Thôn Khúc Toại tên Nôm là làng Chọi, xưa thuộc tổng Châm Khê, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn (nay là khu phố Khúc Toại, phường Khúc Xuyên, TP Bắc Ninh). Làng Chọi xưa có 4 giáp, 9 dòng họ, với 4 đơn vị là các xóm Chùa, Đông, Tây và Ngõ lẻ. Làng Chọi cũng là trung tâm của câu ca "một thúng ông đồ, một bồ ông cống, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn".
Làng Chọi, tên gọi nghe rất lạ nhưng lại vô cùng quen thuộc với người Kinh Bắc gắn với câu ca "mã Đông Hồ, đồ làng Chọi". Không chỉ làm ra những món đồ tốt trong lĩnh vực mộc gia dụng xưa, mà ngay đến con người làng Chọi cũng đầy những khí chất và cả khí phách.
Trong số những kỳ nhân làng Chọi, người ta biết nhiều đến ông Nguyễn Khắc Bảo. Vừa là một thầy lang, mà người Kinh Bắc quen gọi là "ông lang Chọi".
Ông Bảo còn là nhà sưu tập cổ vật có tiếng ở Bắc Ninh với gia tài đồ sộ hàng nghìn bức tượng cổ và hàng vạn hiện vật độc đáo, được xếp là một trong 10 người sở hữu nhiều tiền cổ nhất Việt Nam.
Không chỉ vậy, ông còn là một nhà giáo, nhà ngôn ngữ, nhà Kiều học "bạo gan" sửa tới 918 chữ ở 701 câu Kiều dịch sai trong bản Kiều thông dụng của học giả Đào Duy Anh.
Ông cũng sưu tầm được hàng trăm bản Kiều nôm quốc ngữ cổ, xuất bản được hàng chục đầu sách về Truyện Kiều. Bởi vậy, nhiều nhà nghiên cứu khi về Kinh Bắc đều ghé qua "ông lang Chọi" như một địa chỉ học thuật.
Giải thích danh xưng làng Chọi, ông Bảo và các cao niên trong làng cho rằng là khởi nguồn từ cuộc sống lao động của dân thôn. Ở bất kỳ dịp hội hè đình đám nào quanh vùng, nếu có tổ chức các trò chơi dân gian mang tính đấu chọi thi thố, người làng Chọi hầu như đều giành giải cao nên mới gọi là "chọi ăn, chọi nói".
Người làng Chọi ai cũng biết câu chuyện "ăn cỗ thi" ngoài Đình Bảng (Từ Sơn) mà người làng mình đạt giải Nhất. Ấy là vào thời Pháp thuộc, một người đàn ông làng Chọi chở vôi ra bán ngoài Đình Bảng thấy có hội ăn cỗ thi liền ghé vào xem.
Theo thể lệ, người ăn cỗ phải chỉ ra món nào ngon nhất trong mâm. Thực khách dự thi hôm ấy đông lắm, toàn những tay sành ăn, họ đua nhau ăn các món được gọi là của ngon vật lạ song đều bị đánh trượt.
Thấy vậy người đàn ông làng Chọi liền ngồi vào mâm, gắp miếng thịt mỡ chấm đĩa mật ăn rồi khẳng định đó là món ngon nhất. Người này ngay lập tức được nhận giải trước sự ngỡ ngàng của dân làng Đình Bảng.
Thì ra trước nhiều của ngon vật lạ, nhiều người đã quên triết lý "đẹp thì vàng son, ngon thì mật mỡ". Câu chuyện này cũng ngầm truyền tải thông điệp, dù ở hoàn cảnh nào cũng cần có sự suy xét, nhìn nhận. Người Đình Bảng vốn đã thâm sâu chữ nghĩa, mà người làng Chọi kia vốn chỉ là anh bán vôi cũng chữ nghĩa thâm thúy chẳng kém.
Ngay trong bản tự tên làng Khúc Toại, từ "Khúc" lại cho thấy đặc điểm của một thế đất đoạn khúc khuỷu quanh co của sông Ngũ Huyện Khê, ngầm ẩn ví như khúc khó khăn của đời người - rằng, "sông có khúc, người có lúc".
Nằm giữa cái nôi lịch sử văn hóa đặc sắc như Kinh Bắc, Khúc Toại nổi tiếng trong dân gian là làng nghề mộc gia dụng, mà ngày nay vẫn tồn tại và in hằn dấu tích trên từng di sản của làng: Đình chùa Khúc Toại, cầu Chọi, chợ Chọi.
Theo văn bia, cầu Chọi được xây dựng với quy mô lớn vào thời Lê trung hưng theo kiểu "thượng gia hạ kiều" (trên là nhà, dưới là cầu), bề rộng khoảng 5m, hai bên hành lang cư dân làng Chọi thường ngồi bán vật phẩm hàng hóa.
