoại cho rằng, khi bà Phan Thị Trừu đang mang thai nhưng do bất đồng chuyện gì đó nên bỏ đi. Năm 1722, bà sinh được người con trai, đặt tên là Phan Huy Cẩn (Cận) theo họ của mình.
Dòng họ Phan Huy bắt đầu từ đó. Trong một ghi chép lời kể của ông Nguyễn Huy Cung (1891 - 1972) cháu 5 đời của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh cũng nói rằng: Dòng họ Phan ở Chợ Cày (Hà Tĩnh), mấy đời trước Phan Huy Cẩn đều làm quan võ, thời Nguyễn Huy Tựu làm quan văn ở Thái Nguyên thì bên họ Phan cũng làm quan và ở đó.
Nguyễn Huy Tựu có người thiếp, sau về với họ Phan và sinh ra Phan Cẩn, lúc lớn đổi thành Phan Huy Cẩn. Khi Phan Huy Cẩn muốn về Trường Lưu, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh có nói: Đây là cái lỗi của tiền nhân ta lúc trước, thôi em giữ lấy chữ Huy, anh cũng giữ lấy chữ Huy và con cháu ta cũng vậy.
Từ Phan Huy Cẩn trở đi, chi phái này chủ yếu phát theo ngạch văn, có sự nghiệp văn chương lưu truyền hậu thế.
Phan Huy Cẩn (1722 – 1789) hiệu là Thận Trai, sớm mồ côi cha mẹ, được bà ngoại họ Dương nuôi nấng. Khi đi học, Phan Huy Cẩn thông minh sáng dạ, nhớ lâu. Từ năm 15 tuổi ông đã có tiếng về văn từ. Lớn lên Phan Huy Cẩn được theo học với những người thầy danh tiếng như Thám hoa Đỗ Huy Kỳ, Thượng thư Nhữ Đình Toản, do vậy việc học hành ngày càng thăng tiến.
Đến khoa thi năm 1747, Phan Huy Cẩn thi Hương và đỗ đầu - tức Giải nguyên, đến khoa thi năm 1754 thì đỗ tiến sĩ. Ông trở thành người khai khoa cho dòng họ Phan Huy, và cũng là người đặt nền móng đầu tiên cho nền văn của dòng họ nức tiếng về văn chương khoa bảng. Sau đó Phan Huy Cẩn chuyển đến sinh sống xã Thụy Khuê, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, (nay là xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội). Từ đó dòng họ Phan Huy ở vùng đất mới Sài Sơn.
Theo "Lịch triều chiến chương loại chí" thì Phan Huy Cẩn làm quan ngay thẳng, không xu nịnh. Vì không xu nịnh sủng thần của chúa Trịnh Doanh là Đỗ Thế Giai nên năm 1759 ông bị gièm pha và mất chức. Ông về quê dạy học suốt 8 năm liền. Khi chúa Trịnh Doanh mất, ông được tiến cử và được bổ nhiệm làm quan. Năm 1776, ông được phong làm Đốc đồng Động Hải (Quảng Ninh). Năm 1777, ông đi đánh quân nổi dậy ở vùng núi có công, được thưởng ngân bài.
Năm 1781, ông làm Đốc thị Thuận Hóa. Sau đó lại được chúa Trịnh Sâm triệu về kinh, làm đến chức Nhập thị Bồi tụng, Hữu thị lang Công bộ, quyền chức Thị lang bộ Binh kiêm giảng quan Quốc Tử Giám. Năm 1786 đời Trịnh Tông, ông về hưu khi đã 65 tuổi, được thăng làm Công bộ tả Thị lang, tước Khuê Phong bá.
Sau đó không lâu quân Tây Sơn tiến ra Bắc diệt chúa Trịnh. Lê Chiêu Thống lên thay Lê Hiển Tông lại triệu ông ra làm Bình chương sự, giảng trong điện Kinh diên, kiêm chức Tham tụng (Tể tướng), rồi Tả thị lang cả ba bộ Binh, Hình, Lễ kiêm Tổng tài quốc sử.
Năm 1788, vì đã già yếu, ông xin từ chức rồi về ấp Yên Sơn, xã Thụy Khê (làng Thầy, Sơn Tây, Hà Nội). Dù đã về hưu, ông vẫn lo lắng tới việc chính trị quốc gia. Khoảng một năm sau (1789), ông mất ở tuổi 68.
Làm quan 3 triều đại
Không chỉ đỗ đạt vinh hiển, Tiến sĩ Phan Huy Cẩn còn rất thành công trong việc nuôi dạy con cái, lấy việc học làm đầu nên ai cũng thành tài, rạng danh, trong đó có 2 người con đỗ tiến sĩ, giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình.
Người con đầu là Phan Huy Ích vốn tên là Phan Công Hậu. Do kiêng húy của Tuyên phi Đặng Thị Huệ, về sau mới đổi tên là Huy Ích. Ông nổi tiếng thông minh, học đâu hiểu đó. Thuở nhỏ, ông sống và học tập tại làng Thu Hoạch, đến năm 20 tuổi, năm 1771, ông thi đỗ Giải nguyên tại trường thi Nghệ An.
Sau khi thi đỗ, Phan Huy Ích được triều đình bổ nhiệm một chức quan nhỏ ở trấn Sơn Nam. Đỗ Giải nguyên khi còn trẻ, ông được xem là rất có tiềm năng, trở thành học trò của danh sĩ Ngô Thì Sĩ, được thầy dạy yêu mến mà gả con gái cho. Năm 1775, Phan Huy Ích và anh vợ là Ngô Thì Nhậm cùng dự khoa thi Hội ở Thăng Long và đều đỗ tiến sĩ, rồi sau đó đỗ Chế khoa đồng Tiến sĩ. Khoa này có 18 tiến sĩ, Phan Huy Ích đỗ Hội nguyên Tiến sĩ, đứng đầu số đó.
Năm 1776, ông tiếp tục thi đỗ kỳ thi Ứng chế và được bổ nhiệm làm quan chức Hàn lâm thừa chỉ, rồi làm Đốc đồng tỉnh Thanh Hóa, trông coi việc an ninh. Ủng hộ chế độ chúa Trịnh, năm 1777 sau khi được bổ làm Đốc đồng Thanh Hoa, ông về giữ chức Thiêm sai tri hình phiên ở phủ Chúa.
Cũng trong năm này, ông được chúa Trịnh Sâm lệnh mang ấn kiếm, sắc phong tước Cung quận công của vua Lê ban cho Nguyễn Nhạc. Sau đó, ông được chúa phái lên Nam quan tiếp sứ thần nhà Thanh rồi được thăng Hiến sát sứ Thanh Hóa, trông coi việc xét xử và luật pháp.
Năm 1786, quân Tây Sơn ra Bắc tiêu diệt kiêu binh và Trịnh Khải, sau đó rút về Nam. Trịnh Bồng đem quân bao vây kinh thành uy hiếp vua Chiêu Thống, vua Lê triệu Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An về kinh để bảo vệ. Phan Huy Ích đang ở dưới trướng Bùi Thế Toại chống lại Nguyễn Hữu Chỉnh nhưng bị đánh thua. Ông bị bắt sống, nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh không giết mà mang theo.
Cuối năm 1787, quân Tây Sơn ra Bắc Hà lần thứ hai. Lê Chiêu Thống bỏ chạy. Phan Huy Ích bỏ lên Sài Sơn (Sơn Tây), chấm dứt 14 năm làm quan với chính quyền vua Lê - chúa Trịnh. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai, Phan Huy Ích được tiến cử và ông được Nguyễn Huệ phong chức Tả thị lang bộ Hộ, tước Thụy Nham hầu.
Năm 1789, sau chiến thắng quân Thanh, Phan Huy Ích từ Phú Xuân được gọi ra Bắc Thành cùng Ngô Thì Nhậm làm công việc ngoại giao với nhà Thanh. Năm 1790, ông được cử vào đoàn sứ bộ hộ tống vua Quang Trung giả sang Trung Quốc, khi về được thăng Thị trung Ngự sử ở tòa Nội các.
Năm 1800, ông và Ngô Thì Nhậm bị Nguyễn Ánh bắt giam rồi cùng bị đem ra Văn Miếu đánh đòn. Sau Phan Huy Ích được tha về. Năm 1804, Gia Long nhân muốn định lại tên nước, bèn cử Phan Huy Ích soạn một bài tuyên cáo.
Từ năm 1814 đến khi qua đời (1822), khi thì ông ở Sài Sơn, khi lại về Thiên Lộc dạy học. Đây là khoảng thời gian ông hoàn chỉnh bản dịch "Chinh phụ ngâm" mà người diễn Nôm đầu tiên tương truyền là bà Đoàn Thị Điểm. Ngoài ra, ông còn sáng tác: Dụ Am thi văn tập, Dụ Am ngâm lục.
Em trai của Phan Huy Ích là Phan Huy Ôn là con trai thứ ba của Phan Huy Cẩn cũng đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1779 đời vua Lê Hiển Tông. Ông là vị tiến sĩ được khắc tên mới đây nhất trong tấm bia cuối cùng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tấm bia được dựng vào ngày tốt tháng 11 năm Canh Tý, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41 (1780).