Trên bến dưới thuyền, dòng sông khi ấy trở thành tuyến đường thủy huyết mạch nối kinh thành Thăng Long với sông Cầu xuôi về Phả Lại - Vạn Kiếp ra vùng biển Đông Bắc, nối liền tuyến giao thương từ thành Bắc Ninh lên mạn Yên Phong, Hiệp Hòa.
Cây cầu này mang giá trị lớn về kiến trúc nghệ thuật nên từng được Viện Viễn Đông Bác cổ chụp ảnh lưu giữ, nghiên cứu. Cây cầu Chọi cổ kính năm xưa do thời gian, chiến tranh tàn phá giờ đã được thay thế bằng cây cầu bê tông sắt thép. Dù có thuận lợi hơn, vững chắc hơn nhưng trong tâm trí của những người già cả vẫn khuyết đi một điều gì đấy rất đỗi cao quý.
Gần cầu Chọi lại chính là chợ Chọi, từng rất nổi tiếng trong dân gian với ngày hội chợ mồng 8 tháng Giêng có nhiều hàng hóa và tục "ăn cuốn". Đình chùa Khúc Toại cũng liền kề bên nhau tạo ra những mảnh ghép hoàn hảo cho ngôi làng cổ trên bến dưới thuyền.
Chùa Khúc Toại (Diên Phúc tự) từng là danh tích của Kinh Bắc xưa, được Tiến sĩ Đỗ Thượng Nghiêm (thực ra theo văn bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Là họ Nguyễn - PV) người làng cho xây dựng với quy mô lớn vào thời Lê, vì vậy dân làng đã thờ ông làm Hậu Phật ở chùa.
Sách "Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục" ghi rõ: Làng Chọi từng có một người được ghi danh vào lịch sử khoa bảng nước Nam. Đó là Đỗ Thượng Nghiêm, sinh năm Canh Dần 1470, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 27 đời vua Lê Thánh Tông (1496), làm quan đến chức Thừa Chính xứ.
Ngôi chùa còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý hiếm: Hệ thống tượng Phật thời Lê, Nguyễn; tượng Tiến sĩ Nguyễn Thượng Nghiêm; bia đá, khánh đá, cây hương đá. Đặc biệt là chuông đồng ghi tên chùa với niên đại Phúc Thái 6 (1648), là một trong những quả chuông cổ nhất của nước ta.
Trên thân chuông ghi khắc chữ Hán ghi lại nguồn gốc ra đời của chuông. Theo đó, một nhà sư có tên là Minh Trực thấy chùa làng chưa có chuông nên muốn làm phúc tạo chuông, lại gặp được vợ chồng đô đốc Trung quân Dương Bá Hợp và vợ là Lê Thị Học Thái rất mộ đạo Phật cùng với quý khách thập phương đúc chuông.
Chuông cao 1,4m, đường kính miệng 70cm, quai chuông là một con rồng chung thân có hai đầu quay về hai hướng. Miệng rồng ngậm ngọc, có râu dài và nhọn, mình rồng hiện lên những lớp vẩy, sống lưng có hàng vây nổi lên cho thấy nghệ thuật điêu khắc thời kỳ này rất phát triển. Thân chuông chia làm 8 phần, ngăn cách giữa các phần là những đường gân nổi chạy dọc.
Điểm giao giữa những đường gân có một núm gõ nổi lên. Miệng chuông được khắc những hoa văn độc đáo. Nội dung ghi trên chuông là việc công đức của các sư sãi, hương lão, quan viên trong xã cũng như nam nữ thập phương đúc quả chuông này, một số câu đối cổ có nội dung ca ngợi Phật pháp; những lời bàn quả chuông và bài Minh ca ngợi quê hương trù phú đã khẳng định tên một số địa danh từ thời trước còn tồn tại tới ngày nay: "Yên Phong tên huyện/ Khúc Toại xã Hương/Chùa danh Diên Phúc/Trấn cõi phương Nam/Phong cảnh tươi đẹp".
Trên chuông chùa Khúc Toại có ghi lời ban rất sâu sắc và ý nghĩa về việc đúc chuông cho biết về lịch sử tín ngưỡng các thời đại trước: "Kìa chuông là khí của ngũ hành, là thanh của ngũ âm. Vua sáng nghe được sẽ chăm lo được việc triều chính, phật hiền sẽ chăm lo việc làm phúc.
Như vậy thì phép nhà phật và phép nhà vua là giống nhau. Từng được nghe thấy nước Việt Nam ta từ thời Lý, Trần đến nay luôn quý trọng đạo Phật và thường được linh nghiệm rõ ràng. Cho nên mới có việc xây tháp Báo Thiên, tạc tượng phật chùa Quỳnh Lâm, tạo đình chùa Phổ Minh, đúc chuông lớn chùa Phả Lại, gọi là Tứ khí An Nam".