Sau khi đỗ đại khoa, ông làm quan cho nhà Lê đến chức Đốc đồng Sơn Tây và Thái Nguyên rồi thăng Hàn lâm Thị chế, tước Mỹ Xuyên bá. Năm 1786, ông mất khi mới 32 tuổi, được vua truy tặng Hàn lâm thị giảng, tước Mỹ Xuyên hầu.
Bộ bách khoa thư đầu tiên
Phan Huy Ích sinh được người con trai là Phan Huy Chú cũng lừng lẫy văn chương chữ nghĩa chẳng kém ông, cha và chú. Xuất thân trong gia đình mà cả bên nội và ngoại đều là danh sĩ nức tiếng đương thời.
Ông nội là Tiến sĩ Phan Huy Cẩn, ông ngoại là Ngô Thì Sĩ, cha là Tiến sĩ Phan Huy Ích, bác là Ngô Thì Nhậm… nên khi mới 6 tuổi thì được bác mình là Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm kèm cặp, vì thế mà nổi tiếng thần đồng khắp miền.
Dù nổi tiếng từ nhỏ nhưng đến khi lớn thì Phan Huy Chú dự cả 2 kỳ thi Hương cũng chỉ vượt qua tam trường - tức Tú tài. Từ đó ông ngừng sự nghiệp thi cử mà chỉ tập trung nghiên cứu các trước tác, trở thành nhà bác học, danh nhân văn hóa. Năm 1821, vua Minh Mạng biết tiếng ông, mời ông đến Huế giữ chức Biên tu trường Quốc Tử Giám.
Phan Huy Chú dâng lên vua cuốn "Lịch triều hiến chương loại chí" do chính mình biên soạn. Vua Minh Mạng xem thấy cuốn sách rất có giá trị, có lời ban khen và liền cho khắc bản gỗ, in thành nhiều bản để phổ biến. Cuốn sách này ghi chép lại những dữ liệu về văn hóa lịch sử, địa lý suốt từ thời kỳ Hồng Bàng đến thời Lê mạt, trở thành cuốn sách dùng để khảo cứu của rất nhiều nhà nghiên cứu ngày nay.
Năm 1825, ông được sung làm Phó sứ sang Trung Quốc. Khi về, được làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên, rồi thăng Hiệp trấn Quảng Nam (1829). Ít lâu sau, ông bị giáng vì phạm lỗi, được điều động về Huế giữ chức Thị độc ở Viện Hàn lâm. Năm 1831 lại sung Phan Huy Chú làm Phó sứ sang nhà Thanh. Nhưng khi về nước, thì cả đoàn sứ bộ đều bị giáng chức vì tội "lộng quyền", riêng ông bị cách chức.
Năm sau 1832, ông làm phục dịch trong phái bộ sang Batavia (Giang Lưu Ba, Indonesia) để lập công chuộc tội. Trở về vào năm 1834, ông được bổ làm Tư vụ bộ Công. Sau đó, vì chán nản chốn quan trường, ông cáo bệnh xin về hưu ở làng Thanh Mai, thuộc huyện Tiên Phong (nay là xã Vạn Thắng, Ba Vì, Hà Nội). Ở đây, ông làm nghề dạy học và soạn sách cho đến khi mất.
Ngoài "Lịch triều hiến chương loại chí", Phan Huy Chú còn có các tác phẩm khác có giá trị như: Hoàng Việt dư địa chí (ghi chép về địa lý Việt Nam), Mai Phong du Tây thành dã lục, Hoa thiều ngâm lục (tập thơ đi sứ sang Trung Quốc), Hoa trình tục ngâm, Hải trình chí lược (hay còn gọi là "Dương trình ký kiến" - ghi chép những điều trông thấy lúc đi Batavia).
Tiếp nối mạch nguồn văn hóa, dòng họ Phan Huy còn có nhiều bậc danh tài, văn sĩ như: Phan Huy Sảng, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Thực, Phan Huy Dũng, Phan Huy Tùng… cũng như nhiều nhân vật hiện đại, như cố GS Phan Huy Lê. Trong số các nhà thờ của dòng họ Phan Huy, có nhà thờ Phan Huy Chú ở Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) là nổi tiếng nhất - là nơi con cháu thuộc họ Phan Huy ở phía Bắc sinh hoạt. Nơi đây, vào năm 2015 Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon viếng thăm và để lại lưu bút, ghi mình là "thành viên họ Phan".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.