Đình Khúc Toại được xây dựng từ thời Lê trung hưng, đến thời Nguyễn được trùng tu và mở rộng với qui mô lớn vào các năm: Đinh Mùi (1907), Quý Sửu (1913), Mậu Thìn (1928). Trên câu đầu của tòa Tiền tế còn nguyên dòng chữ Hán ghi khắc năm trùng tu "Duy Tân Quý Sửu niên" (1913). Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tiêu biểu của thời Nguyễn còn bảo lưu đến ngày nay.
Tòa Đại đình có bình đồ kiến trúc kiểu "tường chữ Đinh, mái chữ Công" với các lớp mái đao cong. Bộ khung đình được dựng bằng gỗ lim trang trí lộng lẫy và nghệ thuật chạm khắc được tập trung ở tòa Tiền tế. Các nghệ nhân xưa của làng nghề Khúc Toại bằng nhiều thủ tháp nghệ thuật: Chạm nổi, chạm lộng, chạm thủng, chạm kênh bong đã thể hiện tài năng sáng tạo của mình ở ngôi đình.
Trên các bộ phận kiến trúc như: Vì nóc, con rường, cốn, đầu dư, kẻ, bảy đều được chạm khắc trang trí. Tòa Tiền tế có 2 vì nóc gian giữa kết cấu "chồng rường" và đầu các con rường đều được chạm nổi hoa lá với nét chạm phóng khoáng. Các gian bên có vì nóc kiểu "ván mê" được chạm nổi đầu rồng mặt hổ phù với mắt lồi to, mũi nở, râu dài, bờm và tóc bay dựng ngược dữ tợn.
Rồng góa hổ phù nhằm đề cao vẻ uy nghiêm linh thiêng của ngôi đình. Các đầu dư chạm đầu rồng ngậm ngọc với nét chạm điêu luyện. Gian giữa có hai kẻ phía trước được tạo hình là hai con rồng lớn nhưng lớp vẩy lại biến hóa từ những cụm hoa lá nở rộ. Hai bảy hiên gian giữa chạm nổi hình rồng bán thân đang cuộn mình trong những đám mây chầu vào đình.
Đặc biệt bức cửa võng gian giữa được chạm với nhiều đề tài của đạo nho, đạo lão, đạo giáo như: Lưỡng long chầu nguyệt, long giáng, phượng vũ, long mã đồ thư, bát bửu… Nghệ thuật chạm khắc của đình Khúc Toại không những thể hiện tài năng của các nghệ nhân xưa, mà còn gửi gắm những mơ ước về một xã hội hưng thịnh, no ấm.
Căn cứ vào hệ thống tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ được tại di tích cho biết đình Khúc Toại thờ ba vị thần: Quý Minh đại vương có công đánh giặc ngoại xâm thời Hùng Vương, Trung Huệ đại vương (Đức Đệ tam) và Đống Vinh đại vương. Truyền thuyết kể rằng, vào đời vua Lê Thánh Tông (1470 - 1497), làng Khúc Toại có một vị quan võ nổi tiếng, không nhớ họ tên là gì, chỉ biết sau khi ngài hóa thần, dân làng gọi là Đức Đệ tam.
Khi còn làm quan trong triều, Đức Đệ tam kết bạn với một võ tướng người làng Đông Thọ (Yên Phong). Bấy giờ giặc cỏ nổi lên như ong, triều đình nhiều lần cử Đức Đệ tam và võ quan người Đông Thọ xuất chinh, lần nào họ cũng thắng trận trở về. Hai ngài lại được triều đình cử cầm quân thị sát vùng biên thùy, nghe tài danh của hai ngài, người phương Bắc không dám nhòm ngó.
Sau khi dẹp yên giặc giã, nhà vua sai hai ngài đi tuần hành vùng Kinh Bắc, nhân đi qua Khúc Toại, Đức Đệ tam mời bạn về nhà chơi, hàn huyên suốt đêm. Sớm hôm sau, không hiểu sao Đức Đệ tam đột ngột qua đời, người bạn làng Đông Thọ ôm bạn khóc.
Ngài hồi triều làm biểu tâu với nhà vua xin phong cho bạn mình làm Thành hoàng làng Khúc Toại. Dân làng Khúc Toại rất cảm kích, nên khi vị võ tướng người Đông Thọ qua đời, người làng cũng tôn làm Thành hoàng.
Tình cảm ấy thấu đến triều đình, vua Lê Thánh Tông bèn gia phong Đức Đệ tam là Trung Huệ đại vương, vị võ tướng người làng Đông Thọ làm Đống Vinh đại vương, cho phép dân làng Khúc Toại đời đời hương khói phụng thờ.
Cùng với giá trị kiến trúc điêu khắc, đình Khúc Toại còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý giá như 20 đạo sắc phong của các triều vua, 3 bia đá, nhiều đồ thờ tự cổ quý như hương án, sập thờ, kiệu thờ, siêu đao, bát bửu, kiệu bát cống là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của thời Lê, Nguyễn. Hàng năm, Khúc Toại hội chùa ngày 14 tháng Giêng và hội đình ngày 6 tháng Giêng là những hội "quan họ" nổi tiếng của xứ Kinh Bắc.